Trong khi đó, Viettel sử dụng giải pháp của Qualcomm kết hợp với nền tảng hiện có để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống trạm thu phát sóng 5G.
Đại diện Tập đoàn Qualcomm cho rằng Việt Nam muốn đi trước công nghệ 6G là “ý tưởng tuyệt vời”. Qualcomm hiện đang có hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam như Viettel, VNPT, Mobifone, BKAV hay VinFast.
Việt Nam đẩy mạnh hợp tác Qualcomm để phát triển 5G, 6G
Ngày 12/5 (theo giờ Washington), nhân chuyến tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có cuộc gặp trực tiếp với ông Alex Rogers, Chủ tịch về công nghệ và phát triển toàn cầu của Tập đoàn Qualcomm.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi làm việc với Chủ tịch về công nghệ và phát triển toàn cầu của Tập đoàn Qualcomm Alex Rogers.
Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn Qualcomm đã ưu tiên và có hợp tác bước đầu rất hiệu quả với các công ty công nghệ của Việt Nam.
“Các công ty viễn thông, công nghệ số của Việt Nam có niềm tin vào Qualcomm rất nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hợp tác giữa Qualcomm với các công ty công nghệ Việt Nam cần được thúc đẩy ở mức cao hơn.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn chứng như Qualcomm và Viettel vừa ký thỏa thuận về công nghệ phát triển các sản phẩm 5G.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, đây là bước tiến rất tốt. Ngoài ra, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng có một số hợp tác bước đầu “rất tốt” với Qualcomm.
Lý do Việt Nam triển khai 5G diện rộng “hơi chậm”
Tại buổi gặp với Chủ tịch về công nghệ và phát triển toàn cầu của Tập đoàn Qualcomm tại Washington D.C, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu lý do Việt Nam chưa thể phủ sóng diện rộng nhanh chóng 5G.
“Việt Nam triển khai 5G diện rộng hơi chậm, một trong những lý do là vì Việt Nam muốn phát triển 5G dựa trên thiết bị 4G”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin với ông Rogers.
Cũng tại buổi làm việc, bày tỏ cảm ơn Qualcomm đã tham gia với vai trò là tổ tư vấn Ban chỉ đạo phát triển 6G của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn hợp tác giữa Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, các công ty công nghệ số ở Việt Nam với Qualcomm phát triển “lên tầm cao mới”.
“Chúng tôi đang thành lập các phòng lab để kiểm tra các thiết bị 5G của cả Việt Nam và nước khác sản xuất. Vì vậy, tôi mong Qualcomm hỗ trợ Bộ Thông tin và Truyền thông trong xây dựng các tiêu chuẩn, các bài test này, không chỉ 5G mà cả 6G”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho hay, hiện nay, một số trường Đại học Việt Nam đào tạo những khóa kỹ sư về viễn thông với đầu ra thiết kế các thiết bị viễn thông.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng Qualcomm có thể hỗ trợ các trường Đại học của Việt Nam mở các khóa đào tạo kỹ sư thiết kế thiết bị viễn thông.
“Ý tưởng tuyệt vời”
Về phần mình, Chủ tịch về công nghệ và phát triển toàn cầu của Tập đoàn Qualcomm Alex Rogers bày tỏ, cá nhân ông rất vui về những hợp tác giữa Qualcomm với Việt Nam cũng như góp phần hỗ trợ cho ngành viễn thông với đất nước phát triển.
Thời gian qua, Qualcomm đã bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ viễn thông, nhà sản xuất xe điện hàng đầu đất nước như Viettel, VNPT, Mobifone, BKAV, VinFast trong đa dạng các lĩnh vực.
Trong đó, từ hợp tác thiết kế, phát triển và sản xuất thiết bị hạ tầng mạng lưới 5G, hỗ trợ thử nghiệm công nghệ 5G, hỗ trợ thiết kế sản xuất các thiết bị camera thông minh (AI camera), hợp tác về các giải pháp kết nối cho xe điện và các hệ thống trạm sạc điện thông minh của VinFast.
Ngoài ra, Qualcomm hiện cũng đang hỗ trợ thiết kế sản xuất laptop giá rẻ cho các em học sinh trong khuôn khổ chương trình "Sóng và máy tính cho em", hỗ trợ các chương trình khởi nghiệp sáng tạo về công nghệ, hỗ trợ các dự án nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Việt Nam PTIT.
