Tập đoàn Viettel sẽ giúp Quân đội Việt Nam đảm bảo an ninh mạng. Ngoài ra, Viettel và Tổng cục Kỹ thuật sẽ cùng nghiên cứu, sản xuất, cải tiến hoạt động của Tổng cục Kỹ thuật, nhằm mục tiêu từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ của các Quân chủng, Binh chủng và ngành kỹ thuật toàn quân.
Mã định danh điện tử cho trang bị và vật tư kỹ thuật
Bộ Quốc phòng Việt Nam lên kế hoạch xây dựng hệ thống mã định danh điện tử cho trang bị và vật tư kỹ thuật.
Mới đây, Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) và Tập đoàn Viettel đã cùng tổ chức Hội nghị triển khai chương trình phối hợp năm 2022 và các năm tiếp theo.
Căn cứ kết quả thực hiện kế hoạch năm 2021, hai bên đề xuất các nội dung cho năm 2022 và những năm tiếp theo với mục tiêu hoàn thành tốt công tác kỹ thuật trong quân đội, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực kỹ thuật quân đội giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Viettel sẽ hợp tác với Tổng cục Kỹ thuật thiết lập hệ thống mã định danh điện tử cho trang bị kỹ thuật và vật tư kỹ thuật.
Hợp tác phát triển hạ tầng số, nền tảng số, ứng dụng số, dữ liệu số dùng chung, đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ huy, chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực kỹ thuật Quân đội.
Viettel giúp Quân đội bảo đảm an ninh mạng
Bên cạnh đó, hai bên sẽ phối hợp thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong hoạt động kỹ thuật.
Viettel sẽ nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong chuyển đổi số ngành kỹ thuật.
Viettel và Tổng cục Kỹ thuật sẽ cùng nghiên cứu, sản xuất, cải tiến hoạt động của Tổng cục Kỹ thuật, nhằm mục tiêu từng bước hiện đại hóa, nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ của các Quân chủng, Binh chủng và ngành kỹ thuật toàn quân.
Theo Thượng tướng Lê Huy Vịnh, sự phối hợp giữa Tổng cục Kỹ thuật và Tập đoàn Viettel mang ý nghĩa rất lớn, qua đó phát huy thế mạnh, năng lực, kinh nghiệm của từng đơn vị.
“Việc Tổng cục Kỹ thuật và Tập đoàn Viettel ký kết và triển khai chương trình phối hợp có ý nghĩa rất lớn trong việc phát huy thế mạnh, năng lực, kinh nghiệm của từng đơn vị, tự chủ nghiên cứu, sản xuất, cải tiến, hiện đại hóa trang bị kỹ thuật và thực hiện tốt công tác kỹ thuật trong Quân đội”, Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh.
Khi thị trường dịch vụ viễn thông truyền thống ngày một bão hòa, việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ số đã mở ra không gian tăng trưởng mới cho Viettel.
Cho đến nay, Viettel là nhà cung cấp dịch vụ số có hệ sinh thái chuyển đổi số hoàn thiện nhất Việt Nam.
Viettel đã xây dựng thành công 6 trụ cột trong xã hội số gồm: hạ tầng số, giải pháp số, tài chính số, nội dung số, an ninh mạng và sản xuất công nghệ cao.
Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia
Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải làm tốt các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2022, đột phá, thống nhất nhận thức từ quan điểm chỉ đạo đến hành động, bố trí nguồn lực hợp lý, hiệu quả.
Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các bộ, ngành, địa phương có nhiệm vụ nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là người lãnh đạo, người đứng đầu.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; tích cực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng số, các cơ sở dữ liệu số, kết nối đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước;
Xây dựng, triển khai chương trình phát triển công dân số để tương ứng, hài hòa với các trụ cột về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; tích cực hỗ trợ, hợp tác giữa các địa phương và quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tránh tình trạng cục bộ, thành tích, tất cả vì lợi ích chung.
Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện và lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022 có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu rõ ràng, thực chất, hiệu quả.
Đồng thời, tập trung đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá hằng quý, hằng năm về kết quả thực hiện.