Theo đó, TikTok có khả năng tiến hành thử nghiệm các minigames HTML5 và nâng các tính năng hấp dẫn hơn nữa đối với người dùng.
TikTok thử nghiệm mảng game ở Việt Nam
TikTok đã và đang tiến hành các cuộc thử nghiệm để người dùng có thể chơi game ngay trên ứng dụng chia sẻ video của nền tảng mạng xã hội này ở Việt Nam.
Đây là một phần trong kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực chơi game trên ứng dụng của TikTok.
“TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance, Trung Quốc, cũng có kế hoạch triển khai trò chơi rộng rãi hơn ở Đông Nam Á”, - các nguồn tin thân tín Reuters cho hay.
Hai trong số này nhấn mạnh chiến dịch có thể được khởi động sớm nhất là trong quý ba 2022 này.
Như đã biết, việc đưa các trò chơi game lên nền tảng của mình sẽ giúp TikTok tăng doanh thu quảng cáo cũng như lượng thời gian người dùng xem (lướt) ứng dụng TikTok.
Cần nhắc lại một sự thật rằng, TikTok là một trong những ứng dụng phổ biến nhất thế giới hiện nay với hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.
Tự hào với dân số có hiểu biết về công nghệ với 70% công dân dưới 35 tuổi, Việt Nam hiện là thị trường hấp dẫn đối với các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok, Facebook của Meta Platforms Inc (FB.O, công ty mẹ Facebook và Instagram) và YouTube của Alphabet Inc (GOOGL.O công ty mẹ của Youtube và Google).
Một đại diện của TikTok xác nhận cho biết công ty đã thử nghiệm đưa game trò chơi HTML5, một dạng minigame phổ biến, lên ứng dụng của mình thông qua hợp tác với các nhà phát triển trò chơi và studio bên thứ ba như Zynga Inc (ZNGA.O).
Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện từ chối bình luận về kế hoạch cụ thể của TikTok đối với Việt Nam hoặc tham vọng đưa mảng chơi game phát triển rộng hơn trên nền ứng dụng TikTok.
"Chúng tôi (TikTok) luôn tìm cách làm phong phú nền tảng của mình và thường xuyên thử nghiệm các tính năng mới và tích hợp trải nghiệm đa dạng mang lại giá trị cho cộng đồng người dùng”, - đại diện TikTok cho biết.
ByteDance chưa lên tiếng chính thức về kế hoạch đáng chú ý này tại Việt Nam.
Kế hoạch của TikTok và tham vọng của ByteDance
Reuters hiện chưa nắm thông tin cụ thể kế hoạch của TikTok về việc tung ra các tính năng chơi game ở những thị trường khác ngoài Việt Nam.
Thực tế, mặc dù người dùng TikTok có thể xem các trò chơi đang được phát trực tuyến (livestream) nhưng ở hầu hết các khu vực triển khai ứng dụng, người dùng không thể chơi trò chơi trên nền ứng dụng TikTok.
Tại Mỹ, hiện chỉ có một số trò chơi đã được ra mắt bao gồm "Disco Loco 3D" của Zynga, trò chơi thử thách âm nhạc và khiêu vũ và "Garden of Good", (một trải nghiệm giống như FarmVille - nơi người chơi có thể kiếm điểm và sử dụng chúng để quyên góp), tức người chơi tích cực “trồng rau” để thông qua đó TikTok đóng góp cho tổ chức phi lợi nhuận Feeding America. Đồng thời, kế hoạch của TikTok cũng chủ yếu dựa trên hệ thống trò chơi của ByteDance.
“Mặc dù công ty sẽ bắt đầu với các trò chơi nhỏ (minigame) xu hướng cơ chế chơi đơn giản và thời gian ngắn, nhưng tham vọng đưa game lên nền tảng của công ty còn vươn xa hơn thế”, một đại diện cho hay.
Tham vọng game của TikTok không dừng lại ở đây. TikTok sẽ phải xin giấy phép để đưa game lên nền tảng tại Việt Nam.
Quy trình dự kiến diễn ra thuận lợi vì các game trong kế hoạch không gây tranh cãi hay dính đến cờ bạc, bạo lực, tình dục.
Bộ Ngoại giao và Bộ Thông tin - Truyền thông của Việt Nam hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Trên thực tế, người dùng Douyin của ByteDance, phiên bản TikTok của Trung Quốc, đã bắt đầu chơi game trên nền tảng này kể từ năm 2019.
Nguồn tin cũng cho hay, game mà TikTok triển khai có khả năng chứa quảng cáo và doanh thu sẽ được chia sẻ giữa ByteDance và nhà phát triển game.
Theo chân Facebook, Netflix
Sự đột phá của TikTok (nỗ lực nhảy vào mảng game) phản ánh những nỗ lực không ngừng của các công ty công nghệ lớn đang tìm cách giữ chân người dùng.
Trước đó, Facebook đã ra mắt các instant games vào năm 2016 và công ty phát trực tuyến Netflix (NFLX.O) gần đây cũng đã thêm trò chơi vào nền tảng xem phim trực tuyến của mình.
Tham vọng này cũng đánh dấu nỗ lực mới nhất của ByteDance trong việc khẳng định doanh nghiệp là một ứng cử viên lớn trong lĩnh vực chơi game trực tuyến.
ByteDance năm ngoái đã mua lại studio của Moonton Technology có trụ sở tại Thượng Hải và đưa nó vào cuộc cạnh tranh trực tiếp với Tencent (0700.HK), công ty chuyên kinh doanh trò chơi lớn nhất Trung Quốc hiện nay.
Kể cả khi không chơi game hay chưa nhảy vào mảng trò chơi đầy triển vọng này, TikTok cũng đã chứng kiến doanh thu quảng cáo tăng đột biến.
Theo công ty nghiên cứu kết hợp của BII và eMarketer Insider Intelligence, doanh thu quảng cáo của TikTok có thể sẽ tăng gấp ba lần trong năm nay lên hơn 11 tỷ đô la, vượt quá doanh số bán hàng kết hợp của Twitter Inc (TWTR.N) và Snap Inc (SNAP.N).
Theo thông tin từ TechCrunch dẫn nguồn từ công ty trí tuệ sản phẩm Watchful cho thấy TikTok đang nghiên cứu một số tính năng để phát trực tiếp (live).
Những tính năng này cũng sẽ bao gồm các trò chơi để giúp người phát trực tiếp tương tác với người xem, trải nghiệm tặng quà “hộp kho báu” cho người xem ngẫu nhiên sau một khoảng thời gian nhất định và trải nghiệm mua sắm cho phép người xem duyệt qua các sản phẩm từ một luồng phát trực tiếp – Trung Quốc vốn rất mạnh ở mảng livestream kinh doanh bán hàng theo hình thức này.