Việt Nam: Từ quốc gia “tổn thương” đến hình mẫu cho rất nhiều nước khác

© Ảnh : Trung Kiên - TTXVNBà Caitlin Wiesen, Đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn
Bà Caitlin Wiesen, Đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.04.2022
Đăng ký
Đại diện thường trú UNDP đánh giá, Việt Nam, từ một trong những quốc gia dễ chịu tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu, đến nay, hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho rất nhiều nước khác noi theo.
Tuy nhiên, những gì Việt Nam cần làm còn rất nhiều, nhất là tăng cường vai trò dẫn dắt của Chính phủ. Đất nước nên tăng cường khả năng chống chọi của nền kinh tế qua việc nâng cao khả năng ứng phó với các tác động do con người gây ra cũng như tác động do thiên tai.

Từ quốc gia dễ chịu tổn thương nhất

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Đại sứ quán Thụy Điển, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường đã chính thức khởi động Chuỗi tham vấn quốc gia tại Việt Nam - hướng tới hội nghị khí hậu toàn cầu Stockholm+50.
Chuỗi hoạt động được kéo dài từ nay đến tháng 6/2022 nhằm thu thập và truyền tải ý kiến của người dân Việt Nam tới hội nghị toàn cầu về những thách thức mà con người và hành tinh đang phải đối mặt trên quy mô khắp cả nước.
Xuất khẩu thủy sản tăng trong 2 tháng đầu năm 2022 - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.04.2022
Việt Nam tại LHQ: Hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững
Quyền Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen đã có những trao đổi, chia sẻ với TTXVN về các nội dung liên quan đến các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Đánh giá về hiện trạng môi trường ở Việt Nam cũng như các cam kết của Chính phủ ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, bà Caitlin Wiesen cho biết, UNDP nhận thấy Việt Nam đã có những cải thiện đối với một số mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến môi trường như lĩnh vực nước sạch và vệ sinh (đây là mục tiêu số 6).
Tuy nhiên, theo bà Wiesen, cũng có một số mục tiêu vẫn còn bị tụt lại so với các quốc gia khác như mục tiêu tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm (mục tiêu số 12); hành động vì khí hậu (mục tiêu số 13); bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững (mục tiêu số 14); bảo vệ tài nguyên và môi trường trên đất liền (mục tiêu số 15) cùng nhiều vấn đề khác.
“Những gì chúng tôi đã và đang chứng kiến là Việt Nam có mức tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian qua, tất nhiên ngoại trừ đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, mức tăng trưởng có sự sụt giảm nhiều. Quá trình tăng trưởng đó cũng mang đến những rủi ro cho môi trường”, đại diện UNDP nhấn mạnh.
Phân tích những rủi ro này, chuyên gia cho rằng, có thể sẽ phải trả giá bằng môi trường, sử dụng khá nhiều carbon (cho các mục tiêu tăng trưởng).
“Thách thức là nếu quỹ đạo tăng trưởng này tiếp tục, Việt Nam sẽ trở thành nước đóng góp lớn vào phát thải khí nhà kính trong tương lai”, bà Caitlin Wiesen bày tỏ và lưu ý, việc giải quyết vấn đề này là cực kỳ quan trọng.
Đại diện thường trú UNDP lưu ý, đây cũng là một trong những lý do mà các bên khởi động chuỗi tham vấn quốc gia Stockholm+50. Chuỗi các cuộc tham vấn nhằm chia sẻ quan điểm, tiếng nói của người dân Việt Nam về những vấn đề rất quan trọng mà thế giới cần giải quyết vào lúc này.
“Khi chúng ta nhìn vào Việt Nam, đây là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu”, bà Wiesen nhắc lại.
Theo đó, đất nước này có một trong những đường bờ biển dễ bị tổn thương nhất, bị ảnh hưởng bởi các cơn bão, siêu bão và việc tìm kiếm giải pháp tốt nhất để xây dựng khả năng phục hồi theo những cách có lợi cho môi trường bền vững là rất quan trọng.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 - Sputnik Việt Nam, 1920, 02.08.2021
Các nước ASEAN sẽ phải ứng phó và phục hồi sau đại dịch Covid-19 như thế nào?
Bên cạnh đó, điều rất quan trọng khi Việt Nam muốn phục hồi sau Covid-19, đó là hướng đến một hình thức tăng trưởng khác, tăng trưởng bao trùm và tăng trưởng xanh.
“Tôi cho rằng đây là một cơ hội lớn”, chuyên gia đánh giá.
Tất cả đều đã thấy Việt Nam có thể phát triển rất nhanh và đang gia tăng tỷ lệ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
“Chúng tôi cũng chứng kiến một sự tăng trưởng ngoạn mục sử dụng năng lượng mặt trời, gió trong các năm 2018-2019”, đại diện thường trú UNDP bày tỏ.
Tuy nhiên, để tăng trưởng hơn nữa và tuần hoàn hơn, Việt Nam sẽ cần giải quyết một số vấn đề liên quan đến việc mở rộng hệ thống lưới điện và đổi mới nguồn cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) đóng điện Trạm biến áp và đường dây 220/500kV kết hợp điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.02.2022
EVN làm ăn có lãi, giá bán lẻ điện bình quân 2022 ra sao?
Các chuyên gia cho rằng, điều này là vô cùng quan trọng để tiến tới loại bỏ than đá và tăng tỷ lệ phần trăm kết hợp giữa năng lượng tái tạo và mức tiêu thụ năng lượng tổng thể, vốn ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng của Việt Nam.
“Trong bối cảnh đó, chúng tôi thực sự đánh giá cao những cam kết mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra tại COP26”, bà Wiesen nêu rõ.
Đại diện thường trú UNDP đặc biệt đánh giá cao cam kết không phát thải ròng vào năm 2050, đồng thời đang thực hiện các bước đi rất chủ động như thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và điều chỉnh lại chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu cùng Quy hoạch điện 8. Đây là những bước đi để hiện thực hóa những cam kết đã được đưa ra tại COP26 vừa qua
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.01.2022
COP26, cam kết của Việt Nam và thể diện của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Tuy nhiên, thách thức lớn nhưng cơ hội cũng lớn. Bà Wiesen cho rằng Việt Nam đang ở điểm khởi đầu hoạch định con đường phát triển trong tương lai.
Chuyên gia khẳng định, con đường này cho đến nay vẫn còn chưa định hình đầy đủ trên quy mô thế giới. Vì vậy, đây là cơ hội để Việt Nam tiên phong và phát triển một lộ trình tăng trưởng mà những nước khác có thể học hỏi.

