Biển Đông

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giữa độc lập và phụ thuộc, Việt Nam chọn độc lập

HÀ NỘI (Sputnik) - Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay đã có bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam.
Sputnik
Phát biểu hôm nay tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, một trong những cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Mỹ về chiến lược, chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại bản Tuyên ngôn Độc lập cách đây 77 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Đây cũng là tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ và thể hiện sự chia sẻ giá trị chung, mang tính phổ quát, không chỉ của hai quốc gia mà còn của toàn nhân loại.
Lịch trình của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Washington
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển vượt bậc sau gần ba thập niên bình thường hóa quan hệ.
"Mối quan hệ đó đã đơm hoa kết trái với nỗ lực của hai bên bằng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, bằng sự cảm thông, chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau để đạt được mục tiêu hai quốc gia, hai dân tộc và nhân dân hai nước mong muốn và hướng tới", ông nói.
Với mong muốn nhấn mạnh về sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã chia sẻ 3 vấn đề chính về: Cách nhìn của Việt Nam về thế giới hiện nay; Vai trò của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong thế giới nhiều biến động hiện nay; Chúng ta cần phải làm gì để thể hiện sự chân thành, tăng cường lòng tin và trách nhiệm đó.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng cũng thể hiện rõ cách nhìn của Việt Nam về thế giới hiện nay:
Một là, hoà bình, an ninh và phát triển có mối quan hệ gắn bó hữu cơ. Hoà bình, an ninh và phát triển của một nước có tác động đến các nước láng giềng, khu vực và thế giới.
Hai là, lợi ích của mỗi quốc gia dân tộc cần hài hoà và tôn trọng lợi ích quốc gia dân tộc chính đáng, hợp pháp của các quốc gia khác trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Ba là, hợp tác quốc tế là xu hướng tất yếu để cùng nhau gìn giữ hoà bình, thúc đẩy phát triển và tình hữu nghị giữa các quốc gia; không một quốc gia đơn lẻ nào, dù lớn và giàu mạnh đến đâu, có thể giải quyết được mọi vấn đề, nhất là các vấn đề toàn cầu, mà cần có sự hợp tác của các nước khác, cộng đồng quốc tế và người dân. Việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu phải có cách tiếp cận toàn cầu, đoàn kết và hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương.
Bốn là, tất cả các quốc gia, dân tộc đều mong một thế giới tốt đẹp hơn, vì cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của người dân. Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, đồng thời là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển của mọi quan hệ hợp tác, đối tác trong hội nhập quốc tế. Giải quyết các vấn đề có tính toàn dân phải có cách tiếp cận toàn dân; mọi chính sách phải hướng đến người dân; khuyến khích sự sáng tạo và kêu gọi sự hợp tác của mọi người dân.
Năm là, hội nhập quốc tế là xu thế khách quan. Nhưng trong hội nhập, mỗi quốc gia phải lấy nội lực là cơ bản, là chiến lược lâu dài, là nhân tố quyết định, gắn với tranh thủ ngoại lực - nhân tố quan trọng, cần thiết, thường xuyên, đột phá. Hay nói cách khác, phải biết huy động sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại một cách phù hợp, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm, làm việc tại Hoa Kỳ
Thủ tướng khẳng định, sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm có vai trò đặc biệt quan trọng để giải quyết những vấn đề đặt ra đối với thế giới hiện nay, và lấy ASEAN như ví dụ minh chứng cho giá trị này.
Nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, ASEAN đã và đang nỗ lực khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình và cùng chung tay xây dựng Cộng đồng ASEAN theo Tầm nhìn đến 2025 trên nền tảng chung của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào đối thoại và hợp tác, sẵn sàng đóng góp vai trò chủ động, tích cực, phù hợp với tiềm lực và vị thế của mình trong vai trò là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN và cộng đồng quốc tế .

"Từ một quốc gia bị chia cắt bởi cuộc chiến tranh phi lý, Việt Nam đã anh dũng đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và đang thực hiện mục tiêu phát triển đầy khát vọng", Thủ tướng phát biểu.

Về vấn đề độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, Thủ tướng khẳng định Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn thể hiện sự chân thành, nhất quán, minh bạch trong xây dựng, triển khai đường lối đó.
Thủ tướng Việt Nam thăm Mỹ 7 ngày, dự kiến không gặp song phương với Joe Biden

"Giữa độc lập và phụ thuộc, chúng tôi luôn chọn độc lập với tinh thần 'không có gì quý hơn độc lập tự do' của Chủ tịch Hồ Chí Minh; giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại; giữa hòa bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hòa bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, chúng tôi chọn hợp tác, còn cạnh tranh phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau", ông nói.

Thủ tướng cho biết Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng.

Thủ tướng Việt Nam phát biểu về tình hình Biển Đông

Trong giải quyết các tranh chấp, xung đột ở khu vực và trên thế giới, trong đó có Biển Đông, Việt Nam luôn chủ trương duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Việt Nam cũng thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Thảo luận