Luận án tiến sĩ “cầu lông” xôn xao Việt Nam: Mạng xã hội có đang “làm quá lên”?

Trước những xôn xao trên mạng xã hội thời gian qua về luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La", ông Trần Hiếu - Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao (đơn vị nghiệm thu đề tài) cho rằng “mạng xã hội đang làm quá lên”.
Sputnik
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học, luận án này rất pha tạp, không giải quyết được luận điểm khoa học nào, đồng thời còn thiếu tố chất giáo dục học, vốn là lĩnh vực mà tác giả luận án nghiên cứu phát triển đề tài. Có chuyên gia còn cho rằng, khâu kiểm duyệt và thẩm định đề tài ở Viện Khoa học thể dục thể thao đang “có vấn đề”.
Tuy nhiên, đây không phải là luận án, luận văn duy nhất gây xôn xao ở Việt Nam. Trên chuyên trang Luận văn - luận án của Bộ GD&ĐT, người quan tâm có thể tìm được không ít luận án tiến sĩ với các đề tài tương tự.

“Mạng xã hội đang làm quá lên”

Ngày 5/5, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) Trần Hiếu đã chính thức xác nhận, đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" do nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh thực hiện được hướng dẫn và bảo vệ tại viện.
Đề tài này đã công bố nội dung vào tháng 12/2021 và nghiệm thu thành công cấp viện vào ngày 19/1/2022.
Trả lời câu hỏi về tính thực tiễn và chất lượng của luận án tiến sĩ này, ông Hiếu cho VTC biết, đề tài đã trải qua nhiều vòng thẩm định, có đầy đủ thủ tục và biên bản nghiệm thu đúng quy định.
Trước ý kiến cho rằng đề tài quá nhỏ để làm luận án tiến sĩ, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao Trần Hiếu cho rằng:
“Mạng xã hội đang làm quá lên!”.
Trước đó, trên mạng xã hội và các diễn đàn học thuật xuất hiện hình ảnh trang bìa luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh.
Rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học và người dân khi nhìn thấy đề tài luận án này bày tỏ bất ngờ và bức xúc, bởi nghiên cứu này "không giúp ích gì cho cuộc sống".
Luận án này hiện đã được đăng tải toàn văn thông tin lưu trữ trên Chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GD&ĐT.
Theo đó, đề tài thuộc chuyên ngành giáo dục học, được công bố tại Viện Khoa học thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) vào ngày 23/12/2021.
Cán bộ hướng dẫn khoa học là GS.TS Lưu Quang Hiệp và PGS.TS Đặng Văn Dũng - hiện là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Bản đầy đủ luận án của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh có 126 trang A4, bao gồm 3 chương.
Bộ Ngoại giao Anh hô hào mạng xã hội và cửa hàng ứng dụng chặn nội dung của RT và Sputnik

Đóng góp của luận án

Theo trang này, những đóng góp mới của luận án là đã thông tin khoa học và toàn diện về thực trạng phong trào cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La.
Từ đó cho thấy, còn tồn tại những bất cập cơ bản làm hạn chế sự phát triển của phong trào như: Sự nhận thức chưa đầy đủ của công chức, viên chức về ý nghĩa của việc tập luyện Cầu lông; Thiếu cộng tác viên Cầu lông; Công tác xã hội hóa môn Cầu lông chưa hiệu quả; Thể lực của đội ngũ công chức, viên chức còn hạn chế.
Phân tích SWOT cũng xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong việc phát triển phong trào Cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La.
Luận án cho hay, quá trình nghiên cứu, đề tài đã lựa chọn được 6 giải pháp phát triển môn Cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La, bao gồm: Tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của việc tập luyện và thi đấu Cầu lông; Phát triển môn Cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức theo hướng xã hội hóa; Tạo nguồn cán bộ phát triển phong trào Cầu lông cho công chức, viên chức; Hoàn thiện hệ thống thi đấu Cầu lông cho công chức, viên chức; Mở rộng các hình thức tập luyện Cầu lông cho công chức, viên chức. Khích lệ động viên và kiểm tra, đánh giá phong trào Cầu lông của công chức, viên chức.
Trên cơ sở thực nhiệm xã hội học 5/6 giải pháp mà đề tài lựa chọn, bước đầu đã thể hiện tính hiệu quả sau một năm ứng dụng thông qua các tiêu chí phát triển môn Cầu lông.
Kết quả thực nghiện cho thấy, các tiêu chí đều thể hiện sự tăng trưởng tích cực (từ 15.38 % đến 133.33 %). Đồng thời, các giải pháp còn có tác dụng nâng cao thể lực cho công chức, viên chức thành phố Sơn La đạt độ tin cậy ở ngưỡng xác xuất thống kê cần thiết.

