Theo cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - Global Times, phương Tây nêu bật sự trỗi dậy của Việt Nam và các nước ASEAN để nhằm tạo thế đối đầu kìm hãm Trung Quốc.
Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, Việt Nam cần “nhìn thấu” mọi thủ đoạn địa chính trị (của Mỹ và phương Tây) đằng sau cái gọi là xây dựng liên kết chuỗi cung ứng công nghiệp bên ngoài lãnh thổ CHND Trung Hoa.
Trung Quốc “hắt hơi”, Apple cũng “sổ mũi”
Global Times (Thời báo Hoàn Cầu), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, chuỗi cung ứng công nghiệp Trung Quốc - Việt Nam mang tính bổ trợ lẫn nhau và được thiết lập bởi sự hợp tác chặt chẽ chứ không phải thế đối đầu.
Tờ Wall Street Journal đưa tin cho hay, Apple được cho là đã đối thoại với một số nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng của mình rằng gã khổng lồ công nghệ Mỹ muốn tăng cường sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Việt Nam và Ấn Độ là hai trong số những quốc gia được liệt kê nằm đầu danh sách lựa chọn thay thế cho Trung Quốc.
Như Sputnik đã thông tin, Apple, công ty công nghệ hàng đầu trong nhóm Big Tech ở Silicon Valley đang nỗ lực đa dạng hóa hoạt động sản xuất và chuyển bớt dây chuyền rời khỏi Trung Quốc.
Điều này, theo giới quan sát, hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến những công ty phương Tây khác, vốn đang cân nhắc giảm sự phụ thuộc về sản xuất và nguồn cung các nguyên liệu quan trọng tại đất nước 1,4 tỷ dân.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế những gì đang diễn ra, với hơn 90% sản phẩm của Apple từ iPhone, iPad đến MacBook đều được sản xuất tại Trung Quốc chỉ cần một “cái hắt hơi” của Bắc Kinh, cũng đủ làm Apple “sổ mũi”.
Theo giới phân tích, sự phụ thuộc của hãng này vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc là một rủi ro tiềm tàng.
“Do gã khổng lồ công nghệ Mỹ từ lâu đã được coi là “chong chóng gió” (phong hướng biểu - để xem hướng gió), nên các chỉ dấu khuynh hướng mới nhất của Apple về cách tái cơ cấu chuỗi cung ứng, ở một mức độ nhất định, có thể cho thấy được vị thế sản xuất của Việt Nam đã tăng nhanh như thế nào vào thời điểm Trung Quốc đang đối mặt với hàng loạt vấn đề về chuỗi cung ứng giữa đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 tồi tệ nhất trong hai năm qua”, theo Global Times.
Đồng thời, trước tình hình kinh tế khởi sắc của Việt Nam trong những ngày gần đây, Global Times nhắc lại rằng, một số dư luận phương Tây cho rằng khi quy mô chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc đang đối mặt với những cú sốc do tình hình dịch bệnh, các nước Đông Nam Á, mà đại diện tiêu biểu nhất là Việt Nam, sẽ bắt kịp hoặc thậm chí thay thế vị thế công xưởng sản xuất toàn cầu của Trung Quốc.
Dùng Việt Nam để kiềm chế Trung Quốc?
Thời báo Hoàn Cầu nêu quan điểm rằng, lý do chính khiến các nước phương Tây hân hoan chào đón sự trỗi dậy của Việt Nam hoặc các nước Đông Nam Á khác là vì Mỹ và đồng minh muốn sử dụng quốc gia hoặc khu vực đang phát triển nhanh này để kiềm chế Trung Quốc.
“Ngoài cân nhắc một số yếu tố về kinh tế, chính vì mục tiêu địa chính trị mà Mỹ và các nước phương Tây khác đã cho thấy lợi ích ngày càng tăng trong việc tăng cường hợp tác kinh tế với khu vực Đông Nam Á”, Hoàn Cầu bày tỏ.
Global Times nêu dẫn chứng, tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN ở Washington vào giữa tháng 5 vừa qua, chính quyền Biden rất muốn thu hút, lôi kéo Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác tham gia vào Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF), mà mục đích sau cùng được giới quan chức Hoa Kỳ nhắc tái nhắc lại là muốn hướng đến việc xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Cạnh tranh hay bổ sung?
Nhưng "Made in Trung Quốc" và "Made in ASEAN" có thực sự là một mối quan hệ cạnh tranh?
Theo Hoàn Cầu, không nhất thiết phải như vậy. Lấy Việt Nam làm ví dụ. Đúng là nền kinh tế Việt Nam gần đây đang phát triển tương đối tốt.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 5,03% so với cùng kỳ năm trước trong quý đầu tiên của năm 2022, vượt qua mức tăng trưởng 4,8% của Trung Quốc.
Trong khi đó, ngoại thương của Việt Nam tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong ba tháng đầu năm 2022, so với mức tăng 10,7% trong ngoại thương của Trung Quốc tính bằng đồng Nhân dân tệ (NDT).
“Tuy vậy, điều này không có nghĩa là khả năng cạnh tranh sản xuất của Việt Nam đã có thể đe dọa Trung Quốc”, Hoàn Cầu thẳng thắn.
Theo Global Times, từ góc độ quy mô sản xuất và sức mạnh nội tại, các nước Đông Nam Á bao gồm cả Việt Nam khó có thể thay thế vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu ít nhất là trong ngắn hạn.
Ngoài ra, về cơ bản, dựa trên tác động lan tỏa của ngành sản xuất Trung Quốc mà Việt Nam có thể phát triển lĩnh vực sản xuất của riêng mình.
“Vì vậy, sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam thực chất là kết quả của sự kết nối chặt chẽ với Trung Quốc về chuỗi cung ứng và công nghiệp”, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định.
