Về phân bổ vốn đầu tư công
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH-ĐT) về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn thuộc lĩnh vực kế hoạch - đầu tư gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp 3 Quốc hội khóa XV, tính đến hết ngày 25.4.2022, tổng số vốn các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 là hơn 479.527 tỉ đồng, đạt 92,6% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Tuy nhiên vẫn còn khoảng 7,4% số vốn (khoảng hơn 38.578 tỉ đồng) chưa được các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương phân bổ. Cụ thể, trong số hơn 38.578 tỉ đồng nói trên, có hơn 11.231 tỉ đồng vốn ngân sách T.Ư của 11 bộ và 3 địa phương; vốn nước ngoài nguồn ngân sách T.Ư là hơn 1.064 tỉ đồng; và vốn ngân sách địa phương là hơn 26.579 tỉ đồng.
Bộ KH-ĐT cũng cho hay 11 bộ, cơ quan chưa phân bổ vốn đầu tư được giao gồm: Văn phòng T.Ư Đảng, TAND tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT, Bộ KH-CN, Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ, T.Ư Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; 3 địa phương gồm: Cao Bằng, Đồng Nai và Quảng Nam.
Về công tác giải ngân
Trước đó, tại phiên họp 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, tiến độ giải ngân đầu năm 2022 "rất chậm" và đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục.
Bộ KH-ĐT cho hay, tính đến 30.4.2022, vốn ngân sách nhà nước ước thanh toán là hơn 95.724 tỉ đồng, đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng giao (tương đương năm 2021 là 18,65%).
Trong đó, vốn trong nước là hơn 94.592 tỉ đồng, đạt 19,57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn nước ngoài là hơn 1.131 tỉ đồng, đạt 3,25% kế hoạch.
Có 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội (91,12%), Ngân hàng Phát triển (59,64%), Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (48,86%), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (35,76%), Bình Thuận (33,9%), Phú Thọ (33,4%).
Tuy nhiên, có 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, dưới 17%, trong đó 17 bộ, cơ quan T.Ư chưa giải ngân kế hoạch vốn gồm:
Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, T.Ư Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại học Quốc gia TP.HCM, Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam.
Bộ KH-ĐT công nhận những nguyên nhân khách quan ảnh hưởng tiến độ giải ngân, song nhấn mạnh, phần lớn vẫn là do công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập, chưa quyết liệt và hiệu quả.