Ấy thế nhưng, trong số 4 chiếc xe siêu xe bị niêm phong, cựu chủ tịch UBND TP. Hạ Long Phạm Hồng Hà chỉ đứng tên chính chủ duy nhất 1 chiếc VinFast Lux SA2.0 bản cao cấp. Ô tô “made in Vietnam” này cũng là chiếc rẻ nhất trong “bộ sưu tập” xế xịn của ông Phạm Hồng Hà.
Từ vụ bắt cựu Chủ tịch TP. Hạ Long Phạm Hồng Hà, một số luật sư cho rằng, ở Việt Nam cần có thêm quy định về tội làm giàu bất chính, trong bối cảnh một số cá nhân, quan chức bỗng nhiên giàu lên nhanh chóng, khi mà “quyền đi đôi với lợi”.
Ông Phạm Hồng Hà chỉ đứng tên chiếc xe rẻ nhất trong “bộ sưu tập”?
Như Sputnik thông tin, chiều 14/5, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã tống đạt các quyết định khởi tố, bắt tạm giam bị can đối với ông Phạm Hồng Hà - cựu chủ tịch UBND TP Hạ Long kiêm trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long.
Đồng thời, công an cũng đã niêm phong một số tài liệu, cùng 4 chiếc ô tô với trị giá khoảng gần 20 tỷ đồng tại nhà riêng của ông Hà ở địa chỉ 338, đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, TP Hạ Long để đưa về trụ sở phục vụ công tác điều tra.
Điều đáng nói, ông Hà được cho là chỉ đứng tên chính chủ chiếc xe có trị giá gần 2 tỷ đồng, thấp nhất trong số 4 chiếc xe trên.
Theo một lãnh đạo cơ quan đăng kiểm cho biết, dựa trên các biển kiểm soát của những chiếc xe bị niêm phong, ông Phạm Hồng Hà chỉ đứng tên chính chủ chiếc xe VinFast Lux SA2.0 bản cao cấp.
Theo đó, ông Hà đứng tên chính chủ chiếc VinFast Lux SA2.0 bản cao cấp mang biển số 14A-562.88. Chiếc xe này được sản xuất năm 2020 tại Việt Nam, đăng ký lần đầu tháng 5/2021 (khi đó ông Hà đã nghỉ hưu theo chế độ). Ở thời điểm năm 2021, chiếc xe này có giá khoảng 1,8 tỷ đồng.
Trong khi đó, chiếc Lexus LX 570 mang biển số 14A-233.88 bị niêm phong do bà Nguyễn Ngọc Hà đứng tên chính chủ.
Bà Nguyễn Ngọc Hà (sinh năm 1961) chính là Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Thái Hà, địa chỉ liên lạc của bà Hà là số 338 đường Trần Quốc Nghiễn, TP. Hạ Long. Đây cũng chính là tư gia nơi ông Phạm Hồng Hà bị khám xét.
Xe sản xuất năm 2016 tại Nhật Bản, đăng ký lần đầu vào tháng 12/2016. Thời điểm năm 2016, chiếc xe này có giá khoảng gần 10 tỷ đồng.
Chiếc Lexus ES 300H biển số 14A-388.38 do bà Lê Thị Thúy Liên (phường Hồng Hải, TP. Hạ Long) đứng tên chính chủ.
Được biết, bà Lê Thị Thúy Liên cũng từng là kế toán trưởng tại Công ty TNHH Thái Hà.
Công ty này được thành lập ngày 19/5/1993, với các ngành, nghề kinh doanh đăng ký như xây dựng nhà; vận tải hành khách; cung cấp dịch vụ ăn uống, nhà hàng; bán lẻ hàng hóa; truyền tải phân phối điện; dịch vụ lưu trú ngắn ngày (chính). Theo Vietnamnet, đến tháng 4/2020, công ty điều chỉnh nâng vốn điều lệ từ 7,91 tỷ đồng lên 68 tỷ đồng (tăng 8,5 lần).
Quan chức giàu lên bất thường
Quá choáng ngợp trước mức độ giàu có, khối tài sản kếch xù của một vị quan chức như ông Phạm Hồng Hà, có người dân bình luận rằng, cơ quan chức năng đã bắt được “con hổ béo”.
Việt Nam nên xử lý tài sản quan chức phạm tội cũng như làm rõ nguồn gốc khối tiền tỷ của họ như thế nào?
Xoay quanh vấn đề này, luật sư Trần Văn Tạo, cựu phó giám đốc Công an TP.HCM nói trên báo Tuổi trẻ rằng, không phải riêng vụ án liên quan ông Phạm Hồng Hà mà ở nhiều vụ án trước đó, cơ quan điều tra cũng tiến hành niêm phong, tạm giữ các vật chứng liên quan có giá trị, bao gồm tiền, vàng, sổ đỏ..., theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Trong vụ cựu Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, cơ quan điều tra có thể xác định những chiếc xe nói trên là vật chứng có liên quan hành vi phạm tội nên niêm phong, tạm giữ để xử lý.
Ông Tạo cho biết, nếu kết quả điều tra thể hiện những chiếc xe này không liên quan tội phạm, không phải do phạm tội mà có, cũng không được dùng để thực hiện hành vi phạm tội và không phải tài sản thuộc sở hữu của bị can cần tạm giữ để đảm bảo thi hành án với trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà là tài sản của người khác thì sẽ trả lại cho chủ sở hữu.
Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, hiện pháp luật không quy định cụ thể về thời gian tạm giữ vật chứng liên quan vụ án là bao lâu. Nếu số tài sản này do phạm tội mà có hoặc là công cụ để thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ bị phát mại, sung công.