Đến hình mẫu về tăng trưởng xanh trên thế giới

Ba thông điệp quan trọng – đồng thời cũng là chủ đề trọng tâm của ba cuộc tham vấn quốc gia của các bên tại Việt Nam.
Đầu tiên là các giải pháp dựa vào tự nhiên. Bà Caitlin Wiesen nêu rõ, Việt Nam là một trong 16 nước giàu đa dạng sinh học nhất trên thế giới. Vì vậy, trong quá trình phát triển, điều cần nhấn mạnh là phải bảo tồn môi trường và sử dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên được tích hợp vào tăng trưởng.
Tiếp đó, cần xem xét một quá trình chuyển đổi năng lượng vừa bao trùm, vừa xanh.
“Tôi nghĩ đây là thông điệp chính cần phát đi từ Việt Nam ra thế giới. Tôi đồng ý là có thể có tương lai phát triển bao trùm và Việt Nam đã thực sự cho thấy mình có thể sản xuất năng lượng tái tạo nhanh chóng như thế nào”, bà Wiesen nói.
Theo đại diện thường trú của UNDP, tăng trưởng năng lượng tái tạo ở Việt Nam khá ấn tượng, cả về năng lượng mặt trời và gió.
Quá trình này đã diễn ra trước đây và nay cần phải được tăng cường để các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tái tạo có thể trở thành nguồn đóng góp chính cho tăng trưởng năng lượng ở Việt Nam.
Hiện nay, đóng góp phần lớn cho tăng trưởng năng lượng vẫn từ nguồn than, và than cần phải được loại bỏ dần dần.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc loại bỏ than đá cần phải được tiến hành phù hợp với tiến trình mở rộng quy mô năng lượng tái tạo. Điều này sẽ đòi hỏi một số cải cách, mở rộng đối với lưới điện quốc gia và EVN.
“Lĩnh vực thứ ba mà chúng tôi sẽ xem xét là vấn đề xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Chúng tôi xem xét dưới góc độ tiêu thụ và sản xuất, cũng như đảm bảo rằng mối quan hệ này được thực hiện theo các cách bền vững”, đại diện UNDP bày tỏ.
Vị chuyên gia thẳng thắn, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia gây ô nhiễm nhựa, và ô nhiễm nhựa hàng đầu trên thế giới.
Tại Việt Nam cũng như các nước khác, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ nhựa đã qua sử dụng được tái sử dụng.
Trong khi đánh giá cao các giải pháp về sử dụng nhựa dùng một lần, các chuyên gia thực sự cho rằng vẫn cần phải có một cách tiếp cận tích hợp và chặt chẽ hơn đối với nền kinh tế tuần hoàn, thay đổi suy nghĩ của mọi người về cách sử dụng nhựa đã qua sử dụng, theo đó chúng được tái sinh và có thị trường thứ cấp để có thể được tái sử dụng.
Bà Caitlin Wiesen khẳng định, UNDP rất vui mừng được phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện công việc này.
“Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam” đã được hình thành, nơi kết nối các đối tác khu vực tư nhân, các nhà tài trợ, quan chức chính phủ, tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ để cùng nhau chia sẻ những gì họ đang làm, những cách làm tốt nhất mà họ có, và thực sự tạo ra một nền kinh tế sôi động về tái sử dụng nhựa.
Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho rằng, đây là những cơ hội cho Việt Nam và cũng là những thông điệp chính cần truyền tải ra toàn cầu.
Bà Wiesen cũng nhấn mạnh rằng, có những thách thức mà Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới đang phải đối mặt tại thời điểm này. Nhưng điều thú vị ở Việt Nam là chúng ta đã thấy việc sử dụng năng lượng tái tạo được mở rộng nhanh chóng như thế nào, nền kinh tế tuần hoàn và nhựa sử dụng một lần có thể được giải quyết như thế nào.
Đây là một câu hỏi về sức mạnh ý chí, cũng là một câu hỏi về các hành động chính trị và cá nhân. Vì vậy, cần phải thay đổi tư duy của mọi người.
Chúng tôi rất vui mừng về cơ hội giải quyết vấn đề tăng trưởng bao trùm, tăng trưởng xanh sẽ mang lại một tương lai hòa nhập công bằng cho tất cả người dân Việt Nam và Việt Nam có thể trở thành một hình mẫu để các nước khác nhân rộng. Chúng tôi rất vui được chia sẻ điều này”, đại diện thường trú UNDP khẳng định.