“Việt Nam đã đẩy nhanh tốc độ và có tầm nhìn trong việc phát triển công nghệ 6G”, ông Alex Rogers khen ngợi.
Đại diện Qualcomm cho rằng Việt Nam muốn đi trước công nghệ 6G là “ý tưởng tuyệt vời”, do vậy, ông Alex Rogers hứa sẽ chuyển lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đến trưởng bộ phận phát triển công nghệ của Qualcomm về việc này.
Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tái khẳng định, công nghệ 5G, sau này 6G sẽ trở thành nền tảng của nền kinh tế số.
Do đó, phần an ninh mạng, thiết bị 5G, 6G rất là quan trọng để đạt được niềm tin số trong bước đi này, không chỉ riêng đối với Việt Nam.
Tại buổi tiếp ngày 12/5, hai bên đã trao đổi về tình hình hợp tác cụ thể và các khả năng tăng cường hơn nữa các dự án hợp tác, nhằm phát huy các thế mạnh, tiềm lực công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ TT&TT của Việt Nam cùng với Qualcoom nhất trí cùng đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa sản phẩm thiết bị, nhất là thiết bị 5G, kịp thời đáp ứng nhu cầu của Việt Nam và cung cấp cho thị trường thế giới.
Viettel và Qualcomm hợp tác phát triển giải pháp hạ tầng 5G
Bên lề chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ, đại diện Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel của Việt Nam và Qualcomm Technologies, Inc. cũng đã tiếp xúc song phương.
Đặc biệt, hai bên vừa công bố hợp tác phát triển các giải pháp hạ tầng 5G sử dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.
Theo thoả thuận, Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (VHT), đơn vị thành viên của Tập đoàn Viettel sẽ sử dụng giải pháp của Qualcomm ® X100 và nền tảng Massive MIMO Qualcomm® QRU100 5G RAN.
Kết hợp với nền tảng phần cứng, phần mềm Viettel đang có, để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống trạm thu phát sóng 5G Massive MIMO tương thích chuẩn mở (Open RAN), giúp đơn giản hóa việc triển khai mạng lưới và giảm chi phí đầu tư hạ tầng.
Được biết, Viettel là một trong số 4 đối tác toàn cầu được Qualcomm lựa chọn tham gia vào quá trình phát triển và ứng dụng dòng chipset 5G mới.
Hai bên kỳ vọng, sự kết hợp giữa kinh nghiệm của Viettel trong lĩnh vực nghiên cứu thiết bị hạ tầng viễn thông với khả năng ưu việt của Qualcomm trong các bộ vi xử lý 5G chuyên dụng (5G ASIC) sẽ góp phần thúc đẩy hệ sinh thái di động phát triển thêm một bước và tạo ra một chu kỳ sáng tạo mới.
Ông Hoàng Đinh Hải Truyền - Đại diện Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel, và Durga Malladi, Phó Chủ tịch cấp cao và Tổng Giám đốc bộ phận 5G của Qualcomm Technologies, Inc.
© Ảnh : Viettel Group
Theo ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel, hiện nay Viettel đã làm chủ các phần tử quan trọng nhất trong cấu trúc mạng viễn thông điển hình từ lớp thiết bị đầu cuối, lớp truy cập, lớp tuyền tải, lớp lõi…
“Sự kết hợp giữa Viettel và Qualcomm trong dự án này sẽ là cột mốc quan trọng trong chiến lược về phát triển hạ tầng 5G Made in Vietnam”, ông Hà nhấn mạnh.
Ông Durga Malladi, Phó Chủ tịch cấp cao và Tổng Giám đốc bộ phận 5G của Qualcomm Technologies, Inc. bày tỏ, hợp tác với Viettelcho thấy hiệu suất cao, khả năng tiết kiệm năng lượng, tính linh hoạt, cũng như khả năng nhân rộng từ các giải pháp ORAN của Qualcomm.
Đồng thời, các giải pháp đó sẽ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao tốc độ dịch vụ, cũng như tạo ra những lớp ứng dụng 5G mới.
Tại Việt Nam, hiện nay, Viettel đã xây dựng một hạ tầng mạng viễn thông di động băng rộng 4G chất lượng phủ tới 97% dân số đất nước.
Hiện nay sóng 5G Viettel đã có mặt ở 18 tỉnh, thành phố trên cả nước với hơn 150 trạm phát.
Viettel cũng đồng thời là một trong những đơn vị tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ 5G sớm nhất, là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam song hành cùng các nước tiên tiến trên thế giới.