Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (ĐH Quốc gia Singapore), Việt Nam là một minh chứng thuyết phục để thế giới thấy quan hệ của một quốc gia với Hoa Kỳ, nếu thực lòng và sâu sắc, thì dù có nhiều khác biệt vẫn có thể cùng nhau tạo nên những thành quả to lớn trong công cuộc phát triển và góp phần vào củng cố hòa bình thế giới.
Phía sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Như Sputnik đã thông tin, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 8/5 xác nhận về chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ và Liên Hợp Quốc.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc từ ngày 11-17/5.
“Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr., Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ cùng Lãnh đạo các nước ASEAN dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ trong hai ngày 12-13/5 tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ”, Bộ Ngoại giao cho biết.
Sự chú ý, tất nhiên, dồn về Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng như các động thái quan trọng của nhà lãnh đạo Việt Nam. Theo cổng thông tin Chính phủ, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại.
Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Bên cạnh đó, Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể.
Hà Nội cũng chủ động hội nhập quốc tế tích cực, sâu rộng, thực chất, hiệu quả, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá.
Theo Chính phủ, chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN, đề cao vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác của ASEAN với Hoa Kỳ, một đối tác quan trọng của ASEAN.
Bên cạnh đó, chuyến thăm được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển, hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định lâu dài trên tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại – đầu tư, khoa học – công nghệ, giáo dục - đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh...
Chuyến thăm của Thủ tướng cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ và đóng góp tích cực của Việt Nam với hòa bình và ổn định trên thế giới, góp phần củng cố quan hệ hợp tác toàn diện, hiệu quả giữa Việt Nam – LHQ trong bối cảnh Việt Nam và LHQ đang kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ đối tác (1977-2022), cùng với đó là tranh thủ sự hỗ trợ tích cực của LHQ đối với các lĩnh vực Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tự cường sau đại dịch, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu SDG, triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình.
Chuyến thăm cũng nhằm triển khai Kết luận số 12 – KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ, mong muốn kiều bào tiếp tục gắn bó với đất nước, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Với Việt Nam, Mỹ là đối tác hàng đầu
Như đã biết, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau hơn 25 năm bình thường hóa quan hệ, đã có những bước tiến dài trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Với Việt Nam, Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Việt Nam và Mỹ cũng đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013.
“Hoa Kỳ nhiều lần khẳng định ủng hộ một Việt Nam độc lập và phát triển giàu mạnh, mong muốn đưa quan hệ với Việt Nam lên một tầm mức mới”, cổng thông tin Chính phủ nói.
Về kinh tế, kim ngạch thương mại song phương tăng nhanh và ổn định, đạt hơn 11 tỷ USD trong 2021, tăng gần 21 tỷ USD so với 2020.
Mỹ cũng là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, với 1.135 dự án có tổng vốn đăng ký hơn 10 tỷ USD, đứng thứ 11/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam. Thời gian qua, các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, đầu tư vào thị trường Việt Nam: Intel thông báo bổ sung đầu tư gần 500 triệu USD vào nhà máy tại Thành phố Hồ Chí Minh; đối tác sản xuất chính của Apple (Foxconn) bổ sung đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang...
Trong khi đó về phía mình, các doanh nghiệp Việt cũng thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, năng lượng, kinh tế số. Ngày 29/3/2022, VinFast, đơn vị thành viên Tập đoàn Vingroup của Việt Nam ký hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỷ USD tại Bắc Carolina.
Hơn 2 năm đại dịch, Việt Nam và Mỹ cũng tăng cường hợp tác trong phòng chống COVID-19 và phục hồi sau đại dịch. Mỹ đứng đầu trong số các nước cung cấp vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX, viện trợ gần 40 triệu liều vaccine cho Việt Nam cùng với nhiều vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch khác. Khi tình hình chống dịch tại Hoa Kỳ cấp bách, Việt Nam cũng đã hỗ trợ Mỹ thiết bị bảo hộ cá nhân và khẩu trang vải kháng khuẩn được phía Hoa Kỳ trân trọng và đánh giá cao.
Hợp tác quốc phòng - an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục được duy trì và thúc đẩy. Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục, đào tạo, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính được kỳ vọng làm sâu sắc hơn những thành quả hợp tác mà Việt Nam và Mỹ đã đạt được.
Gắn kết Mỹ - ASEAN
Chuyến công du Mỹ lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng được kỳ vọng củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ ASEAN – Mỹ. Như đã biết, hai bên thiết lập sợi dây liên kết từ năm 1977, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đạt kết quả khả quan trên các bình diện khác nhau, cả trong hợp tác chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, việc củng cố và làm sâu sắc thêm mối quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ là rất cần thiết, là quan tâm chung của cả hai bên, trong đó có cá nhân Tổng thống Joe Biden.
Với tinh thần này, nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ, lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ. Đây cũng là sự tiếp nối trao đổi cấp cao giữa ASEAN và Hoa Kỳ, khẳng định những cam kết của hai bên về hợp tác xây dựng lòng tin, thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại và tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai bên.
