PVN, BSR vẫn ưu tiên Gazprom Neft của Nga nhưng sẽ mua dầu thô của Mỹ?

Dầu khí Việt Nam trong biến động thế giới: Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraina, cũng như việc đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc đã tác động mạnh đến thị trường dầu thô toàn cầu, đẩy giá dầu thô lên mức cao kỷ lục.
Sputnik
Trong bối cảnh đó, ngành dầu khí Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro liên quan có thể xảy ra, bao gồm nguồn cung thiếu hụt, sự kém đa dạng về thị trường cung cấp, cũng như phụ phí cho mỗi lô dầu luôn ở mức cao.
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam/PVN) và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa tiến hành làm việc với các nhà cung ứng dầu thô Mỹ như Shell Houston, Vitol, Tranfigura để nhập dầu thô cho nhà máy Lọc dầu Dung Quất của Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn ưu tiên Nga trong hợp tác năng lượng, cung ứng, chào bán nhập khẩu dầu thô, khí đốt. Theo BSR, hồ sơ mời chào bán dầu thô nhập khẩu của Lọc dầu Bình Sơn vẫn được gửi đến Gazprom Neft của Nga.

PVN và BSR làm việc với các nhà cung ứng dầu thô Mỹ

Theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, ngày 9/5/2022, trong chuyến công tác tại Mỹ, đại diện Petrovietnam và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã làm việc với các đối tác và nhà cung ứng dầu thô tại Houston (Mỹ).
Đoàn công tác Petrovietnam do Phó Tổng giám đốc Lê Ngọc Sơn dẫn đầu. Cùng đi còn có Trưởng ban Công nghiệp khí và Lọc hóa dầu Petrovietnam Phạm Văn Chất và Phó Trưởng ban Tìm kiếm thăm dò dầu khí Petrovietnam Phạm Gia Minh.
Về phía BSR có sự tham gia của Tổng Giám đốc Bùi Ngọc Dương, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Thắng cùng với các Trưởng/phó ban các ban chức năng BSR.
Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Cổ phần Lọc và Hóa dầu Binchon (BSR) tại buổi làm việc với các đối tác/nhà cung cấp dầu thô tại Houston, Hoa Kỳ
Theo Petrovietnam, lãnh đạo PVN, BSR đã trao đổi, thảo luận với các đối tác Vitol và Tranfigura về hoạt động, cơ hội cung cấp dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đồng thời trao đổi với Shell Houston về việc cung cấp dầu thô cho nhà máy lọc dầu tại Việt Nam.
Qua các phiên làm việc, các bên đều cho rằng thị trường dầu thô thế giới đang đối mặt với thách thức ngắn hạn từ xung đột Nga - Ukraina khiến nguồn cung dầu thô từ Nga bị gián đoạn.
Các loại dầu thô từ khu vực khác chịu sự cạnh tranh khốc liệt do thiếu nguồn cung, giá dầu thô ở mức cao với biên độ giao động giá lớn.
Các thách thức này có thể kéo dài khiến cả những hãng cung ứng dầu thô giàu kinh nghiệm như Vitol hay Shell cũng gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn dầu thô để bán cho khách hàng.
BSR là doanh nghiệp quản lý, vận hành nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Trong năm 2021, BSR nhập khẩu 9 loại dầu thô phục vụ sản xuất của Nhà máy, bao gồm: WTI, Azeri, Cabinda, Qua Iboe, Sumatra Light (Minas), Bu Attifel, Forcados, Rabi Blend, Sokol.
Trong số đó, nhiều nhất là dầu WTI của Mỹ và Azeri của Azerbaijan. Tổng khối lượng dầu thô nhập khẩu năm 2021 là 1,49 triệu tấn (chiếm 21,4% trong 7,08 triệu tấn dầu thô do NMLD Dung Quất sản xuất).
Năm 2022, BSR dự kiến tỷ lệ sử dụng dầu nhập khẩu ước khoảng 18-25% (1,3 - 1,6 triệu tấn) và dầu Việt Nam là 75-82%.
Sắp tới, BSR sẽ tiếp tục đánh giá, mở rộng rổ dầu và danh sách nhà cung cấp.

“Chuyến công tác tại Mỹ lần này sẽ tạo điều kiện cho BSR thông qua các nhà cung ứng dầu thô lớn trên thế giới, qua đó tăng sản lượng mua các loại dầu thô hiện hữu và mở rộng rổ dầu, cung ứng ổn định dầu thô cho nhà máy Lọc dầu Dung Quất”, - thông báo nêu.

