Học phí các trường Đại học công lập tăng "phi mã"
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã công bố học phí dự kiến với sinh viên đại học chính quy năm học 2022 - 2023 các ngành y khoa, dược học, răng - hàm - mặt mức học phí cao nhất không vượt quá 44.368.000 đồng/năm; các ngành còn lại không vượt quá 41 triệu đồng/năm. Các mức này tăng so với năm trước.
Trường ĐH Y dược TP.HCM giữ nguyên mức thu học phí đối với năm học 2020 và 2021 trong khoảng 30 - 70 triệu đồng/năm. Cụ thể ngành răng hàm mặt 70 triệu đồng/năm, y khoa 68 triệu đồng/năm, kỹ thuật phục hình răng 55 triệu đồng/năm, dược học 50 triệu đồng/năm...
Các ngành có mức học phí thấp nhất là 30 triệu đồng. Khi công bố mức học phí khóa tuyển sinh 2020, trường đã cho biết mức học phí các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng thêm 10%. Do vậy, từ năm học 2022, mức học phí mới của trường sẽ tăng theo lộ trình này.
Tương tự, đề án của Khoa y (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã công bố mức thu học phí giai đoạn 1 (2021 - 2023) dự kiến được triển khai tăng theo lộ trình như sau: ngành y khoa năm 2022 là 66 triệu đồng/năm, năm 2023 là 72,6 triệu đồng/năm; ngành dược học năm 2022 là 60,5 triệu đồng/năm, năm 2023 là 66,55 triệu đồng/năm; ngành răng hàm mặt năm 2022 là 96,8 triệu đồng/năm, năm 2023 là 106,480 triệu đồng/năm.
Tháng 4-2021, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố học phí dự kiến và lộ trình tăng tối đa cho từng năm học trong đề án tuyển sinh. Sinh viên trúng tuyển các ngành đào tạo ĐH năm 2021 có học phí trung bình dự kiến 25 triệu đồng/năm học 2021 - 2022 (chương trình chính quy đại trà). Lộ trình tăng các năm học tiếp theo sẽ là: 27,5 triệu đồng/năm (năm học 2022 - 2023) và 30 triệu đồng/năm cho 2 năm còn lại của khóa học.
Học phí năm học 2021 - 2022 Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố chương trình đại trà 25 triệu đồng/năm học; chương trình chất lượng cao 35 triệu đồng/năm, chương trình tiên tiến 45 triệu đồng/năm. Trường cũng công bố lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm đối với chương trình đại trà năm học 2022 - 2023 là 30 triệu đồng/năm, 2023 - 2024 là 35 triệu đồng/năm và 2024 - 2025 là 42 triệu đồng/năm.
Mức học phí năm học 2021 - 2022 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM với chương trình đại học hệ đại trà 19,5 triệu đồng/năm (các ngành kinh tế, ngoại ngữ, luật) và 21,5 triệu đồng/năm (các ngành công nghệ); chất lượng cao dạy bằng tiếng Việt là 31 - 32 triệu đồng/năm; chất lượng cao dạy bằng tiếng Anh là 34 - 35 triệu đồng/năm; chất lượng cao Việt Nhật học như chương trình chất lượng cao tiếng Việt và có thêm 50 tín chỉ tiếng Nhật có học phí 33 triệu đồng/năm.
Mức học phí Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM với sinh viên chính quy khối kinh tế 23 triệu đồng, khối công nghệ 25 triệu đồng, lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm không quá 10%. Tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM học phí chương trình chuẩn năm học 2022 - 2023 là 785.000 đồng/tín chỉ (khoảng 24,8 triệu đồng/năm), năm học 2023 - 2024 là 863.500 đồng/tín chỉ (khoảng 27,2 triệu đồng/năm) và năm học 2024 - 2025 là 950.000 đồng/tín chỉ (khoảng 29,9 triệu đồng/năm).
Theo thông tin từ các trường đại học trên, học phí năm học tới sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình đã công bố trước đây trong đề án tuyển sinh.
Nghị định 81 về việc tăng học phí đối với bậc Đại học
Trước việc hàng loạt trường ĐH tăng học phí ở mức cao, Bộ GD-ĐT cho hay từ năm học 2022 trở đi, học phí mới sẽ áp dụng theo Nghị định 81. Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (chưa tự chủ) được áp dụng theo khối ngành, chuyên ngành đào tạo.
Theo đó, học phí khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên là 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành nghệ thuật là 12 triệu đồng/năm (tăng 0,3 triệu đồng); khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật là 12,5 triệu đồng/năm (tăng 2,7 triệu đồng); khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên 13,5 triệu đồng/năm (tăng 0,8 triệu đồng); khối ngành toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật 14,5 triệu đồng/năm (tăng 2,8 triệu đồng); khối ngành y dược 24,5 triệu đồng/năm (tăng 10,2 triệu đồng); các khối ngành sức khỏe khác 18,5 triệu đồng/năm (tăng 4,2 triệu đồng); khối ngành nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội 12 triệu đồng/năm (tăng 2,2 triệu đồng).
Theo cách tính mới này, mức học phí của các cơ sở giáo dục ĐH chưa tự chủ của 7 khối ngành tăng từ 3 - 10,2 triệu đồng/năm, tùy từng khối ngành. Tăng nhiều nhất là khối ngành y dược và các khối ngành sức khỏe khác với mức tăng từ 4,2 - 20,2 triệu đồng/năm. Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (tự chủ), mức học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí với các cơ sở chưa tự chủ.
Với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (tự chủ hoàn toàn), mức học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí với trường chưa tự chủ. Trong khi đó, mức trần học phí đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở giáo dục ĐH công lập được xác định cao hơn từ 1,5 - 2,5 lần so với học phí ĐH.