Hòa Phát của tỷ phú thép Việt Trần Đình Long vào top 2000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới

Tập đoàn thép hàng đầu Việt Nam của “vua thép” Trần Đình Long là đại diện sản xuất duy nhất của Việt nam vào top 2000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Forbes.
Sputnik
Ngoài Hòa Phát, 4 đại diện khác của Việt Nam (tất cả đều là các nhà băng hàng đầu đất nước) góp mặt trong top 2000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới theo Forbes là Vietcombank, VietinBank, BIDV và Techcombank.

Hòa Phát vào top 2000 của Forbes

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách Global 2000 năm 2022 bao gồm 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.
Theo Forbes, trong số các doanh nghiệp đến từ 58 quốc gia, Mỹ đóng góp nhiều nhất với 590 công ty, sau đó là Trung Quốc và Hong Kong với 351, Nhật Bản có 196 doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp trong danh sách Global 2000 năm nay có tổng doanh thu khoảng 47.600 tỷ USD, tổng lợi nhuận 5.000 tỷ USD, tổng tài sản 233.700 tỷ USD và tổng vốn hóa 76.500 tỷ USD.
Forbes tiết lộ thu nhập của các tỷ phú trẻ nhất
Đáng chú ý, trong danh sách mới công bố của Forbes, có 5 đại diện của Việt Nam ở Global 2000.
Trong đó, Tập đoàn Hòa Phát có doanh thu và lợi nhuận lớn nhất và là doanh nghiệp sản xuất duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách này.
Được biết, để công bố danh sách Global 2000 này, Forbes đã thu thập số liệu tài chính mới nhất tính đến ngày 22/4/2022 để xếp hạng các doanh nghiệp trên toàn cầu theo 4 tiêu chí là doanh thu, lợi nhuận thuần, tổng tài sản và giá trị thị trường.

Hòa Phát đang làm ăn ra sao?

Năm 2021 được đánh giá rất thành công đối với doanh nghiệp của tỷ phú thép Trần Đình Long.
Hòa Phát ghi nhận 150.800 tỷ đồng doanh thu và lần đầu cán mốc lợi nhuận ròng 34.520 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 65% và 156% so với năm 2020.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần năm 2021 đạt 23%. Tổng nộp ngân sách Nhà nước trong năm là 12.500 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, tổng tài sản của tập đoàn Hòa Phát tăng mạnh trong năm 2021, tăng gần 36% so với 2020, đạt 178.236 tỷ đồng.
Trong đó, tài sản dài hạn vẫn chiếm phần lớn khi tăng thêm 9.318 tỷ đồng, đạt mức 84.082 tỷ đồng.
Trị giá 2.4000 nghìn tỷ đồng: Nhà máy sản xuất container Hòa Phát bao giờ hoạt động?
Quy mô tổng tài sản tăng gấp ba chỉ sau 4 năm, tính từ khi bắt đầu đầu tư xây dựng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất năm 2017.
Báo cáo doanh thu quý I/2022 cho thấy, tập đoàn Hòa Phát đạt 44.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 17% so với quý I/2021. Tổng tài sản tại cuối tháng 3/2022 là 185.847 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nào của Việt Nam lọt top 2000 của Forbes?

Căn cứ vào danh sách Global 2000 của Forbes, có tất cả 5 đại diện doanh nghiệp của Việt Nam trong top 2000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.
Cụ thể, có Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) hạng 950, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - CTG) hạng 1560, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) hạng 1564, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) hạng 1605, và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) hạng 1874.
5 doanh nghiệp Việt Nam lọt top Global 2000 của Forbes
Ngân hàng BIDV có tổng tài sản hơn 1,76 triệu tỷ đồng (tương đương 77 tỷ USD), cao nhất toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. Vietcombank đứng đầu vốn hóa với giá trị thị trường gần 17 tỷ USD.
Năm ngoái, Hòa Phát ghi nhận lãi sau thuế 34.521 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD, mức cao nhất trong số 5 công ty Việt trong danh sách Global 2000 và đứng thứ 2 toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đáng chú ý, công ty cổ phần Vinhomes (Mã: VHM), thành viên Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng xếp trên Hòa Phát với lãi sau thuế 38.948 tỷ đồng trong năm 2021 nhưng không có tên trong danh sách của Forbes.
Nguyên nhân được cho là vì lợi nhuận không phải tiêu chí duy nhất của Forbes khi xếp hạng. Về doanh thu thuần, Vinhomes kém Hòa Phát 43%.
Tập đoàn Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại thế giới – tỷ phú Warren Buffett lần đầu tiên chiếm ngôi vị số 1 kể từ khi Forbes bắt đầu công bố danh sách Global 2000 hồi năm 2003, vượt qua Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), đơn vị đã tụt xuống vị trí thứ 2 sau 9 năm liên tiếp đứng đầu danh sách quyền lực này.
Từ bài học Evergrande Trung Quốc đến Tân Hoàng Minh của Việt Nam
Ngoài ra, nhóm các đại gia dầu mỏ khí đốt lớn phục hồi nhanh chóng từ thứ hạng thấp của năm ngoái nhờ giá dầu tăng phi mã thời gian qua.
Trong đó, ExxonMobil đứng ở vị trí thứ 15 trong năm nay, tăng từ vị trí 317 vào năm 2021 và Shell hiện nắm giữ vị trí thứ 16, tăng từ vị trí 324 cùng kỳ năm trước. Cả hai công ty này đều cho thấy lợi nhuận tăng trưởng dương sau khoản lỗ hồi năm ngoái.
Forbes đánh giá, bất chấp những thách thức do đại dịch, xung đột địa chính trị đang diễn ra và yếu tố bất định khó lường của thị trường, các công ty đại chúng lớn nhất thế giới đều nỗ lực cố gắng thúc đẩy doanh số và lợi nhuận trong năm vừa qua.
Thảo luận