Bắc Kinh đang tăng cường loại bỏ đồng USD bằng cách giảm nắm giữ nợ chính phủ Hoa Kỳ và có thể bán tháo tất cả các trái phiếu Mỹ, điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Hoa Kỳ và đồng USD - đồng tiền dự trữ chủ đạo trên thế giới.
Bảo vệ tài sản trước lệnh đóng băng
Một cuộc họp khẩn cấp đã được tổ chức tại Bắc Kinh. Theo Financial Times, sự kiện có sự tham dự của đại diện Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính, cũng như thống đốc của hàng chục ngân hàng trong nước và quốc tế, bao gồm cả HSBC. Bắc Kinh lo ngại rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự trong khu vực hoặc một tình huống khủng hoảng khác, Hoa Kỳ sẽ áp đặt lên Trung Quốc các lệnh cấm vận tương tự với Nga.
Tờ Financial Times trích dẫn các nguồn tin cho biết rằng, một trong những lý do của các lệnh trừng phạt có thể là chiến dịch quân sự ở Đài Loan.
"Nếu Bắc Kinh xâm chiếm hòn đảo, sự chia rẽ sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với trường hợp của Nga, bởi vì nền kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng đến toàn thế giới", - tờ FT lưu ý.
Lập kế hoạch chiến lược
Theo tờ Financial Times, Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã thảo luận với các chủ ngân hàng về cách bảo vệ tài sản ở nước ngoài, trước hết là dự trữ ngoại hối trị giá 3,2 nghìn tỷ USD, trong trường hợp Mỹ và các nước phương Tây áp đặt lên Bắc Kinh các lệnh trừng phạt mà Nga đang chịu đựng.
Tuy nhiên, nguồn tin cho biết, không ai trong số những người có mặt có thể đưa ra câu trả lời rõ ràng. Hệ thống ngân hàng của CHND Trung Hoa chưa sẵn sàng đối phó với các lệnh đóng băng tài sản hoặc ngắt kết nối với SWIFT.
Năm 2015, Trung Quốc đã ra mắt hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) của riêng mình. Nhưng, đến nay chỉ có rất ít giao dịch: trong tháng 3 chỉ có 14,1 nghìn giao dịch được thực hiện thông qua nền tảng này (SWIFT - hơn 40 triệu giao dịch mỗi ngày). Vấn đề là ở chỗ: CIPS bị chi phối bởi đồng nhân dân tệ, vốn kém hấp dẫn hơn so với đồng đô la, euro hoặc yên Nhật.
Các chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Trung ương có thể yêu cầu các nhà xuất khẩu chuyển thu nhập ngoại hối sang nhân dân tệ.
Các khuyến nghị chính của các chuyên gia Trung Quốc là: đa dạng hoá dự trữ ngoại hối vì lo ngại về triển vọng của USD, đẩy nhanh quá trình củng cố vị thế của đồng nhân dân tệ trong kho dự trữ toàn cầu, tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trong thanh toán xuyên biên giới, cố gắng chấm dứt quyền bá chủ tài chính của đồng đô la. Ví dụ, một thỏa thuận với Saudi Arabia sẽ làm tăng tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong dự trữ thế giới nếu Riyadh cho phép Bắc Kinh thanh toán dầu bằng đồng tiền quốc gia.
Trung Quốc là quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới (để so sánh, Mỹ chỉ có 142 tỷ USD). Cơ cấu quỹ dự trữ ngoại hối đã được tiết lộ một phần vào năm 2019: hơn năm mươi loại tài sản, khoảng sáu nghìn vị trí, bao gồm ba chục loại ngoại tệ.
Đồng thời, trong hơn 20 năm qua, tỷ trọng của đồng đô la trong dự trữ quốc gia đã giảm một phần tư - xuống còn 56%, và dự trữ vàng đã tăng gấp ba lần lên gần hai nghìn tấn. Trung Quốc đang nắm giữ hơn một nghìn tỷ trái phiếu kho bạc Mỹ, nhưng đang dần bán tháo chúng.
Bán tháo nợ công Mỹ
Bắc Kinh đã bắt đầu giảm đầu tư vào nợ công của Mỹ ngay cả trước khi xảy ra xung đột quân sự ở Ukraina. Việc phong tỏa dự trữ ngoại hối của Nga chỉ đẩy nhanh quá trình này.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, trong tháng Ba, Bắc Kinh đã bán tháo chứng khoán Mỹ trị giá 15,2 tỷ USD. Vào tháng Tư, theo dữ liệu sơ bộ, gấp mười lần.
Các nhà quan sát chắc chắc rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục rút tiền khỏi trái phiếu Mỹ, chủ yếu vì Bắc Kinh lo ngại bị áp đặt lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ cùng với lạm phát tràn lan cũng không tạo thêm sự lạc quan cho thị trường chứng khoán Mỹ.
"Rõ ràng, Mỹ sẽ sử dụng chiến thuật tương tự như với Nga. Hơn nữa, đối với họ bất cứ điều gì có thể được coi là lý do để áp đặt lệnh đóng băng: từ việc các công ty Trung Quốc tiếp cận thị trường Nga đến việc Trung Quốc cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho Matxcơva", - nhà phân tích tài chính, nhà giao dịch chứng khoán Artem Zvezdin lưu ý.
Cú đấm kép
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng, Washington sẽ không động đến nguồn dự trữ của Trung Quốc. Bởi vì động thái này sẽ gây ra thiệt hại to lớn cho chuỗi sản xuất và thương mại quốc tế: Trung Quốc có tài sản khổng lồ bằng đô la và có quan hệ thương mại chặt chẽ với Hoa Kỳ. Tờ FT lưu ý, các biện pháp trừng phạt quy mô lớn giống như “đảm bảo phá hủy lẫn nhau” trong chiến tranh hạt nhân.
"Điều này sẽ gây ra sự thiếu hụt trầm trọng trên các thị trường hàng hóa. Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Mỹ đạt mức cao kỷ lục 860 tỷ USD, thâm hụt thương mại hàng hóa tăng vọt lên 1,1 nghìn tỷ USD. Đối với Trung Quốc, cuộc xung đột sẽ dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của mô hình định hướng xuất khẩu được xây dựng trong mấy thập kỷ qua. Xét cho cùng, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc", - nhà kinh tế học Peter Zabortsev nhận xét.
Theo ông, bất chấp đối đầu công khai, cả Washington và Bắc Kinh đều chưa sẵn sàng làm leo thang căng thẳng.
Theo tờ The Guardian của Anh, các nhà chức trách Trung Quốc đã ra lệnh tiến hành một cuộc “kiểm tra toàn diện” để xem nước này sẽ xử lý như thế nào trước các biện pháp trừng phạt giống như những gì phương Tây áp đặt lên Nga.
Tuy nhiên, Trung Quốc, chủ nợ nước ngoài lớn thứ nhì của Mỹ, có một công cụ ảnh hưởng mạnh mẽ. Sau khi bán tháo một phần đáng kể nợ công của Mỹ, Trung Quốc sẽ hạ giá đồng đô la và giáng đòn mạnh vào thị trường chứng khoán.