Luận án về cầu lông có xứng tầm “tiến sĩ”?

Là một công chức ở Sơn La, ông Nguyễn Đăng Dưỡng, Văn phòng Sở GD-ĐT Sơn La, cho biết ông có nghe thông tin về luận án tiến sĩ trên.
Theo ông, cách đặt tên luận án của tác giả không khéo. Có thể hàm ý của tác giả là muốn phát triển phong trào chơi cầu lông (không chuyên) dành cho cán bộ công chức, viên chức để tăng cường sức khoẻ.
Như vậy, có thể ý đồ ở đây là tốt, nhưng đặt tên luận án như vậy đã gây ra hiểu lầm. Trước hết, tên luận án gây ra ý nghĩ sai lệch, bởi nhiệm vụ của công chức, viên chức không phải chơi cầu lông mà nhà nước trả tiền để họ làm việc, phục vụ nhân dân.
Ông Dưỡng cho rằng, nếu tác giả để là giải pháp để phát triển phong trào cầu lông thì sẽ ý nghĩa hơn vì đây là việc mang tính chất ngoài giờ, khơi dậy phong trào thể dục thể thao cho công chức, viên chức sau những giờ làm việc căng thẳng, vừa giải trí, vừa nâng cao sức khoẻ đảm bảo cho quá trình công tác.

“Tôi chưa đọc nội dung luận án nhưng chỉ qua cái tên cho thấy tác giả quá vội vàng khi đặt tên, không phù hợp”, - ông Dưỡng nhận định.

Trong khi đó, TS. Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục thì cho rằng, có thể tác giả là người thuộc lĩnh vực thể dục thể thao và để đánh giá luận án này có “xứng tầm” tiến sĩ hay không thì cần phải ý kiến của bên lĩnh vực này.
Tuy nhiên, xét về lĩnh vực giáo dục học mà luận án đã nêu, TS. Lê Đông Phương cho rằng, mục lục của luận án có những vấn đề rất lớn, đầu tiên là các chương không đồng đẳng với nhau, không có mạch đi liền.
Trong đó, ở chương 1, tác giả nói về đặc điểm của một bộ môn thể thao, nhưng chương 3 lại giống như luận án quản lý giáo dục khi đề cập đến giải pháp phát triển…
Có thể thấy, luận án này không có khung lý thuyết trọn vẹn, không giải quyết được bài toán khoa học dù có nội hàm khoa học. Điều này có nghĩa là, câu chuyện để phát triển phong trào cầu lông thì cần cái gì, góc độ của giáo dục ở chỗ nào thì không nhìn thấy.
Theo TS. Lê Đông Phương, nếu luận án này thuộc lĩnh vực quản lý giáo dục thì sẽ hợp lý hơn là giáo dục học, nhưng tác giả lại để mã là giáo dục học.
Ở chương 1, mục 1.5 tác giả nêu đặc điểm hoạt động của môn cầu lông không có phần nào của giáo dục; mục 1.4, yếu tố đảm bảo cho công tác thể dục thể thao trong các cơ quan hành chính nhà nước thì về mặt pháp lý có ràng buộc cơ quan hành chính nhà nước phải có hoạt động thể dục thể thao không, nó là một mặt của giáo dục hay chỉ là hoạt động phong trào.
Mục 1.7 về quy hoạch và giải pháp phát triển môn cầu lông thì thuộc vấn đề quản lý. Như vậy, chỉ trong 1 chương nhưng tác giả đi từ khía cạnh của thể thao, pháp lý, rồi lại chuyển sang khía cạnh quản lý chứ không có yếu tố giáo dục học.
Ở chương 3, tác giả nêu về phong trào cầu lông, nhu cầu động cơ, cơ sở vật chất… Đây đều là những vấn đề không nằm trong tính pháp lý hay ràng buộc. Sau đó tác giả lại bàn về thực trạng thể lực chung. Đây là vấn đề khó và trong khuôn khổ của 1 luận án như vầy thì không thể làm được.
Nhìn chung, TS. Lê Đông Phương nhận định, luận án này là sự pha tạp nên không giải quyết được luận điểm khoa học nào và còn thiếu tố chất giáo dục học.
Rà soát tất cả các tài khoản mạng xã hội lan truyền tin đồn thất thiệt

