EAEU chú trọng hợp tác kinh tế-thương mại nội khối

Trong điều kiện các lệnh trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có của phương Tây đối với Moskva, EAEU thúc đẩy tiến trình hội nhập và hợp tác kinh tế -thương mại nội khối.
Sputnik
Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) do các nhà lãnh đạo Liên bang Nga, cộng hòa Belarus và công hòa Kazakhstan thành lập năm 2014. Tháng 1/2015 Hiệp ước có hiệu lực. Trong năm 2015 EAEU có thêm hai thành viên là Armenia và Kirgizia. Ưu tiên hàng đầu của EAEU một chính sách thống nhất trong lĩnh vực thương mại, kinh tế, tài chính và thuế. Mục đích là đạt hiệu quả hội nhập kinh tế tối đa.
Trong tình hình hiện nay, khi Nga phải hứng chịu hàng loạt gói cấm vận từ phương Tây và Mỹ, khi diễn biến chiến sự ở Ukraina còn rất căng thẳng và chưa thể thấy hồi kết, những khó khăn gì EAEU đang phải vượt qua và EAEU cần phải làm gì để đạt được hiệu quả trong hợp tác kinh tế và đảm bảo được an ninh và chủ quyền?
Nhập khẩu vào Nga giảm xuống mức năm 2020

Những khó khăn và trở ngại

Liên minh Kinh tế Á-Âu là một tổ chức hội nhập "trẻ" hoạt động trên cơ sở Hiệp ước "Về Liên minh Kinh tế Á-Âu” có hiệu lực từ 1/2015. Vào thời điểm Hiệp ước EAEU có hiệu lực, tổng GDP của các nước tham gia lên tới 85% GDP của tất cả các nước Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG), tiềm năng công nghiệp ước tính vào khoảng 600 tỷ đô la, tổng GDP của EAEU bằng 4,5% GDP thế giới. Có nghĩa là tiềm năng kinh tế của EAEU là một nền tảng mạnh mẽ cho sự hợp tác cùng có lợi hơn nữa. Có thể thấy EAEU đã bắt đầu các hoạt động của mình tại thời điểm cao trào của việc áp dụng "các biện pháp trừng phạt chống Nga".
“Không chỉ bây giờ mà ngay trong năm đầu tiên hoạt động của mình, EAEU đã phải vượt qua bao nhiêu khó khăn rồi, khi điều kiện quốc tế rất bất lợi. Và Liên bang Nga - động lực chính, sức mạnh chính của hội nhập Liên minh Kinh tế Á-Âu đã phải nỗ lực rất nhiều để đảm bảo sự hoạt động ổn định của Liên minh”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang nói với Sputnik.
Hội nhập trong khuôn khổ EAEU phải mang lại lợi ích chung cho tất cả các bên tham gia, cụ thể là: Đảm bảo GDP tăng ổn định; dỡ bỏ các hạn chế lẫn nhau trong thương mại, giá cả một số mặt hàng giảm; năng suất lao động tăng, mức tiền lương tăng; tăng nhu cầu hàng hóa và do đó, tăng khối lượng thị trường hàng hóa; gia tăng mức độ phúc lợi của người dân. Những triển vọng này được xây dựng dựa trên cơ sở nền kinh tế và thương mại thế giới phát triển ổn định. Tuy nhiên, thực tế đã điều chỉnh những triển vọng đó. Việc các nước châu Âu và Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt buộc Nga phải thực hiện các biện pháp đáp trả.
Nghi lễ chụp ảnh chung của các Trưởng phái đoàn Hội đồng liên Chính phủ Á-Âu các nước EAEU trước phiên họp theo hình thức mở rộng (25/02/2022). Nur-Sultan

“Trong tình huống như vậy, đương nhiên, các đối tác của Nga trong EAEU sẽ phải tham gia các biện pháp trừng phạt trả đũa. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây cho phép Kazakhstan và Belarus nhận được lợi ích đáng kể bằng cách tái xuất hàng hóa bị cấm sang Nga. Các công ty phương Tây nghi ngờ về triển vọng đầu tư vào nền kinh tế Nga đã có thể đầu tư vào Kazakhstan hoặc Belarus, tạo ra các cơ sở sản xuất trên những lãnh thổ này, và sau đó thâm nhập thị trường Nga mà không bị áp dụng thuế và hạn chế. Vì thế, các lệnh trừng phạt làm suy yếu mục tiêu chính của Liên minh Kinh tế Á-Âu - việc tạo ra một thị trường duy nhất. Đó là cho tới thời điểm trước Chiến dịch Quân sự Đặc biệt của Nga tại Ukraina, còn hiện nay tình hình còn phức tạp hơn”, - TS kinh tế Lê Hòa chia sẻ quan điểm của mình với Sputnik.

