Trong diễn biến mới nhất liên quan đến nỗ lực làm sạch thị trường chứng khoán Việt, Bộ Tài chính cho biết, sẽ thanh tra các công ty chứng khoán và kiểm toán.
Đất Xanh: Tin đồn là “thất thiệt”
Ngày 16/5, Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) đã có thông báo khẳng định các tin đồn lan truyền nhắm đến các lãnh đạo cấp cao của Đất Xanh Services là thất thiệt.
Trong thông cáo báo chí phát đi, ông Bùi Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh cho biết, doanh nghiệp sẽ phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ các nguồn tin lan truyền cũng như người phát tán.
“Tập đoàn Đất Xanh luôn hướng đến tôn chỉ thượng tôn pháp luật, minh bạch trong các hoạt động kinh doanh và quyết liệt đấu tranh cho các thông tin gây thất thiệt”, ông Bùi Ngọc Đức nhấn mạnh.
Thông báo này của Đất Xanh diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu DXG giảm sàn ngay từ phiên sáng ngày 16/5 dù tính chung, VN-Index có lúc tăng hơn 30 điểm.
Đặc biệt, so với mức đỉnh 46.750 đồng vào cuối tháng 3, cổ phiếu DXG đã mất 46% giá trị cùng với đà giảm sâu của thị trường.
Do xuất hiện các tin đồn liên quan đến lãnh đạo Đất Xanh mà cổ phiếu DXG bị bán tháo và giảm kịch sàn 3 phiên gần đây. Ghi nhận diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt cho thấy, cổ phiếu DXG nói chung và cả DXS của Đất Xanh Serviecs chịu áp lực bán tháo rất lớn.
Đáng chú ý, DXG giảm thêm 7% về mức 25.000 đồng, đây là phiên giảm sàn phiên thứ 3 liên tiếp và đã mất 46% giá trị kể từ đầu tháng 4 đến nay. Ngoài ra, DXS bị bán sàn 3 phiên còn 19.850 đồng.
Cần lưu ý, DXG là một trong các mã được giao dịch nhiều nhất trong các phiên gần đây. Ngày 16/5, mã chứng khoán DXG khớp lệnh hơn 11 triệu cổ phiếu (nhiều thứ 8 trên sàn HoSE) và DXS khớp lệnh gần 300.000 cổ phiếu. Tổng khối lượng còn chất giá sàn hơn 3,5 triệu đơn vị (chưa tính lượng bán ATC).
Cần lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên Đất Xanh lên tiếng về những tin đồn bất lợi xuất hiện sau khi ông Lương Trí Thìn từ nhiệm vị trí Thành viên Hội đồng quản trị của Đất Xanh Services.
Tập đoàn này trước đó cũng từng nhấn mạnh rằng các thông tin không chính xác trên thị trường đã gây hiểu nhầm cho một số nhà đầu tư và cổ đông.
Theo Đất Xanh, đây đơn thuần là nội dung tập đoàn cơ cấu lại thành viên Hội đồng quản trị tại Dat Xanh Services trước thềm họp Đại hội đồng cổ đông.
Ngoài ra, tập đoàn này cũng muốn hướng đến thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp theo mô hình holdings, một nhân sự không kiêm nhiệm quá nhiều vị trí.
Cụ thể, việc Chủ tịch HĐQT Tập đoàn lại kiêm Thành viên HĐQT công ty thành viên gây bất cập trong công tác quản lý.
Đây là lý do ông Lương Trí Thìn và ông Hà Đức Hiếu không tiếp tục giữ vị trí thành viên Hội đồng quản trị Dat Xanh Services kể từ ngày 23/4, để tập trung công tác chiến lược phát triển tập đoàn.
Doanh nhân Lương Trí Thìn đã mua vào 5 triệu cổ phiếu DXG
Ông Lương Trí Thìn sinh năm 1976 tại Thanh Hóa, trình độ cử nhân kinh tế, là 1 doan nhân thành đạt.
Ông Lương Trí Thìn là người sáng lập kiêm Chủ tịch của Tập đoàn Đất Xanh từ năm 2003 và từng làm Chủ tịch Dat Xanh Services.
Trong đợt IPO trước khi đưa cổ phiếu DXS lên HoSE, ông Thìn đã bán toàn bộ 38,9 triệu cổ phiếu DXS (12%). Tập đoàn Đất Xanh là công ty mẹ sở hữu 56,28% cổ phần DXS.
