Những thành công trong công tác thực hiện bình đẳng giới đã giúp Việt Nam xếp thứ 26/156 quốc gia trong Bảng xếp hạng khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (IMF), đồng thời được OECD đánh giá là có mức độ phân biệt đối xử “thấp”.
Tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động và lãnh đạo doanh nghiệp cao
Vừa qua, tập đoàn quản lý đầu tư VinaCapital đã tham gia hội nghị dành cho các nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng với tiêu đề “Thúc đẩy sự tăng trưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ lãnh đạo tại Việt Nam”.
Hội nghị do Mạng lưới Từ thiện Mạo hiểm Châu Á (Asia Venture Philantropy Network - AVPN) tổ chức, với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Australia.
Bên cạnh các nhà đầu tư khu vực tư nhân, hội nghị còn thu hút sự tham dự của đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Chính phủ Hà Lan và các tổ chức khác.
Phát biểu tại sự kiện, Kinh tế trưởng VinaCapital Michael Kokalari cho rằng, với tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động cao nhất ở khu vực Châu Á và cao so với toàn thế giới, Việt Nam được đánh giá cao.
Tại Việt Nam, nhiều công ty hàng đầu có CEO là nữ. Có khoảng 28% vị trí quản lý hàng đầu ở Việt Nam do phụ nữ nắm giữ, cao hơn so với tỉ lệ 19% của thế giới.
Hiện Việt Nam đang xếp thứ 26/156 quốc gia trong Bảng xếp hạng khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (IMF), đồng thời được OECD đánh giá là có mức độ phân biệt đối xử “thấp”.
Dẫn lời Rosenburg Research, một công ty nghiên cứu thị trường chứng khoán độc lập, đại diện VinaCapital cho rằng, Việt Nam được coi là tấm gương đáng để noi theo trong các thị trường mới nổi.
Thực tiễn đã chứng minh rằng, tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động tỉ lệ thuận với GDP và tăng trưởng năng suất lao động, từ đó làm tăng tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng trong dài hạn.
Chính vì vậy, ngày càng nhiều quốc gia đang phát triển áp dụng các chính sách mà Việt Nam đã tiên phong triển khai từ lâu, nhằm tận dụng triệt để nguồn động lực tăng trưởng kinh tế dài hạn này.
Cùng với đó, Andy Ho, Giám đốc Đầu tư của VinaCapital, cũng nhấn mạnh về những lợi ích mà quỹ đầu tư tư nhân (private equity) của VinaCapital đã gặt hái thành công từ việc đầu tư vào các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.
Trong Chương 4 của cuốn sách “Crossing the Street” của Andy Ho, ông cho biết các doanh nghiệp do phụ nữ điều hành mà VinaCapital đầu tư có xu hướng tập trung hơn vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, ngay cả khi các doanh nghiệp đó đã phát triển và rất thành công.
Việt Nam tiên phong về bình đẳng giới
Năm 1946, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chính thức được thành lập nhằm lãnh đạo phong trào phụ nữ trong cả nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp (1946–1954).
Sau đó, năm 1976, tổ chức này đổi tên thành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và theo đuổi một loạt các mục tiêu, bao gồm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và đào tạo nghề.
Việc thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là bước đi tiên phong nhằm thúc đẩy và nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội Việt Nam, giúp đưa các quyền nữ giới cùng các biện pháp bảo vệ pháp lý cho phụ nữ vào luật pháp của Việt Nam.
Việt Nam cũng là nước sớm ký cam kết về bình đẳng giới và điều này đã giúp xây dựng một khung pháp lý về bình đẳng giới “được công nhận rộng rãi là toàn diện” bởi Liên hợp quốc.
Đặc biệt, Việt Nam còn xây dựng Luật bình đẳng giới, với mục tiêu xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Những nỗ lực này đã mang đến những kết quả tích cực: 77% nữ sinh Việt Nam được đi học trung học phổ thông, cao hơn so với tỉ lệ 68% của nam giới; Việt Nam được Ngân hàng Thế giới cho 81,9/100 điểm về chỉ số quyền lợi hợp pháp của phụ nữ, cao hơn mức trung bình 76,1 của toàn thế giới.
Thực tế đã cho thấy, giáo dục trẻ em gái là chính sách hiệu quả nhất mà một quốc gia đang phát triển có thể thực hiện để thúc đẩy sự phát triển kinh tế lâu dài của đất nước.
Vẫn còn đó những khó khăn
Ông Michael Kokalari cho biết, có 2 lĩnh vực cần chú ý mà các vấn đề liên quan đến giới tính có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.
Thứ nhất, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và việc phụ nữ tham gia lao động chịu tác động xấu từ Covid. Lý do là bởi họ chiếm số đông trong các lĩnh vực du lịch, bán lẻ, khách sạn và sản xuất hàng may mặc (cũng như các hoạt động sản xuất nhẹ khác), trong khi các lĩnh vực này bị ảnh hưởng rất lớn trong đại dịch.
Thứ hai, khác với khu vực thành thị, có đến hơn 60% dân số Việt Nam vẫn đang sống bên ngoài các đô thị lớn, nơi phụ nữ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể.
Chẳng hạn, phụ nữ sở hữu nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hơn ở các khu vực thành thị (> 30%) so với nông thôn (<20%), nơi kinh doanh nông nghiệp chiếm phần lớn. Đồng thời, phụ nữ sở hữu dưới 20% đất nông nghiệp ở Việt Nam, thấp hơn nhiều so với nam giới (khoảng 50%).
Lý do này đã khiến các doanh nghiệp nông nghiệp do phụ nữ làm chủ gặp nhiều khó khăn khi vay tiền để mở rộng trang trại, hoặc nâng cấp doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của Liên hợp quốc, có đến gần 90% phụ nữ làm trong ngành nông nghiệp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tự cung tự cấp.
Theo ông Kokalari, Việt Nam từ lâu đã tiên phong về quyền bình đẳng của phụ nữ, nơi phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng chính thức theo pháp luật. Phụ nữ Việt Nam có tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động cao và có khả năng tiếp cận cơ hội kinh tế cao, nhất là ở các khu vực thành thị của đất nước.
“Những bước đi tiên phong trong vấn đề bình đẳng giới của Chính phủ Việt Nam đã thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng kinh tế dài hạn của đất nước, từ đó tạo ra cơ hội sinh lời hấp dẫn khi đầu tư vào các công ty niêm yết hay tư nhân cho các quỹ đầu tư như VinaCapital", ông Kokalari cho biết.