Cũng theo TS kinh tế Lê Hòa, các lợi ích chính trị luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ của EAEU với thế giới bên ngoài. Nhưng sau 24/2/2022 tình hình trở nên trầm trọng hơn do việc phương Tây và Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt hà khắc đối với Moskva. Việc tìm kiếm các đối tác nước ngoài đã trở thành một nhiệm vụ đặc biệt khó khăn và mang tính định hướng chính trị đối với EAEU.

"Chiến dịch Quân sự Đặc biệt”của Nga ở Ukraina và các lệnh trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có của phương Tây đối với Moskva làm tương tác kinh tế của EAEU với các nước thứ ba càng suy yếu hơn. Lần này, chúng ta thấy rõ, không chỉ Nga, mà cả Belarus cũng trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt. Một điểm nữa, cuộc chiến kinh tế giữa Nga và các quốc gia không thân thiện trong nhiều năm tới có thể chấm dứt mọi nỗ lực của EAEU nhằm thiết lập đối thoại với phương Tây. Nhưng, điều đó không có nghĩa là EAEU sẽ bế tắc. Liên minh Kinh tế này sẽ tăng cường hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác", - TS kinh tế Lê Hòa nhấn mạnh với Sputnik.

CSTO sẽ mở rộng?
“Ai cũng có thể thấy rằng, nền kinh tế Nga đang phải đối đầu với một quy mô các biện pháp trừng phạt lớn hơn nhiều so với những năm 2014 -2015. Trong tình trạng hiện nay, các đối tác nước ngoài của EAEU thực sự có nguy cơ bị Mỹ và EU trừng phạt. Vì vậy, thúc đẩy tiến trình hội nhập và hợp tác kinh tế -thương mại nội khối là một hướng cần chú trọng hàng đầu”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang phát biểu với Sputnik.

