Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn cho rằng khi chúng ta so sánh giá sách, cần so sánh giá sách tương đồng, tức là so sánh giá các bộ sách được biên soạn mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhau.
Ví dụ sách mới cho lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 7, lớp 10, tức là một hệ thống biên soạn mới, xã hội hóa theo chủ trương của Quốc hội là xã hội hóa nhiều bộ sách và các loại sách biên soạn khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Các quy trình từ biên soạn, giới thiệu, thử nghiệm, phát hành..., doanh nghiệp đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính.
"Các bộ sách lớp 3, lớp 7, lớp 10 của Nhà xuất bản Giáo Dục năm nay với sự chỉ đạo ráo riết đã giảm được từ 10-15% so với các sách tương ứng mới của năm ngoái, trong khi giá thành vật liệu, nhiên liệu tăng lên", ông Sơn thể hiện ý kiến.
Còn nếu so với các bộ sách cũ thuộc chương trình 2016, theo ông Sơn, đó là các sách mà Nhà nước đã bỏ tiền cho rất nhiều khâu từ biên soạn, thẩm định. Tức là những phần đã được Nhà nước tổ chức trước đây theo hệ thống cũ, khổ nhỏ hơn, giấy xấu.
Ông dẫn chứng nếu so với bộ sách cũ thì giá thành dao động từ 50.000 đến hơn 100.000 đồng. Còn giá bộ sách mới dao động 200.000 - 300.000 đồng tùy từng loại sách.
Bộ trưởng cho rằng nếu so sách mới với các bộ sách mà Nhà nước tổ chức trước đây mà chúng ta nói nó tăng thì sự so sánh đấy không tương đồng. Ông đồng thời nhấn mạnh đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo Dục với mỗi bản sách giáo khoa mới sẽ dành 25.000 bản để phát cho học sinh vùng sâu, vùng xa, tuy nhiên con số này vẫn ít. Vì vậy cần có các biện pháp khác.
Bên cạnh đó, về bộ sách giáo khoa điện tử, ngay khi sách chưa phát hành đã yêu cầu nhà xuất bản cung cấp file PDF lên các trang của nhà xuất bản để học sinh có thể lấy các file xuống một cách thuận tiện.
Về giải pháp, ông Sơn cho hay bộ đang triển khai các giải pháp để đưa giá thành sách giáo khoa ở mức hợp lý, thuận tiện nhất cho người học.
Về thông tin trên mạng nói sách giáo khoa không dùng lại được, lãnh đạo ngành giáo dục cũng khẳng định sách giá khoa mới dùng lại được chứ không phải dùng một lần rồi phải bỏ. Bộ đã chỉ đạo các trường tăng cường mua sách giáo khoa để tại thư viện để học sinh có thể dùng nhiều lần.
Trước đó, thảo luận tại Quốc hội ngày 23/5, đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học truyền máu Trung ương), nói sách giáo khoa không được dùng lại, hàng năm xã hội tốn thêm hàng nghìn tỷ đồng để mua sách mới, gây khó khăn cho gia đình có con đi học, đặc biệt là hộ nghèo.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua năm 2018, bắt đầu áp dụng với lớp 1 trong năm học 2020. Đi kèm với chương trình, sách giáo khoa mới cũng được thiết kế và đưa vào sử dụng. Lần đầu tiên, Việt Nam triển khai "một chương trình, nhiều sách giáo khoa".
Năm 2021, chương trình triển khai với lớp 2 và 6, sau đó là ba lớp 3, 7, 10 (năm 2022), 4, 8 và 11 (2023), cuối cùng là 5, 9, 12 (2024).