Tìm hình thức tăng trưởng mới cho Việt Nam

Khẳng định với cổng thông tin Chính phủ đầu tháng 4 này, bà Caitlin Wiesen cho rằng, mặc dù Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống còn 5,3% cũng như các quốc gia khác trong năm 2022, tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững và đạt được như mức kỳ vọng khi mà du lịch, vận tải và các ngành dịch vụ khác đã phục hồi.
ADB dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% năm 2022 - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.04.2022
Trái với World Bank, ADB có nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam
Bà Caitlin Wiesen phân tích, phục hồi kinh tế của Việt Nam cần hướng đến tăng trưởng xanh và bao trùm để đạt được mục tiêu kép, bao gồm kích thích tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương, những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.
“Trong đó, Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt tăng trưởng bền vững và nâng cao năng lực của khu vực kinh tế trong nước”, nữ chuyên gia lưu ý.
Bàn về tăng trưởng xanh, UNDP kỳ vọng Chính phủ sẽ đầu tư vào các dự án chuyển đổi năng lượng và kích hoạt các hoạt động thích ứng với khí hậu.
Đối với tăng trưởng bao trùm, Chính phủ cần đề ra một cách tiếp cận toàn diện để cải thiện việc phân bổ nguồn lực tài chính dựa trên tình hình phát triển kinh tế-xã hội và tăng nguồn cung tài chính trong nước.
Bà Caitlin Wiesen nhắc lại, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tăng trưởng bền vững trong năm nay, bao gồm tăng nguồn cung tài chính dài hạn; tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng giữa các doanh nghiệp trong nước thông qua nâng cấp công nghệ và đầu tư công; tăng tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu, và các hoạt động khác.
“Thay vì đề cập tới việc quay lại cuộc sống bình thường sau đại dịch COVID-19 hay "bình thường mới", cần tìm kiếm một hình thức tăng trưởng mới phù hợp với bối cảnh hiện tại”, chuyên gia nói.
Cụ thể là Chính phủ cần chú trọng tăng cường sự chống chọi của nền kinh tế qua việc nâng cao khả năng ứng phó với các tác động do con người gây ra cũng như tác động do thiên tai.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển thị trường nội địa bằng việc cung cấp các khoản tài chính dài hạn cũng như khuyến khích và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước thông qua đẩy mạng đầu tư vào công nghệ và đổi mới.
Đồng Việt Nam và đô la Mỹ. - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.11.2021
World Bank: Kiều hối về Việt Nam tăng mạnh, đứng thứ 8 thế giới
Bà Wiesen đánh giá những yếu tố này vô cùng cần thiết giúp cho Việt Nam trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.
Đại diện thường trú UNDP cũng nêu rõ, không chỉ đồng hành với Việt Nam trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, UNDP sẽ hỗ trợ Việt Nam trong các hoạt động phân tích cũng như nghiên cứu cách thức để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong nước nhằm tham gia vào một sân chơi bình đẳng hơn với các chuỗi giá trị toàn cầu.
“UNDP mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và các đối tác phát triển để đẩy nhanh các hành động nhằm đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, hướng đến xây dựng Việt Nam xanh, hòa nhập và thịnh vượng”, bà Caitlin Wiesen cam kết.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала