Sao lúc này Bộ Chính trị lại bàn về bảo vệ an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ?
© Ảnh : Phương Hoa - TTXVNTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị
© Ảnh : Phương Hoa - TTXVN
Đăng ký
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lý giải vì sao vào lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung du và miền núi Bắc Bộ là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của Việt Nam.
Ý nghĩa chiến lược
Ngày 15/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sự kiện diễn ra theo hình thức cả trực tiếp lẫn truyền hình điểm cầu dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cùng dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các Ban Bộ ngành Trung ương và lãnh đạo chủ chốt 14 tỉnh trong Vùng.
Cần nhấn mạnh rằng, đây hội nghị toàn quốc đầu tiên để quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng. Nói cách khác là theo địa bàn, theo khu vực.
Hội nghị được tổ chức nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cũng như tại các địa phương trong Vùng để sớm đưa Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển Vùng.
Hội nghị cũng thể hiện tinh thần nghiêm túc, ý chí và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong việc đổi mới xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng - một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ đối với các vùng mà còn đối với cả nước.
“Địa đầu – phên giậu – lá phổi”
Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, ngày 1/7/2004, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 và Bộ Chính trị khóa XI đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ban hành Kết luận số 26-KL/TW, ngày 2/8/2012 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010 và thời kỳ 2011 – 2020.
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX và khóa XI, các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng.
Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong vùng và cả nước.
Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 lần này đã kế thừa, bổ sung, phát triển 3 quan điểm rất ngắn gọn của Nghị quyết số 37-NQ/TW thành 5 quan điểm chỉ đạo mới, phù hợp với tình hình, bối cảnh mới.
Trong đó, có nhiều nội dung thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm rất cao của Đảng ta quyết tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ - nơi được coi là “địa đầu”, “phên giậu”, “lá phổi” của Việt Nam. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong vùng luôn có truyền thống yêu nước, đoàn kết, thống nhất và có ý chí, quyết tâm cao...
Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện rõ khát vọng, ý chí và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhất là cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong vùng. Phấn đấu đến năm 2030, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội.
Việt Nam cũng muốn phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch; bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn; đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước.
© Ảnh : Phương Hoa - TTXVNToàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị
© Ảnh : Phương Hoa - TTXVN
Một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường.
Bộ Chính trị nhấn mạnh, đến năm 2045, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước...Nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và bối cảnh tình hình mới.
Tại sao lại là lúc này?
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tập trung làm rõ 3 vấn đề và trả lời 3 câu hỏi quan trọng.
1.
Vì sao vào lúc này Bộ Chính trị lại bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?2.
Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết lần này là gì?3.
Chúng ta cần làm gì và làm như thế nào để tổ chức thực hiện có kết quả những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết lần này của Bộ Chính trị đề ra, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động?Tổng Bí thư cho biết, hiện Việt Nam được chia thành 6 vùng, bao gồm Trung du và miền núi Bắc Bộ, đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
“Mỗi vùng đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù riêng”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Trong đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đánh giá, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh trực tiếp nằm trong vùng và 21 huyện, 1 thị xã phía Tây của hai tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An là một địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia.
Đồng thời, đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý, hiếm, và diện tích đồi rừng rộng lớn, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và nhiều di sản văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận sau 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khoá IX và khoá XI, các địa phương trong Vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của Vùng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ cũng còn không ít hạn chế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, thực tế này đã đặt ra yêu cầu phải tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị khoá IX; Kết luận số 26 của Bộ Chính trị khoá XI và ban hành Nghị quyết mới về vấn đề đặc biệt quan trọng này.
“Đây cũng là việc làm hết sức có ý nghĩa và cần thiết, thể hiện trách nhiệm của toàn Đảng và cả nước đối với đồng bào các dân tộc vùng trung du, miền núi Bắc Bộ - là vùng cơ sở cách mạng, vùng kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đúng với truyền thống đoàn kết, thuỷ chung, nghĩa tình của dân tộc Việt Nam”, Tổng Bí thư nói.
Nói về ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết Bộ Chính trị lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý có 3 điểm mới.
Thứ nhất, Nghị quyết đã kế thừa, bổ sung, phát triển 3 quan điểm rất ngắn gọn của Nghị quyết số 37 thành 5 quan điểm chỉ đạo mới, phù hợp với tình hình, bối cảnh mới.
Thứ hai, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nghị quyết đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện rõ khát vọng, ý chí và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhất là cấp uỷ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong vùng.
Thứ ba là Nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; về phát triển văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và bối cảnh tình hình mới.
Thống nhất cao
Phát biểu tại Hội nghị, phân tích về những việc phải làm và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 5 vấn đề đối với 14 tỉnh trong vùng và đối với các Bộ ngành Trung ương.
Trong đó cần phải quán triệt thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm.
Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, của người dân và cộng đồng các doanh nghiệp về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng.
“Tinh thần là phải nhận thức và giải quyết thật đúng, thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước - cả nước vì Vùng và Vùng vì cả nước”, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các ban, bộ, ngành Trung ương; của các địa phương trong vùng để xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết theo đúng tinh thần "đúng vai, thuộc bài".
Cần khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước; tinh thần chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng.
“Phải quyết tâm vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng bằng lòng, trung bình chủ nghĩa, không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Đồng thời, tăng cường sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước để phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững hơn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng đạt mức cao hơn bình quân chung của cả nước trên cơ sở từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng.
Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, các cơ quan ở Trung ương phải tăng cường phối hợp với Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển Vùng.
Đặc biệt, các địa phương trong vùng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương, phấn đấu để các thôn, bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều có đảng viên và chi bộ đảng.
Bên cạnh đó cũng thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng, sau Hội nghị này, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong vùng trung du, miền núi Bắc Bộ sẽ cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc đã quyết tâm rồi càng quyết tâm cao hơn nữa.
“Đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi càng tiếp tục đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, để tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi;, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.