Trước đó, cả ASEAN và Hoa Kỳ đã cùng phối hợp tổ chức Hội nghị tại Sunnylands, Hoa Kỳ vào năm 2016. Hai bên cũng nhất trí tổ chức Hội nghị vào tháng 3/2020 nhưng buộc phải hoãn do dịch Covid-19.
Dự kiến tại Hội nghị này, lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thống Joe Biden sẽ cùng nhìn lại và đánh giá tổng thể chặng đường quan hệ đối tác hai bên trong 45 năm qua và đề ra những định hướng quan trọng phát triển quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hai bên cũng dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như Biển Đông, tình hình Ukraina, phục hồi hậu Covid-19…
Cụ thể, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt, ASEAN và Hoa Kỳ dự kiến cũng sẽ có các phiên thảo luận riêng, chuyên sâu về những nội dung hợp tác cùng quan tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác và an ninh biển, ứng phó và phục hồi sau đại dịch, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng, khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững…
Sau 45 năm thiết lập quan hệ, lòng tin được nâng cao, thương mại - đầu tư ASEAN – Hoa Kỳ được tăng cường, giao lưu nhân dân được đẩy mạnh với nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, 2 bên thường xuyên có những trao đổi ở các cấp thông qua nhiều cơ chế khác nhau, trong đó có Cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ thường niên, Diễn đàn Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).
Mỹ là bạn hàng, đối tác lớn của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại ước tính đạt 362 tỷ USD năm 2021, tăng gần gấp đôi so với năm 2009. Hoa Kỳ cũng là nhà cung cấp FDI lớn nhất tại Đông Nam Á trong nhiều năm.
Theo Chính phủ, nhằm phát huy tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đoàn Việt Nam sẽ tham dự đầy đủ, phù hợp tại các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt lần này, đóng góp vào các nội dung thảo luận, trao đổi trên tinh thần chân thành, tin cậy và hợp tác, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ phát triển lên tầm cao mới vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng bền vững trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, đây cũng là dịp để Thủ tướng Việt Nam gặp gỡ trực tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN thúc đẩy các nội dung hợp tác song phương.
“Thực sự cất cánh”
Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ được tổ chức tại Washington DC. là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lớn trong bối cảnh hiện nay.
Cụ thể, theo vị chuyên gia, đây là Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ hai kể từ lần tổ chức thứ nhất vào năm 2016 và là cuộc gặp gỡ trực tiếp tiếp theo của lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ sau 5 năm, kể từ năm 2017. Hội nghị lần này cũng là cột mốc đánh dấu 45 năm phát triển của quan hệ ASEAN-Mỹ. Thứ hai, PGS.TS Vũ Minh Khương lưu ý, Hội nghị sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, trắc trở trong nỗ lực thoát ra khỏi khủng hoảng do đại dịch COVID-19 và những biến động bất ổn gây ra bởi cuộc chiến tranh Nga-Ukraina.
“Hội nghị chú trọng vạch ra các hướng đi chiến lược để đưa quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ tiếp tục phát triển vì lợi ích của người dân, hòa bình, và thịnh vượng”, PGS.TS Vũ Minh Khương nhận xét.
Theo đó, các nội dung được dự kiến bàn đến có liên quan đến phục hồi từ đại dịch COVID-19 và sức khỏe người dân toàn cầu, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng rộng khắp, an ninh hàng hải, phát triển nguồn lực con người, tăng cường hợp tác nhân dân; chia sẻ quan điểm và tầm nhìn về các vấn đề khu vực và quốc tế mà các bên đều quan tâm.
Giảng viên Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, Hội nghị cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Mỹ trong việc tăng cường nền tảng chiến lược với ASEAN và lãnh đạo các nước ASEAN cũng có bước tiến mới trong nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt để nâng tầm quan hệ với Hoa Kỳ.
“Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ được kỳ vọng là không chỉ đưa ra nhiều sáng kiến mới mà còn tạo ra bước tiến có tính nền tảng trong quan hệ có tính chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ”, PGS.TS Vũ Minh Khương nói.
Chuyên gia cũng đánh giá quan hệ ASEAN – Mỹ đang thực sự cất cánh (từ sau thập kỷ 1990 và nhất là khoảng 10 năm trở lại đây), khi Mỹ là quốc gia ngoài khối ASEAN đầu tiên lập phái đoàn đại diện thường trực ở Jakarta, Indonesia.
PGS.TS Vũ Minh Khương dẫn chứng, về kinh tế, kể từ năm 2010, quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ tiến nhanh hơn so với mức quan hệ của khối với thế giới nói chung. Cụ thể là, quan hệ thương mại (tổng xuất nhập khẩu) của ASEAN với Hoa kỳ tăng 70% trong giai đoạn 2010-2020, trong khi mức tăng này chỉ là 33% cho quan hệ ASEAN-thế giới.
Cũng trong thời gian này, đầu tư FDI của Mỹ vào ASEAN tăng 2,27 lần, trong khi đầu tư của thể giới vào khối chỉ tăng 1,27 lần. Hoa Kỳ hiện là đối tác lớn nhất của ASEAN về cả FDI (chiếm 25%) và thương mại (12%) theo số liệu thống kê năm 2020.
Bên cạnh đó, sáng kiến kết nối US-ASEAN Connect, với chú trọng vào 4 trụ cột là: Doanh nghiệp, Năng lượng, Sáng tạo và Chính sách, cũng đã đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ.
PGS.TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh, ASEAN là một khối gắn kết khá đặc biệt, không chỉ vì sự đa dạng về văn hóa, mức độ phát triển, thể chế chính trị, tôn giáo và quy mô dân số mà cả sự đồng thuận khá cao về khát vọng vươn tới phồn vinh và tôn trọng chủ quyền của nhau.
“Hoa Kỳ đã thể hiện sự ủng hộ đặc biệt trong nỗ lực giúp ASEAN trở thành một cộng đồng thịnh vượng, hòa bình và gắn kết cao”, nhà nghiên cứu Việt Nam nêu quan điểm.
Việt Nam là minh chứng thuyết phục
PGS.TS Vũ Minh Khương đánh giá, Việt Nam đã và đang nhanh chóng trở thành “một động lực quan trọng” trong thúc đẩy quan hệ chiến lược Mỹ - ASEAN.
Giảng viên của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Đại học Quốc gia Singapore phân tích, về kinh tế, Việt Nam có mức gia tăng thương mại với Hoa Kỳ đặc biệt nhanh chóng. Với tổng giá trị thương mại với Hoa Kỳ đạt hơn 90 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam chiếm gần 1/3 tổng giá trị thương mại của toàn khối với nền kinh tế này.
Trong khi đó, về tham gia giải quyết các vấn đề hệ trọng của thế giới, Việt Nam ngày càng có đồng góp đặc sắc.
“Phải kể đến việc tổ chức cuộc họp Thượng đỉnh Hoa Kỳ-CHDCND Triều Tiên (Mỹ - Triều, nơi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gặp cựu Tổng thống Donald Trump – PV) tại Hà Nội vào năm 2019 và việc Việt Nam cử nhiều quân nhân ưu tú tham gia Lực lượng giữ gìn hòa bình quốc tế của Liên Hợp Quốc”, ông Khương chỉ rõ.
PGS.TS Vũ Minh Khương nêu bật quan điểm rằng, Việt Nam đang có vai trò ngày càng quan trọng trong thúc đẩy quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ phát triển sâu rộng và chiến lược. Trong nỗ lực này, theo ông Khương, Việt Nam có thế mạnh đặc biệt cả về tiềm năng và động năng.
Đối với “tiềm năng”, giảng viên của ĐH Quốc gia Singapore lưu ý, Việt Nam là một quốc gia gần 100 triệu dân, nằm ở vị thế có tác động bổ trợ tương tác rất lớn để đóng vai trò trụ cột, tạo nên sự lớn mạnh của ASEAN. Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia thứ 2 sau Nhật Bản đã tạo được bước biến chuyển kỳ diệu trong quan hệ với Hoa Kỳ, từ hận thù thành đối tác tin cậy.
“Việt Nam là một minh chứng thuyết phục để thế giới thấy quan hệ của một quốc gia với Hoa Kỳ, nếu thực lòng và sâu sắc, thì dù có nhiều khác biệt vẫn có thể cùng nhau tạo nên những thành quả to lớn trong công cuộc phát triển và góp phần vào củng cố hòa bình thế giới”, TS Vũ Minh Khương nhất quán.
Bàn về động lực, chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã có những bước tiến dài trong cải cách kinh tế, hội nhập toàn cầu và phát triển quan hệ sâu rộng với Hoa Kỳ.
“Đại dịch COVID-19 càng cho thấy khả năng tiềm tàng của Việt Nam trong đối phó với khủng hoảng và sức bật vươn lên sau đại dịch”, ông Khương nhắc lại.
Việt Nam cũng đang có những bước tiến quan trọng mới trong nắm bắt xu thế thời đại, thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và hiện đại hóa hệ thống quản trị.
“Từ cảm nhận của tôi, Việt Nam và Hoa Kỳ, với niềm tin ngày càng sâu sắc và được củng cố đặc biệt qua việc hỗ trợ nhau trong đại dịch COVID-19, chắc chắn sẽ cùng nhau tạo nên những bước tiến vượt bậc trong quan hệ giữa hai nước”, chuyên gia bày tỏ.
PGS.TS Vũ Minh Khương khẳng định, chuyến thăm và làm việc tại Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân dịp Hội Nghị cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ và quyết tâm của Việt Nam đạt mức phát thải trung hòa vào năm 2050 sẽ tạo những xung lực lớn trong thúc đẩy quan hệ tốt đẹp hơn giữa Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian tới.