Giữ nguyên thanh tra huyện, lập thêm thanh tra Tổng cục, Cục

HÀ NỘI (Sputnik) - Chính phủ dự kiến giữ nguyên quy định hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh và thanh tra huyện và đề xuất thành lập thêm thanh tra Tổng cục, Cục.
Sputnik
Sáng 26/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đoàn Hồng Phong trình bày trước Quốc hội về Luật Thanh tra sửa đổi.
Chính phủ dự kiến giữ nguyên quy định hiện hành, gồm: Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh và thanh tra huyện dù trước đó có đề xuất bỏ thanh tra huyện.
Về thanh tra huyện, Tổng TTCP cho biết, khi đề xuất chính sách xây dựng luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất không tổ chức thanh tra huyện. Tuy nhiên, quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án luật, nhiều ý kiến cho rằng, huyện là một cấp chính quyền quan trọng, cơ quan thanh tra hiện nay không chỉ thực hiện chức năng thanh tra mà còn có trách nhiệm giúp UBND thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Việt Nam chuẩn bị tổng thanh tra loạt doanh nghiệp đầu mối xăng dầu
Mặt khác, nếu không tổ chức thanh tra huyện thì thanh tra tỉnh cũng phải tăng thêm biên chế và tổ chức thêm các phòng chuyên môn phụ trách thanh tra địa bàn các huyện khi có yêu cầu, nên thực tế việc tinh giản bộ máy cũng không đáng kể.
Do đó, dự thảo luật đã tiếp thu các ý kiến và giữ nguyên quy định về thanh tra huyện trong dự thảo luật Thanh tra (sửa đổi).
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết vẫn còn ý kiến khác nhau. Ông trình bày các ý kiến đề nghị bỏ thanh tra cấp huyện cho rằng, ngay báo cáo tổng kết thi hành luật Thanh tra đã chỉ rõ, ở cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra; biên chế rất ít nên không phát huy được hiệu quả…
Một điểm mới trong dự án luật lần này là đề xuất thành lập thêm thanh tra Tổng cục, Cục bên cạnh thanh tra bộ và thanh tra sở trong tổ chức thanh tra ngành, lĩnh vực.
Chờ “mẻ cá lớn” vụ Việt Á từ Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an
Theo Luật hiện hành, một bộ chỉ có một tổ chức thanh tra, các tổng cục, cục chỉ được giao chức năng thanh tra chuyên ngành mà không có tổ chức thanh tra độc lập. Trong khi thực tế cho thấy, nhiều bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực có những tổng cục, cục có chức năng quản lý nhà nước và nhu cầu thanh tra lớn nhưng do Luật không cho phép thành lập tổ chức thanh tra nên đã tổ chức thành các đơn vị tham mưu về công tác thanh tra.
“Do không có đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra nên hoạt động gặp nhiều khó khăn, hạn chế”, ông Phong cho biết.
Tổng thanh tra Chính phủ cũng cho hay, để việc thành lập các cơ quan thanh tra này bảo đảm nguyên tắc không “dàn đều”, không phải tất cả các Tổng cục, Cục thuộc Bộ đều thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành, dự thảo luật quy định "Thanh tra Tổng cục, Cục được thành lập theo yêu cầu quản lý, trong những lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành có quy định hoặc theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên".
Theo ông Phong, việc thành lập cơ quan thanh tra ở một số tổng cục, cục thuộc bộ về cơ bản không làm phát sinh về tổ chức, biên chế, không làm phát sinh chi phí, nguồn lực khi triển khai thực hiện quy định này. Đồng thời, thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ cũng không gây nguy cơ chồng chéo giữa thanh tra bộ và thanh tra tổng cục.
Thảo luận