Petrovietnam lo ngại trước căng thẳng Nga - Ukraina

Thị trường dầu thô bị tác động mạnh

Sau hơn 1 năm quay về ổn định sau khi dịch Covid -19 được kiểm soát, thị trường dầu và các dịch vụ liên quan tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề từ xung đột Nga – Ukraina
Trên thực tế, Nga là nước có quy mô sản xuất dầu lớn thứ 2 thế giới với 10,9 triệu thùng dầu thô/ngày, trong đó lượng xuất khẩu là 4,9 triệu thùng/ngày. Khoảng 60% nhập khẩu dầu diesel của châu Âu đến từ Nga. Với khu vực Tây Bắc Âu, tỷ lệ phụ thuộc tăng lên 70%. Đối với Địa Trung Hải, có khoảng 25% diesel nhập khẩu là từ Nga.
Cuộc xung đột hiện tại đã tác động mạnh đến nguồn cung dầu thô, khiến giá dầu thô Brent tăng cao. Giá dầu Brent tăng liên tục từ khi căng thẳng bùng lên, đạt mức trên 100 USD/thùng trong thời gian ngắn sau đó, có thời điểm vượt 130 USD/thùng.
Trong bối cảnh đó, các tập đoàn dầu khí lớn như Exxon Mobil, BP, Shell đã công bố kế hoạch rút khỏi các hoạt động khai thác dầu và liên doanh tại Nga. Nhiều nhà máy lọc dầu ở châu Âu loại khỏi danh sách chế biến dầu thô Urals và VGO.
Trong khi đó, các nhà nhập khẩu dầu ESPO, Sokol từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã chuẩn bị kịch bản khi không thể tiếp tục mua dầu nếu Mỹ áp lệnh cấm vận lên năng lượng của Nga. Các nhà máy lọc dầu của Hàn Quốc và Indonesia thì đưa ra tuyên bố tạm ngừng chế biến dầu Nga.
Thực trạng hiện tại đã khiến các nước châu Âu lo ngại về việc đứt gãy nguồn cung năng lượng (dầu thô, khí đốt), cũng như những nguyên liệu công nghiệp thô khác từ Nga, vốn có tỷ trọng khá cao trong thương mại quốc tế.
Giá dầu liên tục duy trì ở mức cao và dao động với biên độ lớn khiến ngành công nghiệp lọc hóa dầu gặp rủi ro cả trong ngắn và trung hạn.
Trong tháng 4/2022, giá dầu thế giới tiếp tục biến động khó lường do đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu tiêu thụ 1,2 - 1,3 triệu thùng/ngày. Những nguyên nhân khách quan này đã khiến các tổ chức như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), OPEC điều chỉnh tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu thô thế giới theo hướng giảm trong báo cáo mới nhất.
Dù nhiều quốc gia đã đưa ra các biện pháp hạn chế sự tác động trong ngắn hạn, giới chuyên gia cho rằng, giá dầu Brent nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì ở mức cao, dao động trong biên độ 100 - 115 USD/thùng.
PVN làm việc với Zarubezhneft, Việt Nam và Nga tăng hợp tác khai thác dầu khí

Cạnh tranh khốc liệt mua dầu từ châu Phi và Trung Đông

Như vậy, tăng trưởng kinh tế, thị trường hàng hóa toàn cầu, đặc biệt thị trường dầu sẽ còn đối mặt với rất nhiều rủi ro khi xung đột Nga - Ukraina còn tiếp diễn.
BSR cho rằng, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung dầu trên thị trường. Nhiều quốc gia phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ có thể sẽ thay đổi chiến lược xuất khẩu dầu bằng cách giảm dần lượng dầu nhập khẩu từ Nga.
Đối với dầu thô BSR mua từ Mỹ (chủ yếu là WTI Midland), nguồn cung đã ít hơn so với trước khi Mỹ áp đặt lệnh cấm vận lên năng lượng của Nga.
Washington cũng hạn chế xuất khẩu dầu WTI Midland để phục vụ nhu cầu nội địa. Như vậy, khi nguồn cung dầu thô thiếu hụt và giá nhiên liệu tàu biển tăng cao, khả năng mua được dầu thô WTI Midland là rất thấp trong khi mức giá thì không hề hấp dẫn.
Cùng với đó, việc tiếp cận các nguồn cung dầu thô nhập khẩu khác cũng gặp khó khăn nhất định. Hiện phụ phí dầu thô đang ở mức khá cao so với thời điểm cuối năm 2021. Danh sách các loại dầu thô nhập khẩu đã được phê duyệt hiện nay của BSR đến từ châu Phi, châu Úc, Nga, Azerbaijan và khu vực Đông Nam Á.
Với nguồn dầu thô từ châu Phi, kể từ năm 2018, BSR đã tích cực tìm kiếm và bổ sung nhiều loại dầu thô nhập khẩu phù hợp với nhà máy Dung Quất vào danh sách phê duyệt.
Bảng tin RIM cho biết, các giao dịch dầu thô từ châu Phi tại thị trường châu Á thời gian qua diễn ra đều đặn với số lượng lớn, chỉ đứng sau dầu thô từ khu vực Trung Đông và châu Á.
Các loại dầu thô từ châu Phi (Nigeria, Gabon, Lybia…) thường xuyên được chào bán trong các đợt BSR tổ chức mua và các lô dầu từ khu vực này đã được lựa chọn trong các đợt chào mua dầu thô nhập khẩu rải rác trong 5 tháng đầu năm 2022.
Dù dầu thô từ châu Phi có một số rủi ro nhất định về địa chính trị như đình công và nội chiến, nhưng số lượng đa dạng các loại dầu thô được đánh giá phù hợp để chế biến tại Lọc dầu Dung Quất (Bonny Light, Forcados, Okwuibome, Escravos, Bu Attifel, Rabi Light, Rabi Blend, Qua Iboe…) với sản lượng dồi dào và mức giá chào cạnh tranh so với các loại dầu thô khác.
Do đó, việc mua dầu thô từ châu Phi vẫn được đánh giá khả quan và có thể tiếp tục chiếm ưu thế trong rổ dầu của BSR thời gian tới.