Liên quan tới ban lãnh đạo, cuối tháng 4, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Đất Xanh từ nhiệm Thành viên HĐQT Công ty Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Dat Xanh Services, HoSE: DXS).
Lý do được ông Lương Trí Thìn đưa ra là Tập đoàn Đất Xanh đã thực hiện tái cơ cấu sang mô hình holdings. Trước đó, ông Thìn cũng từ nhiệm vị trí Chủ tịch Dat Xanh Services hồi tháng 10/2021.
Mới đây, một động thái được cho là để làm an lòng nhà đầu tư, ông Thìn đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu DXG để tăng sở hữu lên 18,04%, tương ứng gần 110 triệu cổ phiếu DXG. Thời gian dự kiến kết thúc giao dịch là 26/5.
Trong quý I, Đất Xanh đạt doanh thu 1.792 tỷ đồng, giảm 39% cùng kỳ do doanh thu bán căn hộ và đất nền giảm. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ giảm 49%, đạt 270 tỷ đồng.
Bộ Tài chính: Thanh tra các công ty chứng khoán và kiểm toán
Thông tin từ Bộ Tài chính ngày 16/5 cho biết, từ nay đến cuối năm, cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ thanh tra các tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán, tập trung vào các báo cáo tài chính, kiểm toán có nhiều sai sót.
Sơ lược về tình hình thị trường thời gian qua, theo thống kê từ cơ quan quản lý chứng khoán, kết thúc tháng 4 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận mức giảm ở hầu hết chỉ tiêu, từ điểm số thị trường, vốn hóa cho tới thanh khoản giao dịch.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết tính đến ngày 29/4, chỉ số VN-Index đạt 1.366,8 điểm, giảm 8,4% so với cuối tháng trước, tương đương mức giảm ròng hơn 125 điểm.
Nếu so với cuối năm 2021, mức giảm của chỉ số này cũng là 8,8%, tương đương gần 132 điểm.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đóng cửa tháng ở mức 365,83 điểm, giảm 18,6% so với cuối tháng trước và giảm 22,8% so với cuối năm 2021, tương đương lần lượt 84 điểm và 108 điểm.
Về vốn hóa, tính đến cuối tháng 4, vốn hóa thị trường cổ phiếu tại cả các sàn giao dịch HoSE, HNX và UPCoM đạt 7,166 triệu tỷ đồng, giảm 7,7% so với cuối năm 2021, tương đương 85,3% GDP.
Nếu tính theo số tuyệt đối, chỉ trong 4 tháng đầu năm, vốn hóa thị trường chứng khoán trong nước đã giảm gần 600.000 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 26 tỷ USD.
Về quy mô giao dịch, theo số liệu của cơ quan quản lý, trong tháng 4, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán đạt 26.299 tỷ đồng/phiên, giảm 19% so với tháng trước.
Tuy nhiên, nếu tính chung từ đầu năm, thanh khoản bình quân thị trường đạt 29.924 tỷ/phiên, vẫn tăng 12,5% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước giảm mạnh chỉ trong thời gian ngắn, Bộ Tài chính cho biết từ nay đến cuối năm, Bộ này sẽ thực hiện và rà soát vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật chứng khoán, các Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019.
Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thi hành trong lĩnh vực liên quan.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết sẽ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán được chấp thuận trên cơ sở kế hoạch đã được điều chỉnh.
“Trường hợp xác định có vi phạm trên cơ sở kết quả giám sát, cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm”, Bộ Tài chính khẳng định.
Đặc biệt, cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ thực hiện giám sát chặt chẽ các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường, kịp thời phối hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán có đánh giá, phân tích, tiến hành kiểm tra giao dịch đối với các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định, thực hiện giám sát hoạt động các công ty đại chúng.
“Thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kiểm toán đối với các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng, chú ý đối với các doanh nghiệp có khách hàng có báo cáo tài chính sai lệch hoặc có nhiều sai sót”, Bộ Tài chính khẳng định.
Bên cạnh đó, Bộ này cũng khẳng định sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành không có tài sản bảo đảm; tiếp tục triển khai Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo đúng lộ trình và quy định pháp luật...
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán; Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Nghị định về phát hành công cụ nợ của Chính phủ; Nghị định về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp...