Những thay đổi mới nhất trong quy trình luân chuyển cán bộ ban hành bởi Bộ Chính trị

HÀ NỘI (Sputnik) - Bộ Chính trị sáng 6/5 ban hành quy định về quy trình luân chuyển cán bộ gồm 5 bước, trong đó thời gian luân chuyển cán bộ ít nhất là 36 tháng.
Sputnik
Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ.
Công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung trong công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu.

Tiêu chuẩn đối với cán bộ được luân chuyển

Tiêu chuẩn và điều kiện của cán bộ để được luân chuyển là có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác và triển vọng phát triển; đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của chức vụ đảm nhiệm khi luân chuyển. Cán bộ cũng phải có đủ sức khỏe và còn thời gian công tác ít nhất 10 năm công tác tính từ thời điểm luân chuyển. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Hai tướng Quân đội được bổ nhiệm về Tổng cục Chính trị và Quân khu 9

Đối tượng được luân chuyển

Theo quy định của Bộ Chính trị, diện được luân chuyển là cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị, gồm: Bí thư cấp ủy, chủ tịch Ủy ban nhân dân, chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và cấp trưởng các ngành công an, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện. Trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Cán bộ được luân chuyển dựa theo nguyên tắc bố trí chức vụ tương đương với chức vụ đang đảm nhiệm. Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí chức vụ cao hơn chức vụ đang đảm nhiệm đối với cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chức vụ dự kiến phân công, bố trí.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật hàng loạt nguyên lãnh đạo Bình Thuận

Quy trình luân chuyển cán bộ gồm 5 bước.

1.
Căn cứ nhu cầu luân chuyển cán bộ, cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương.
2.
Căn cứ chủ trương của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trao đổi với các địa phương, cơ quan, đơn vị để đề xuất nhân sự luân chuyển.
3.
Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ tổng hợp đề xuất của các địa phương, cơ quan, đơn vị và rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí, dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự; lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển.
4.
Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với cơ quan nơi đi, nơi đến về dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự; tổng hợp kết quả thẩm định và trao đổi với cán bộ dự kiến luân chuyển. Đồng thời, cơ quan tổ chức gặp gỡ cán bộ được luân chuyển để quán triệt mục đích, yêu cầu; đồng thời nắm tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ.
5.
Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện (công bố quyết định, chỉ đạo bầu cử và các công việc cần thiết khác).
Sao lúc này Bộ Chính trị lại bàn về bảo vệ an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ?
Đáng chú ý, thời gian luân chuyển cán bộ ít nhất là 36 tháng; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Quy định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 07/10/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ.
Thảo luận