Xuất khẩu của Việt Nam tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 88,6 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm nay, thặng dư thương mại của Việt Nam chỉ là 1,46 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu 27,6 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, dẫn đến thâm hụt thương mại với Trung Quốc 14 tỷ USD trong quý đầu tiên.
Quốc gia Đông Nam Á này cũng nhập khẩu nhiều bộ phận và nguyên liệu thô từ Trung Quốc và xuất khẩu các sản phẩm chế biến sang Mỹ, châu Âu và các khu vực khác toàn cầu.
Theo báo Tàu, cấu trúc thương mại của Việt Nam nêu bật một nghịch lý trong sáng kiến IPEF do Hoa Kỳ khởi sướng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ công bố khởi động thảo luận Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn Giang
Theo đó, nếu IPEF có thể tăng cường mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Hoa Kỳ và các nước trong khu vực bằng cách thúc đẩy đầu tư của Mỹ vào khu vực, thì lĩnh vực sản xuất ở đây sẽ gắn kết chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
“Vì tất cả các mặt hàng xuất khẩu của khu vực này sang Hoa Kỳ đều sẽ gắn bó chặt chẽ với chuỗi cung ứng của Trung Quốc”, Global Times tự tin.
Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, Việt Nam cần “nhìn thấu” những thủ đoạn địa chính trị (của Mỹ và phương Tây) ẩn sau cái gọi là tạo liên kết chuỗi công nghiệp toàn cầu hiện nay.
“Xét cho cùng, sự phát triển của Việt Nam không chỉ phụ thuộc vào cách học hỏi, đúc rút kinh nghiệm của Trung Quốc, mà còn phụ thuộc vào việc liệu nước này có thể tìm được vị thế thích hợp trong mạng lưới chuỗi công nghiệp khu vực để thúc đẩy triển vọng thương mại chung của châu Á trong tương lai hay không”, Hoàn Cầu nêu quan điểm.
“Con đường nhanh nhất”
Để tham gia mạnh hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao vị thế mắt xích quan trọng của Việt Nam, chuyên gia cho rằng, đất nước cần xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh.
Số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), hiện mới chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Ngoài ngành xe máy, Việt Nam đã nội địa hóa được với tỷ lệ cao, các ngành điện tử, ô tô, vẫn chưa nội địa hóa đáng kể.
Chẳng hạn như ngành điện tử, Việt Nam vẫn đang nhập khẩu hầu hết linh kiện với 90%, linh kiện cơ bản tới 97%, linh kiện chuyên dụng 92%, linh kiện cơ khí 82%, linh kiện cao su 87%...
Với ngành ô tô, do sản lượng thấp chỉ vài trăm nghìn xe/năm, nên Việt Nam có rất ít doanh nghiệp cung ứng linh kiện cấp 1 cho đối tác nước ngoài với hơn 60 doanh nghiệp; cung ứng cấp 2 có khoảng 145 doanh nghiệp. Nhập khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành này đang chiếm tới hơn 70% linh kiện.
Theo chuyên gia Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho hay liên kết với doanh nghiệp quốc tế là con đường nhanh nhất để doanh nghiệp nội địa tham gia cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, sợi dây liên kết này là rất hạn chế và yếu, nhất là khi đại dịch COVID-19 nổ ra, cùng với đó là xung đột chính trị trên thế giới khiến cho việc liên kết càng trở nên khó khăn hơn. Bà Bình nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với TTXVN, các đơn vị quốc tế, tư vấn hỗ trợ liên kết doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải có đủ năng lực. Trong khi đó, cả chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng của doanh nghiệp Việt đều chưa đáp ứng được. Doanh nghiệp phải đảm bảo giá cạnh tranh, minh bạch, linh hoạt, thời gian giao hàng đáp ứng yêu cầu và có khả năng quản lý chuỗi cung ứng.
“Nhưng ngay cả khi chúng ta đáp ứng chất lượng, cạnh tranh về giá vẫn là vấn đề khó nhất với doanh nghiệp Việt Nam bởi đang cao hơn ít nhất 20% so với giá các nhà cung ứng hiện có của họ”, bà Bình nói.
Với các tập đoàn sản xuất lớn, khi vào Việt Nam, các tập đoàn này đều đưa theo, hoặc đã có nhà cung ứng trên toàn cầu. Những nhà cung ứng này có kinh nghiệm, đã khấu hao thiết bị máy móc và có mạng lưới sản xuất tiên tiến với chi phí thấp, sản lượng lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp nội địa quản trị yếu, sản xuất chưa tinh gọn dẫn tới khả năng cạnh tranh về giá rất thấp.
Để giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, bà Trương Thị Chí Bình cho rằng Nhà nước cần hỗ trợ họ nâng cao năng lực thông qua các chính sách khuyến khích chuyển đổi số, đầu tư vào sản xuất điện tử. Đồng thời, Nhà nước cũng cần khuyến khích doanh nghiệp FDI nội địa hóa bằng các chính sách về thuế, lao động, ưu tiên thu hút các FDI có định hướng rõ ràng về nội địa hóa.
Nhiều lĩnh vực Việt Nam có năng lực tốt
Trong đánh giá mới công bố, Cục Công nghiệp Bộ Công Thương cho thấy nhiều tiến bộ của Việt Nam.
Cụ thể, nhờ khả năng cung cấp một số linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cũng từng bước nâng cao trình độ, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác cao, góp phần tăng giá trị gia tăng.
Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện của Việt Nam có năng lực tốt ở các lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại…
Các sản phẩm này đã đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Cũng theo Cục Công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như: Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát...
“Điều này đã tạo nền tảng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”, Bộ Công Thương bày tỏ.