“Tuy nhiên, BSR sẽ phải cạnh tranh khốc liệt khi thị trường châu Âu đang chú ý hơn đến nguồn dầu thô từ châu Phi và Trung Đông, trong bối cảnh nguồn cung từ Nga, Mỹ bị hạn chế”, - doanh nghiệp nhận định.

Tại Đông Nam Á, dầu thô từ Indonesia, Malaysia, Brunei cũng đang được BSR xem xét. Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng các lô dầu tại đây được chào bán không nhiều và mức giá cũng không hấp dẫn.
Các lô dầu Azeri (Azerbaijan) được nhận định là loại dầu cung cấp ra thị trường ổn định khi BSR luôn tiếp cận nhiều hơn 1 lô dầu Azeri trong các đợt chào mua. Với sản lượng hơn 700.000 thùng/ngày, cũng như thời gian di chuyển về châu Á ngắn trong hải trình từ 25 - 30 ngày từ cảng Ceyhan, Thổ Nhĩ Kỳ (khu vực Địa Trung Hải), dầu thô Azeri vẫn có mức giá cạnh tranh để BSR cân nhắc mua trong tương lai.
Như vậy, trong bối cảnh hiện tại, việc tiếp cận các nguồn dầu thô nhập khẩu sẽ khó khăn hơn, thiếu sự đa dạng, cũng như phụ phí cho mỗi lô dầu luôn ở mức cao.
Ngoài những rủi ro, thách thức, BSR cũng nhận thấy nhiều cơ hội có thể tận dụng, có thể kể đến như:
Những nỗ lực áp đặt cấm vận lên dầu khí của Nga có thể sẽ định hình lại thị trường và định hướng lại các dòng chảy năng lượng. Thị trường sẽ nhận được lượng dầu lớn hơn từ Mỹ, KSA. Trong khi đó, nguồn cung dầu Nga sẽ được chào bán nhiều hơn tại châu Á.
Trước đây, 50% sản lượng dầu Nga được bán sang các nước châu Âu. Hiện lượng hàng này có thể chuyển hướng sang các nước châu Á với mức giá rất cạnh tranh.
Trên thực tế, lợi nhuận lọc dầu khu vực châu Á hiện có mức khá cao so với các năm trước đây, một phần nhờ vào dầu thô giá rẻ (phụ phí thấp) đến từ Nga.
PVN nói chuỗi dự án Khí – Điện Lô B, Cá Voi Xanh chậm tiến độ nghiêm trọng

Việt Nam vẫn ưu tiên Nga

Hiện dầu thô Nga vẫn được chào bán trên thị trường và hồ sơ mời chào bán dầu thô nhập khẩu của BSR vẫn được gửi đến Gazprom Neft của Nga. Danh sách rổ dầu thô nhập khẩu giao tháng 5 và tháng 6/2022 của BSR bao gồm 2 loại dầu thô Nga là Sokol và ESPO.
Trong tình hình hiện nay, nguồn cung dầu nội địa cũng là một lợi thế và là cơ hội đối với BSR. Việc tối ưu chế biến dầu trong nước sẽ hạn chế rủi ro do bất ổn địa chính trị, giúp tận dụng lợi thế nội địa về chi phí vận chuyển và giảm rủi ro do vận chuyển đường dài.
Bên cạnh đó, BSR còn có thể chủ động nguồn cung dầu cho nhà máy, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay.
Đối với vấn đề tiêu thụ sản phẩm, hầu hết các sản phẩm của BSR đều được tiêu thụ trong nước như xăng dầu, LPG, PP. Riêng sản phẩm FO được xuất khẩu sang các nước Singapore, Malaysia và một phần sản phẩm PP được khách hàng của BSR xuất khẩu phần lớn ngay trong khu vực. Như vậy, việc tiêu thụ sản phẩm của NMLD Dung Quất không bị ảnh hưởng từ các lệnh cấm vận mà các nước áp đặt lên Nga.
Trong thời gian tới, BSR sẽ tiếp tục chủ động theo dõi thị trường, đề ra các giải pháp ứng phó, tận dụng cơ hội để gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, nỗ lực hoàn thành và vượt chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2022.
Yếu tố không ngờ từ Trung Quốc ảnh hưởng đến Việt Nam lớn hơn cả xung đột Nga-Ukraina
Thảo luận