Thúc đẩy hợp tác thương mại nội khối

Hôm 26/5/2022, tại Diễn đàn Kinh tế Á-Âu diễn ra tại Bishkek, Tổng thống Nga đã có bài phát biểu. Những điểm chính có thể tóm tắt như sau: Nga đang trở nên mạnh hơn bằng cách nào đó do các lệnh trừng phạt; Không có "sen đầm thế giới" nào có thể ngăn cản các quốc gia trên thế giới muốn theo đuổi chính sách độc lập; Nga vẫn là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới; Việc một số công ty nước ngoài rời khỏi Liên bang Nga có thể tốt hơn, phân khúc thị trường của họ sẽ bị các đối tác khác chiếm lĩnh; Tỷ lệ thanh toán bằng tiền tệ quốc gia trong EAEU đã đạt 75% và tỷ lệ này sẽ tăng; "Một Á-Âu lớn" sẽ trở thành một trung tâm được nhiều người quan tâm; Nga đã làm mọi thứ cần thiết để thay thế nhập khẩu ở những lĩnh vực then chốt nhằm đảm bảo chủ quyền của mình.
Chuyên gia nêu tên sản phẩm trong trường hợp bị áp lệnh cấm vận còn đáng sợ hơn cả "phong tỏa dầu"
“Con số tỷ lệ thanh toán bằng tiền tệ quốc gia trong EAEU đã đạt 75% và tỷ lệ này sẽ tăng là một điểm sáng. Đây là điểm rất quan trọng”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang bình luận với Sputnik.
Trước đó, để tăng cường phát triển kinh tế-thương mại nội khối, Hội đồng Kinh tế Á-Âu ngày 17 tháng 3 năm 2022 đã đưa ra Nghị định số 12 “Về việc thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường sự ổn định của nền kinh tế các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu, trong đó có việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô”. Theo Nghị định này, các biện pháp được thực hiện trong khuôn khổ Liên minh Kinh tế Á-Âu nhằm tăng khả năng phục hồi của nền kinh tế của khối này trước các lệnh trừng phạt của phương Tây và Mỹ là:
Đặc quyền đối với việc nhập khẩu các mặt hàng quan trọng
Hỗ trợ cho các doanh nghiệp hệ thống và xương sống của các thành phố
Cắt giảm thời gian thông quan và đơn giản hóa việc thông quan
Đơn giản hóa việc xác nhận nước xuất xứ của hàng hóa
Tạm ngừng thực hiện một số biện pháp để bảo vệ thị trường nội bộ
Mở rộng cơ hội tham gia vào mua sắm công của các quốc gia EAEU
Tối ưu hóa trong lĩnh vực quy định kỹ thuật và các yêu cầu bắt buộc đối với sản phẩm
Đơn giản hóa các quy tắc đăng ký thuốc và thiết bị y tế
Tạo điều kiện cho việc di chuyển tự do của công dân trong khuôn khổ EAEU
Tăng ngưỡng nhập khẩu miễn thuế đối với các cá nhân
Theo chuyên gia tài chính Lý hoài Linh, Nga là hạt nhân chủ chốt của EAEU. Việc đầu tiên cần làm là chấm dứt chiến tranh với Ukraina, bởi vì trong tình trạng chiến tranh thì rất khó làm kinh tế.
“Để EAEU thực sự phát huy hiệu quả cần thiết tạo thị trường chung và gỡ bỏ rào cản thuế; Tăng cường và thúc đẩy thương mại, tạo chuỗi cung ứng và phân công sản xuất; Kết nối vận tải đường bộ, đường không, hàng hải, cảng biển…; Miễn giảm phiền toái và thủ tục di trú, nguồn nhân lực; Khuyến khích đầu tư và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần; Xây dựng đồng tiền thanh toán chung, hệ thống thanh toán chung. Các biện pháp mà Hội đồng Kinh tế Á-Âu đưa ra hôm 17/3/2022 là cần thiết, nhưng tôi muốn nhấn mạnh việc cần thiết nên có đồng tiền thanh toán chung, hệ thống thanh toán chung”, - Chuyên gia tài chính Lý hoài Linh nói với Sputnik.
BNG Nga tuyên bố cần thiết tăng cường hợp tác giữa EAEU và ASEAN
“Tổng kim ngạch trao đổi thương mại lẫn nhau của các nước EAEU trong năm 2021 đạt mức tối đa trong lịch sử của Liên minh, đạt 72,6 tỷ đô la Mỹ. Con số này cao hơn 31,9% so với năm 2020 và 17,8% so với năm 2019. Sự tăng trưởng khối lượng của hàng hóa xuất khẩu trong thương mại lẫn nhau đã được ghi nhận ở tất cả các nước thuộc Liên minh. Nhưng so với con số tổng kim ngạch ngoại thương của EAEU 844,2 tỷ đô la Mỹ vào năm 2021 (tăng 35,1% so với năm 2020) thì 72,6 tỷ đô la Mỹ trao đổi thương mại nội khối vẫn còn rất khiêm tốn. Trong tình hình hiện nay, việc Hội đồng Kinh tế Á-Âu đưa ra những biện pháp nói trên để thúc đẩy thương mại nội khối tôi đánh giá là rất cần thiết và hợp lý”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang nhấn mạnh với Sputnik.
Tổng kim ngạch nội khối của Liên minh Kinh tế Á-Âu vào tháng 1 năm 2022 lên tới 5 tỷ đô la Mỹ. Con số này cao hơn 17,3% so với tháng 1 năm 2021. Sự tăng trưởng khối lượng xuất khẩu nội khối đã được ghi nhận ở tất cả các nước thuộc Liên minh. Mức tăng lớn nhất là ở Kyrgyzstan (80%) và Armenia (39,3%).
Hoạt động buôn bán thực phẩm và nguyên liệu nông nghiệp tiếp tục sôi động. Khối lượng giao hàng đến thị trường Liên minh trong tháng 1 năm 2022 so với tháng 1 năm 2021 tăng 27,8%. Giao hàng từ Nga tăng 50,5%, Armenia - 32,8%, Belarus - tăng 18%.
Theo bài phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế Á-Âu ngày 26/5/2022, trong khuôn khổ Liên minh Kinh tế Á - Âu, một lộ trình công nghiệp hóa đã được hình thành. Hiện nay có hơn 180 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ USD. Một chương trình phát triển ngành nông nghiệp đã được chuẩn bị, bao gồm hơn 170 dự án trị giá 16 tỷ USD.
Cuộc họp kín của Hội đồng liên chính phủ Á-Âu của các nước EAEU (18/11/2021). Yerevan

“Các quốc gia trong nhóm “Năm” đã xây dựng nền tảng cho việc hình thành không gian số chung, bao gồm hệ thống thống nhất về truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Nhiều giải pháp nền tảng khác nhau đang được phát triển mạnh, ví dụ như hệ thống tìm kiếm "Làm việc không biên giới". Nó rất quan trọng đối với tất cả các quốc gia của chúng ta, rất quan trọng. Bất chấp tất cả các hiện tượng khủng hoảng liên quan đến tình hình chính trị hiện tại, khối lượng tiền của dân lao động các nước thuộc EAEU từ Nga chuyển về nước họ thực tế không giảm, và ở một số quốc gia, con số này thậm chí còn tăng lên, như các đồng nghiệp của tôi từ các nước thuộc Cộng đồng chung của chúng ta đã nói với tôi”, - Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Á-Âu.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, việc tập trung thúc đẩy thương mại và hợp tác kinh tế nội khối cho dù quan trọng hàng đầu, nhưng Liên minh không nên “tự khép mình lại”, như theo lời Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko.
Về tăng cường hợp tác kinh tế-thương mại ngoại khối của EAEU Sputnik xin đề cập tới trong các bài viết tiếp theo.
Thảo luận