Tuy nhiên, nợ công bình quân của Việt Nam tăng đều qua các năm. Cụ thể, hồi năm 2018, con số này là 31,69 triệu đồng/người, đến năm 2019 là 33,62 triệu đồng.
Nợ công bình quân mỗi người Việt là bao nhiêu?
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, báo cáo trước Quốc hội chiều nay về tình hình kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước 2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết mức nợ công của Việt Nam.
Cụ thể, dư nợ công đến cuối năm 2020 là hơn 3,52 triệu tỷ đồng, tăng 6,02% so với năm 2019, bằng 55,94% so với GDP (dưới mức trần 65% GDP).
Theo ông Thanh, nợ công bình quân đầu người là 35,1 triệu đồng/người và có xu hướng tăng qua các năm.
Cần nhắc lại, trước đó, năm 2018, con số này là 31,69 triệu đồng/người; năm 2019 là 33,62 triệu đồng.
Về thu ngân sách Nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết đã quyết toán 1.510.579 tỷ đồng, bằng 98,1% so với dự toán giao (tương ứng hụt 28.473 tỷ đồng).
Trong đó thu nội địa vượt 0,2% dự toán (chủ yếu từ tiền sử dụng đất 77.086 tỷ đồng và thu khác ngân sách 22.229 tỷ đồng).
Mặt khác, một số khoản thu chính từ hoạt động sản xuất kinh doanh (khu vực doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh) chiếm khoảng 52,5% tổng thu nội địa nhưng đều hụt thu so với dự toán giao, khoản thu hồi vốn tại các doanh nghiệp do Nhà nước quản lý chỉ đạt 37,1% so với dự toán giao đầu năm.
Lý giải mức hụt thu ngân sách, ông Thanh cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các chính sách miễn, giảm thuế của Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, tính thiếu thuế cũng như các khoản thu khác được Kiểm toán Nhà nước phát hiện qua kiểm toán, đối chiếu, từ đó đã kiến nghị tăng thu Ngân sách Nhà nước 8.802,6 tỷ đồng.
Nợ thuế do cơ quan thuế quản lý đến cuối năm 2020 là 99.074 tỷ đồng, giảm 0,63% so với năm 2019, chủ yếu do thực hiện khoanh nợ thuế và xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 (24.987 tỷ đồng).
Về nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý quá hạn đến cuối năm 2020, ông Trần Sỹ Thanh nêu mức này là 7.115 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2019, trong năm 2020 chưa thực hiện khoanh nợ thuế và xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14.
Đối với vấn đề chi ngân sách Nhà nước, ông Thanh cho biết, số tiền chi đầu tư phát triển quyết toán là 576.432 tỷ đồng, bằng 115,5% dự toán, bằng 33,7% tổng chi Ngân sách Nhà nước.
Trong khi đó, chi thường xuyên toán là 1.013.449 tỷ đồng, bằng 90,8% dự toán và bằng 59,3% tổng chi Ngân sách Nhà nước.
Xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm
Thông qua công tác kiểm toán, có thể thấy một số khoản chi sự nghiệp ngân sách Trung ương có tỷ lệ thực hiện thấp. Lấy ví dụ, chi bảo vệ môi trường 47,4%; chi văn hóa thông tin 61,5%; chi thể dục thể thao 75,2%; chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề 81,9%. Trong những năm gần đây, chi bảo vệ môi trường liên tục thực hiện chiếm tỷ lệ rất thấp (dưới 50%).
Số dư tạm ứng chi thường xuyên cuối kỳ tại kho bạc Nhà nước đạt 25.856,556 tỷ đồng. Tuy nhiên, số dư này chưa được các đơn vị dự toán hoàn trả kịp thời theo quy định.
Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Trong đó, có thể kể đến các vấn đề như: xử lý tài chính tăng thu, giảm chi Ngân sách Nhà nước 25.396,3 tỷ đồng; xử lý khác 41.567,4 tỷ đồng; rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong các báo cáo kiểm toán trong năm 2021.
Theo báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày, quyết toán chi trả nợ lãi trong năm 2020 là 106.465,8 tỷ đồng, bằng 90,1% dự toán điều chỉnh.
“Trong nhiều năm liên tục việc xác định dự toán chi trả nợ lãi đều cao hơn mức thực hiện, cho thấy công tác lập dự toán chi đầu tư, xác định bội chi, vay bù đắp bội chi chưa sát tình hình thực tế”, ông Cường nhận định.
Theo lãnh đạo Ủy ban Kinh tế, Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng việc xây dựng dự toán sao cho sát nhu cầu và khả năng thực hiện, nhằm có căn cứ xác định mức bội chi, chi trả lãi phù hợp, giảm mức vay bù đắp bội chi, chuyển nguồn quá lớn, giảm chi phí trả nợ các năm sau.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, trong năm 2020 Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm cắt giảm chi thường xuyên. Nhờ vậy, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi Ngân sách Nhà nước đã giảm đáng kể. Dù vậy, quản lý chi tiêu thường xuyên tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn có những tồn tại, hạn chế.
Đặc biệt, một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội quan trọng chưa kịp thời triển khai kịp trong năm; chi chuyển nguồn, hủy bỏ dự toán chi thường xuyên nhiều lần xảy ra.
Tỷ lệ nợ công giảm
Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 xin ý kiến Quốc hội xem xét, phê chuẩn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay tổng số thu ngân sách là 2,27 triệu tỷ đồng, tổng chi ngân sách là 2,35 triệu tỷ đồng.
Quyết toán bội chi ngân sách nhà nước là 216.405 tỷ đồng, thấp hơn so với mức bội chi mà Quốc hội cho phép là 368.300 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá việc phân bổ và sử dụng ngân sách có nhiều đổi mới khi khoản chi đầu tư cho phát triển đã đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng (kế hoạch là 2 triệu tỷ đồng).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Văn Điệp
Ưu tiên thực hiện các chủ trương, định hướng lớn về an sinh xã hội, chuẩn nghèo, đảm bảo nhiều lĩnh vực quan trọng.
Bội chi ngân sách được quản lý, điều hành chặt chẽ với 3,37%, giảm so với giai đoạn trước. Nhờ kiểm soát bội chi và cơ cấu lại nợ công, tỷ lệ nợ công đã giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,2% GDP cuối năm 2020.
Tổng thu ngân sách 5 năm 2016 - 2020 đạt trên 6,9 triệu tỷ đồng, bằng 100,8% kế hoạch.
Có 19 địa phương đạt quy mô thu ngân sách trên 15.000 tỷ đồng, 30 địa phương thu trên 10.000 tỷ đồng và 17 địa phương thu ngân sách dưới 5.000 tỷ đồng.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Quyết định 448/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022 - 2024 và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022.
Kế hoạch vay 2022
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022 là đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước, bao gồm nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với mức chi phí, rủi ro phù hợp thông qua đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong, ngoài nước.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ, đảm bảo trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt và thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước.
Như vậy, ngoài nhiệm vụ vay cho Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ cần huy động bổ sung để có nguồn lực thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi đã được Quốc hội phê duyệt từ đầu năm 2022.
Cụ thể, trong năm 2022 kế hoạch vay của Chính phủ tối đa 673,5 nghìn tỷ đồng, gồm vay cho cân đối ngân sách trung ương tối đa 646,8 nghìn tỷ đồng để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc; vay về cho vay lại khoảng 26,7 nghìn tỷ đồng.