Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, khi xung đột nổ ra, mọi người đều có nguy cơ đối mặt với nạn đói. Không một quốc gia nào trên thế giới có thể đạt miễn dịch hoàn toàn với nạn đói nếu bất trắc xảy ra.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang kêu gọi tất cả cùng chung tay đảm bảo an ninh lương thực trên thế giới. Việt Nam mong muốn trở thành một “trung tâm sáng tạo về lương thực” của khu vực và sẽ tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung trong việc giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu.
“Muối bỏ biển”
Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 19/5 đã diễn ra phiên thảo luận mở về chủ đề “xung đột và an ninh lương thực”.
Phiên thảo luận do ông Antony Blinken, Ngoại trưởng Mỹ nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 5/2022, chủ trì.
Tham dự phiên họp còn có Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu), Tổng Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley cùng đại diện hơn 80 nước thành viên LHQ.
Tại phiên thảo luận, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và các diễn giả bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực chưa từng có hiện nay.
“Khi xung đột nổ ra, mọi người đều có nguy cơ đối mặt với nạn đói”, - Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh.
Các báo cáo cho thấy, có hơn 811 triệu người đang thiếu lương thực, trong đó hơn 60% sinh sống ở các nước có xung đột, bất ổn như Afghanistan, Syria, Yemen, Ethiopia, Haiti, Sudan, Nam Sudan, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ukraina.
Tại phiên họp HĐBA, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước thành viên Hội đồng Bảo an tăng cường các cam kết tài trợ cho các chương trình lương thực, cứu trợ nhân đạo.
Mặc dù nhà lãnh đạo LHQ vui mừng thông báo với các nước thành viên rằng Quỹ ứng phó khẩn cấp (CERF) của LHQ đang giải ngân khoảng 30 triệu USD để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực ở Niger, Mali, Chad và Burkina Faso.
Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo sẽ cung cấp 30 tỷ USD để giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng an ninh lương thực do cuộc xung đột tại Ukraina.
Theo đó, Ngân hàng Thế giới sẽ dành 12 tỷ USD cho các dự án mới, và 18 tỷ USD cho các dự án liên quan đến lương thực và dinh dưỡng hiện nay.
“Nhưng tất cả chỉ là muối bỏ biển”, - ông Guterres buồn bã nói.
Điều quan trọng nhất, theo lãnh đạo LHQ, là thúc đẩy chấm dứt xung đột và yêu cầu các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, cũng như tăng cường các nỗ lực phát triển bền vững và giải quyết các thách thức đan xen về lương thực, năng lượng và tài chính trong bối cảnh hiện nay.
“Siêu bão hoàn hảo”
Người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), David Beasley, đã nhiều lần lên tiếng về “siêu bão hoàn hảo” gây ra nạn đói, bắt nguồn từ xung đột, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19.
Ông David Beasley trích dẫn tình hình mất ổn định ở Mali, Chad, Malawi và Burkina Faso; bạo loạn và biểu tình ở Sri Lanka, Indonesia, Pakistan và Peru; xung đột ở Ethiopia và Afghanistan; hạn hán và nạn đói ở Châu Phi, và “vòng lửa ngồn ngộn khắp thế giới” khi số người tị nạn chết đói ngày càng leo thang.
“An ninh lương thực là rất quan trọng đối với hòa bình và ổn định trên toàn cầu”, - lãnh đạo WFP nêu rõ và kêu gọi hành động “ngay hôm nay”.
Đại diện các nước chia sẻ quan ngại về tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn cầu, trong đó xung đột, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm nạn đói.
Các quốc gia thành viên LHQ cũng đồng thuận cho rằng, cộng đồng quốc tế cần khẩn trương tăng cường phối hợp xử lý tình trạng thiếu hụt lương thực và các thách thức liên quan.
Nhiều nước cho rằng thúc đẩy phát triển bền vững, chấm dứt và giải quyết xung đột là giải pháp lâu dài, toàn diện để chấm dứt tình trạng mất an ninh lương thực, đồng thời kêu gọi thúc đẩy thương mại toàn cầu cũng như bảo đảm các chuỗi cung ứng, sản xuất, phân phối lương thực.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, khoảng 60% số người bị suy dinh dưỡng trên thế giới sống tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột. Theo ngoại trưởng Hoa Kỳ, “không quốc gia nào miễn dịch với nạn đói”.
cam kết làm việc với các đồng minh của Hoa Kỳ để cải thiện an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraina đã kéo dài.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với đồng minh và đối tác của mình để xây dựng các hệ thống lương thực linh hoạt, bền vững và bao trùm nhằm cải thiện an ninh lương thực toàn cầu”, - Antony Blinken nhấn mạnh.
Việt Nam đề xuất giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột
Phát biểu tại phiên họp ngày 19/5, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc nêu rõ lập trường của Hà Nội cho biết, Việt Nam coi việc bảo đảm an ninh lương thực chính là nền tảng của hòa bình, ổn định và phát triển.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang bày tỏ, Việt Nam chia sẻ quan ngại chung của cộng đồng quốc tế về việc hệ thống lương thực thế giới đang ngày càng bị thách thức bởi đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai và xung đột, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển và các nước có xung đột.
Trong bối cảnh đó, theo Trưởng Phái đoàn Việt Nam, bên cạnh các nỗ lực nhân đạo, cần phải có những biện pháp bền vững nhằm tăng cường năng lực của các nước đang phát triển và bị ảnh hưởng bởi xung đột trong bảo đảm cung cấp lương thực và cải thiện mức sống của người dân.
Đại sứ nhấn mạnh việc thúc đẩy giải quyết “nguyên nhân gốc rễ” của xung đột, xây dựng hòa bình và ngăn ngừa xung đột.
Việt Nam muốn thành “trung tâm sáng tạo về lương thực”
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã đánh giá cao những nỗ lực của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và các nhà tài trợ quốc tế trong ứng phó với nạn đói.
Đại diện Việt Nam mong muốn Liên Hợp Quốc và các đối tác kịp thời chia sẻ thông tin về tình trạng mất an ninh lương thực do xung đột gây ra hoặc làm trầm trọng thêm, qua đó có thể có phản ứng kịp thời.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng nhấn mạnh trách nhiệm của các bên xung đột trong việc bảo đảm tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, không sử dụng việc bỏ đói làm công cụ phục vụ mục đích quân sự, được nhấn mạnh tại các Nghị quyết 2417 và 2573 của Hội đồng Bảo an.
Ông Giang cũng tái khẳng định những nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
“Việt Nam mong muốn trở thành một “trung tâm sáng tạo về lương thực” của khu vực và sẽ tiếp tục đóng góp vào các nỗ lực chung trong việc giải quyết các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu”, - ông Đặng Hoàng Giang nói.
Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA 2020-2021, Việt Nam đã chủ trì soạn thảo Nghị quyết 2573 của HĐBA (được thông qua vào tháng 4/2021), trong đó Đoạn 6 có nội dung thúc giục tất cả các bên xung đột bảo vệ các cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu đối với sản xuất lương thực và hoạt động bình thường của hệ thống lương thực và thị trường trong các cuộc xung đột.
Nghị quyết do Việt Nam chủ trì soạn thảo được đánh giá cao và ủng hộ rộng rãi do có nhiều nội dung thực chất, tích cực, được hơn 60 nước thành viên Liên Hợp Quốc đồng bảo trợ, trong đó có tất cả các nước thành viên Hội đồng Bảo an.