Phạm vi quá hẹp, khâu kiểm duyệt có vấn đề?

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, đề tài được triển khai trên quy mô nghiên cứu hạn hẹp, chưa xứng với tầm luận án tiến sĩ. Ông Tuấn cho rằng, đề tài này giống như báo cáo, tham luận hoặc cùng lắm là luận văn thạc sĩ.
Nghiên cứu có mục đích là nêu ra được thực trạng, hạn chế và đưa ra giải pháp nhằm cải tiến mang tính vi mô và vĩ mô, có ảnh hưởng lớn, sâu sắc đến cộng đồng hoặc cả xã hội. Trong khi đó, đề tài này chỉ đề cập đến việc phát triển bộ môn cầu lông cho cán bộ công chức, viên chức thành phố Sơn La. Phạm vi này quá nhỏ hẹp, không đóng góp gì cho xã hội hay cộng đồng khoa học.

"Xét cả về tính học thuật hay thực tiễn, đề tài chưa đạt yêu cầu. Không biết lý do vì sao mà người hướng dẫn nghiên cứu lại đồng ý và hội đồng thẩm định lại thông qua đề tài như vậy", - PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn nêu rõ.

Còn theo một chuyên gia về giáo dục, đề tài trên quá nhỏ để mang ra thực hiện cho một nghiên cứu luận án tiến sĩ.

"Có thể thấy khâu kiểm duyệt và thẩm định đề tài ở Viện Khoa học thể dục thể thao đang có vấn đề. Những đề tài nghiên cứu kiểu công nghiệp, sao chép, copy-paste cần được loại bỏ ngay lập tức", - chuyên gia nói.

Một nhà khoa học khác thì cho rằng, đọc tóm tắt những cái mà tác giả luận án gọi là 'mới' thì chẳng có gì mới và không có chút hàm lượng khoa học nào, nên chưa thể coi là kết quả nghiên cứu.

"Nó giống với báo cáo tổng kết năm của Sở Văn hóa thể thao du lịch nhiều hơn. Chẳng biết hội đồng chấm luận án có những ai và đánh giá thế nào?", vị này đặt câu hỏi.

Việt Nam còn nhiều luận văn, luận án tương tự

Tuy nhiên, không chỉ luận án của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh mới gây ồn ào. Trên chuyên trang Luận văn - luận án của Bộ GD-ĐT, có thể tìm được không ít luận án tiến sĩ với các đề tài tương tự.
Trong số đó, có thể kể đến đề tài "Nghiên cứu xây dựng chương trình tập luyện ngoại khóa môn Cầu lông cho sinh viên Đại học khối các trường kỹ thuật Thành phố Thái Nguyên?" của tác giả Nguyễn Trường Giang, mã số: 9140101, chuyên ngành: Giáo dục học. Hướng dẫn 1: PGS.TS. Nguyễn Kim Xuân, hướng dẫn 2: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sơn, cơ sở đào tạo là Trường Đại học TDTT Bắc Ninh.
Đề tài "Xây dựng chương trình thể thao ngoại khóa cho sinh viên trường Đại học Hùng Vương tỉnh Phú Thọ" của nghiên cứu sinh Lưu Thị Như Quỳnh, ngành: Giáo dục học, mã số: 9140101. Người hướng dẫn là PGS.TS. Nguyễn Văn Phúc và PGS.TS. Đỗ Hữu Trường. Cơ sở đào tạo là Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh.
"Thảm họa giáo dục": Học sinh Mỹ tụt hậu về môn toán so với học sinh Trung Quốc và Nga
Thảo luận