Chính trị Việt Nam: Chặn những “chuyến tàu vét”

Tin tức về chính trị Việt Nam, tổ chức bộ máy Nhà nước, đảm bảo chất lượng cán bộ, chặn những “chuyến tàu vét”, “nâng đỡ không trong sáng”, “thăng tiến thần tốc”, “chạy luân chuyển” luôn được dư luận nhân dân trong và ngoài nước quan tâm.
Sputnik
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, Bộ Chính trị sẽ không luân chuyển cán bộ ồ ạt. Người được luân chuyển cũng đừng nghĩ đi về là sẽ được thăng chức, giữ vị trí cao hơn.
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc đánh giá, Quy định 65 của Bộ Chính trị sẽ ngăn chặn tư tưởng “chạy quy hoạch”, “chạy luân chuyển”, “chạy chức chạy quyền” hay luân chuyển “tráng men” để làm đẹp hồ sơ, thăng quan tiến chức nhanh chóng.

Công khai và dân chủ

Ngày 28/5, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị "Về luân chuyển cán bộ".
Quy định số 65-QĐ/TW thay thế Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 07/10/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ.
Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố của cả nước.
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và ông Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính đã giới thiệu một số nội dung chủ yếu của Quy định 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ.
Trong đó nhấn mạnh mục đích, yêu cầu của luân chuyển cán bộ là nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng về công tác cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường để rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện. Đặc biệt, Bộ Chính trị nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.
Ngoài ra, đối với Quy định số 65 này, Bộ Chính trị kỳ vọng tiếp tục đổi mới công tác luân chuyển cán bộ.

“Bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, không để xảy ra tiêu cực trong công tác cán bộ”, - Bộ Chính trị nêu rõ.

Đặc biệt, Quy định số 65 sẽ kết hợp luân chuyển với tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín.
Điều này sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Đừng nghĩ cứ đi về sẽ được thăng chức

Thông qua thảo luận, ý kiến của các đại biểu đều thể hiện sự tán thành cao với các nội dung trong Quy định số 65-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
Các ý kiến đồng thuận cho rằng, các nội dung của quy định rất cụ thể, chi tiết là cơ sở để các địa phương thuận lợi trong triển khai thực hiện.
Sau hội nghị này, các bộ, ban, ngành, địa phương sẽ khẩn trương triển khai thực hiện Quy định 65-QĐ/TW của Bộ Chính trị góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng về công tác cán bộ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ, chủ trương của Đảng về công tác luân chuyển cán bộ đã có từ rất lâu, cụ thể năm 1997 trong Hội nghị lần thứ 3 khóa VIII “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh” đã có một nội dung nói về luân chuyển cán bộ.
Theo bà Trương Thị Mai, Hội nghị này đã đề cập đến nội dung tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn, khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ.
Nội dung về công tác luân chuyển cán bộ tiếp tục được Đảng bổ sung tại Nghị quyết 11 ngày 25/11/2002 của Bộ Chính trị “Về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý”, Kết luận số 24-KL/TW ngày 5/6/2012 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.
Nêu rõ việc thực hiện luân chuyển cán bộ theo Quy định 65 phải đồng bộ với văn bản có liên quan đến công tác cán bộ đã ban hành trước đó, bà Trương Thị Mai đề nghị các tổ chức đảng tiếp tục quan tâm, nghiên cứu sâu để thực hiện đầy đủ; những vấn đề chưa hiểu rõ cần gửi văn bản về Ban Tổ chức Trung ương.
Theo bà Mai, các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm thực hiện nghiêm là “chưa đủ, quan trọng là phải nâng cao chất lượng công tác luân chuyển”.
Đặc biệt, phải thường xuyên giám sát cán bộ luân chuyển, theo dõi, giúp đỡ để cán bộ luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ.

“Dứt khoát phải nâng cao nhận thức của cán bộ luân chuyển. Cán bộ luân chuyển không nên nghĩ cứ đi luân chuyển về là sẽ giữ vị trí cao hơn”, - đồng chí Trương Thị Mai khẳng định.

Những thay đổi mới nhất trong quy trình luân chuyển cán bộ ban hành bởi Bộ Chính trị

Không luân chuyển cán bộ ồ ạt

Bà Trương Thị Mai nêu rõ, quan điểm của Bộ Chính trị ở thời điểm hiện tại là “không tăng thêm cán bộ luân chuyển”.

“Sắp tới sẽ không đưa cán bộ đi luân chuyển một cách ồ ạt. Yêu cầu đi thực, làm thực”, - bà Mai nhấn mạnh.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng yêu cầu thời gian tới, Ban Tổ chức Trung ương phải chủ động, năng động hơn trong đánh giá cán bộ đưa đi luân chuyển.
Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các quy định của Đảng về công tác cán bộ.

“Với một số cơ quan ngành dọc, như thuế, hải quan..., Ban Tổ chức Trung ương sẽ phối hợp để hướng dẫn một cách cụ thể”, - bà Mai nói.

Bà Trương Thị Mai cũng đề nghị bên cạnh thực hiện nghiêm túc Quy đinh số 65, các cấp ủy, tổ chức đảng phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản được ban hành trong năm 2022, như: Kết luận 27-KL/TW ngày 21/2/2022 của Ban Bí thư “Về xử lý sai phạm trong công tác cán bộ theo Kết luận số 48-KL/TW ngày 26/4/2019 và Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020".
Ngoài ra cũng cần thực hiện nghiêm túc Kết luận 32-KL/TW ngày 30/3/2022 của Ban Bí thư "Về tiêu chuẩn, điều kiện đối với lãnh đạo hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ", Kết luận 33-KL/TW ngày 1/4/2022 của Ban Bí thư "Về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ giữ chức vụ hàm"; Kết luận số 35-KL/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị "Về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở".
Tại Hội nghị, nội dung một số quy định cụ thể của Quy định số 65 cũng như những ý kiến trao đổi, nêu lên tại hội nghị đã được đồng chí Trương Thị Mai giải đáp kỹ càng, thấu đáo.