Ông Cường nhấn mạnh, có thể cơ quan điều tra xác định những chiếc xe này là vật chứng của vụ án, có liên quan đến tội phạm nên tạm thời thu giữ để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư nêu quan điểm, đối với những chiếc xe sang thu giữ tại nhà cựu Chủ tịch TP Hạ Long, cơ quan điều tra sẽ tiến hành bảo quản, quản lý theo quy định của pháp luật và xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng những chiếc xe này như thế nào, có liên quan đến tội phạm hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhìn vào quá trình công tác của ông Phạm Hồng Hà, về cơ bản đều gắn với làm cán bộ, công chức, trong đó đã đảm nhận các chức vụ Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, Chủ tịch TP Hạ Long. Tuy nhiên, đối với vụ án được dư luận quan tâm như thế này, sau khi cơ quan chức năng khởi tố một số nhân vật là lãnh đạo, nhân viên Ban quản lý vịnh Hạ Long về hành vi “Nhận hối lộ”; với ông Phạm Hồng Hà, là hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, chuyện đúng, sai cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ phán xét. Đặc biệt, nhà chức trách sẽ xác định nguồn gốc số tài sản đặc biệt lớn bị niêm phong, thu giữ.
Việt Nam cần có quy định về tội làm giàu bất chính
Về phần mình, Trung tướng Trần Văn Độ, cựu phó Chánh án TAND tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự trung ương, đề nghị làm rõ xem ông Hà có kê khai tài sản hay không và kê khai như thế nào, có trung thực không.
Theo ông, tại nhiều nước trên thế giới đã có quy định về tội làm giàu bất chính nếu người đó giàu lên một cách đáng ngờ, các tài sản có nhưng không giải trình được. Bên cạnh đó, còn có tội nhận quà biếu với giá trị lớn như một dạng nhận hối lộ trá hình.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa quy định các tội danh này. Do vậy, Trung tướng Trần Văn Độ nhấn mạnh, thời gian tới, cần bổ sung quy định thêm về các tội danh trên trong bối cảnh xuất hiện nhiều quan chức giàu một cách bất thường.
Trong khi đó, ông Lê Như Tiến, cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, cho rằng việc ông Hà sở hữu nhiều ô tô đắt tiền và căn biệt thự ước tính cả trăm tỷ đồng nhìn thẳng ra vịnh Hạ Long là “rất đáng xem xét”.
Ông Lê Như Tiến đề nghị làm rõ nguồn gốc số tài sản này, nhất là khi mà “mức lương của cán bộ, công chức khi đương chức không cao”.
Trên thực tế, thời gian qua ở một số địa phương, có tình trạng các cán bộ giàu lên một cách nhanh chóng vì “quyền đi đôi với lợi”.
Một số vụ việc cũng cho thấy, không ít cán bộ có tài sản lớn nhưng lại chuyển sang cho vợ con, người thân, thậm chí chuyển cả ra nước ngoài để trốn tránh việc giám sát của cơ quan có thẩm quyền.
“Có những người có 10 nhưng chỉ kê khai 1 - 2 nên rất cần đưa ra cơ chế và thiết lập cơ quan chuyên kiểm tra, giám sát việc này”, chuyên gia lưu ý.
Ngoài ra, theo ông Tiến, việc kê khai tài sản cần được niêm yết công khai tại cơ quan, nơi cư trú của cán bộ, lãnh đạo, từ đó giúp đồng nghiệp, người dân dễ dàng nắm bắt, kiểm chứng.
Còn những cán bộ nào như ông Hà mà chưa bị phát hiện?
Đất nước chưa giàu, dân còn khó khăn, một công chức làm công ăn lương như ông Hà, phấn đấu cả đời, cũng không hẳn dễ dàng để sở hữu một cơ ngơi khang trang đàng hoàng chứ đừng nói tới biệt phủ biệt thự trăm tỷ đồng.
Tại Việt Nam, khoản 1 điều 33 Luật phòng chống tham nhũng đã quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong việc kê khai tài sản của mình và của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên.
Điều 35 Luật phòng chống tham nhũng quy định về các loại tài sản bắt buộc phải kê khai, gồm: quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.
Lạ thay, không ai thấy ông Phạm Hồng Hà kê khai, cơ quan cấp trên quản lý cựu quan chức này nắm được mức độ giàu có của ông Hà hay không và kiểm soát thu nhập, tài sản quan chức địa phương như thế nào.
Không chỉ cần làm rõ khối tài sản “như mơ” của ông Hà ở đâu mà có, nguồn gốc hợp pháp hay không, được kê khai đầy đủ hay không, dư luận cho rằng, cơ quan chức năng ngoài việc xử lý hành vi của cựu chủ tịch này theo tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” thì cần làm rõ ngoài khối tài sản này, ông Hà còn tài sản gì khác nữa không.
Nếu tài sản có được một cách chân chính, hợp pháp thì cần thông tin công khai cho nhân dân được biết. Ngược lại, nếu toàn bộ siêu xe, biệt thự trăm tỷ này có được từ các nguồn thu nhập không hợp pháp, từ tham nhũng thì cần xử lý nghiêm, tịch thu sung công quỹ theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và các quy định pháp luật liên quan.
Đặc biệt, cần xác minh rộng ra, cả nước, còn những trường hợp nào như cựu Chủ tịch thành phố Hạ Long. Nguồn tiền từ đâu để ông Phạm Hồng Hà phô trương lối sống xa hoa thay vì “một công bộc” liêm chính của người dân như phải có?
Câu hỏi ấy không dễ trả lời, nếu chỉ căn cứ vào mức lương bổng thực tế mà một công chức được chi trả mỗi tháng như hiện nay và ông Phạm Hồng Hà có phải là trường hợp duy nhất không vẫn khiến người dân, cử tri vô cùng trăn trở.