Quy trình luân chuyển cán bộ 5 bước

Tại Việt Nam, quy trình luân chuyển cán bộ gồm 5 bước; thời gian ít nhất là 36 tháng; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bước 1: Căn cứ vào nhu cầu luân chuyển cán bộ, cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch luân chuyển trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương.
Bước 2: Căn cứ chủ trương của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trao đổi với các địa phương, cơ quan, đơn vị để đề xuất nhân sự luân chuyển.
Bước 3: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ tổng hợp đề xuất của các địa phương, cơ quan, đơn vị và tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự luân chuyển; lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển.
Bước 4: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với cơ quan nơi đi, cơ quan nơi đến về dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự luân chuyển; tổng hợp kết quả thẩm định và trao đổi với cán bộ dự kiến luân chuyển. Tổ chức gặp gỡ cán bộ được luân chuyển để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển; đồng thời, nắm tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ luân chuyển.
Bước 5: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện (công bố quyết định, chỉ đạo bầu cử và các công việc cần thiết khác).
Sao lúc này Bộ Chính trị lại bàn về bảo vệ an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ?

Chống nạn “chạy chức chạy quyền” ở Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh bàn về ý nghĩa Quy định 65 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ đánh giá, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và cần được thực hiện tốt, bài bản hơn nữa.
Theo ông Phúc, Công tác luân chuyển là một khâu trong công tác cán bộ mà sinh thời Bác Hồ cũng rất chú ý. Các bậc lãnh tụ như Lenin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến việc luân chuyển cán bộ chính là rèn luyện, nâng cao trình độ cho cán bộ, tạo điều kiện để có nhiều cán bộ tốt hơn, giỏi hơn, được rèn luyện thử thách.
Ông Phúc nhấn mạnh, qua luân chuyển, có thể thấy đội ngũ cán bộ được luân chuyển đã tiếp cận được thực tiễn nhiều hơn, cũng là dịp để cán bộ thể hiện được năng lực lãnh đạo quản lý, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ mới ở một môi trường mới. Trong cuộc trao đổi với Tổ quốc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, luân chuyển cũng là dịp để cán bộ vận dụng năng lực, trình độ lý luận vào hoạt động thực tiễn.

“Khi đi luân chuyển thường sẽ phải đảm nhiệm chức vụ thực tiễn rất phong phú ở địa phương hoặc ở lĩnh vực khác, qua đó rèn luyện phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân”, - ông Phúc bày tỏ.

Thực tế thời gian qua đã xuất hiện những lo ngại về tình trạng luân chuyển cán bộ - chuyện “những chuyến tàu vét”, “nâng đỡ không trong sáng”, “thăng tiến thần tốc”, “chạy quy hoạch”, luân chuyển để “tráng men” thăng quan tiến chức không phải là việc hiếm.
Chuyên gia cũng thẳng thắn cho rằng, thực tế đã xuất hiện hiện tượng đáng lo ngại và cũng đã được tổng kết để đưa vào văn kiện Đại hội Đảng đó là tình trạng "chạy quy hoạch", "chạy luân chuyển".

“Bên cạnh chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy án… thì còn xuất hiện cả chạy luân chuyển. Điều này xuất phát từ lợi ích cá nhân, cán bộ đi luân chuyển muốn được luân chuyển đến chỗ tốt hơn, đến lĩnh vực thuận lợi hơn, tránh chỗ khó khăn. Bên cạnh đó là tình trạng chạy luân chuyển để làm đẹp hồ sơ, để thăng quan tiến chức. Luân chuyển để tráng men”, - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nêu rõ.

Ngoài ra, theo ông Phúc, còn có những cán bộ đi luân chuyển nhưng chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình, coi luân chuyển như một thời gian đi thực tế, không thực sự toàn tâm toàn ý với trách nhiệm, nghĩ rằng đi thực tế rồi về để giữ vị trí cao hơn.
Chuyên gia đánh giá đây là những hạn chế, tiêu cực xuất phát từ việc lợi dụng chủ trương về luân chuyển cán bộ.
PGS.TS Phúc bày tỏ quan điểm, Tổ chức Đảng, chính quyền, không nên coi việc đưa cán bộ đi luân chuyển là giải pháp tình thế mà phải là chiến lược trong rèn luyện cán bộ vì nó là một khâu trong công tác cán bộ. Về phần cán bộ được luân chuyển phải tự ý thức trách nhiệm của mình, dù có xác định thời gian bao lâu cũng phải toàn tâm toàn ý, không nên nghĩ đi thực tế rồi trở về để lên cao hơn, không đúng ý nghĩa mục tiêu của luân chuyển.
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng lưu ý, Quy định 65 sẽ làm cho công tác luân chuyển cán bộ tốt hơn, chặt chẽ và mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Ngăn chặn tư tưởng "chạy quy hoạch", "chạy luân chuyển" hay luân chuyển để làm đẹp hồ sơ, thăng quan tiến chức.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật hàng loạt nguyên lãnh đạo Bình Thuận

“Với sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi tin sắp tới công tác luân chuyển sẽ tạo ra chuyển biến tốt hơn và mang lại hiệu quả thiết thực hơn cho công tác cán bộ”, - ông Phúc nhấn mạnh.

Thảo luận