Năm 1931, tại Viện Phương Đông Leningrad, học viên nghe giảng về lịch sử Đông Dương và học tiếng An Nam. Dành cho mục đích đó, ông George Minin thành viên của Quốc tế Cộng sản từ Matxcơva được cử tới Leningrad. Minin chính là ông Nguyễn Khánh Toàn, sau này nhiều năm là Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Cuốn sách giáo khoa thứ nhất về tiếng An Nam do Nguyễn Khánh Toàn soạn năm 1933. Giảng viên Liên Xô đầu tiên dạy tiếng An Nam từ năm 1931 là giáo sư Yulian Shchutsky, chuyên gia đa ngôn ngữ uyên bác (ông biết 18 thứ tiếng). Qua 3 năm dạy tiếng, đến năm 1934, giáo sư Shchutsky soạn «Sách giáo khoa tiếng An Nam», và năm 1936 cho xuất bản cuốn “Cơ cấu ngôn ngữ An Nam”. Những cuốn giáo khoa này dù còn sơ sài nhưng đã là nền tảng rất quý báu cho việc đào tạo thế hệ chuyên gia Việt Nam học đầu tiên của Liên Xô. Nhưng đến năm 1938, ông Shutsky bị thanh trừng, Viện Phương Đông Leningrad phải đóng cửa, và sự nghiệp dạy tiếng Việt ở Liên Xô đã có gián đoạn lớn.
Giáo sư Yulian Shchutsky
© Ảnh : Public domain
Việc nghiên cứu tiếng Việt được nối lại ở Liên Xô từ sau năm 1950 khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, cần có các chuyên gia với kiến thức về ngôn ngữ và văn hoá của nước bạn. Trong giai đoạn này, địa bàn chủ yếu triển khai dạy và học tiếng Việt là thủ đô Matxcơva.
Năm 1951, nhóm sinh viên năm cuối từ khoa tiếng Thổ Nhĩ Kỳ của Viện Phương Đông Matxcơva được đề nghị học chuyển tiếp về Ngữ văn, Lịch sử và Kinh tế học Việt Nam. Các nhà Việt Nam học về Ngữ văn đầu tiên ở Matxcơva là Ivetta Glebova và Vladimir Ivanov đã học tiếng Việt qua giáo trình viết bằng tiếng Pháp và qua Từ điển Pháp-Việt, Việt-Pháp, do đó một khó khăn lớn là không biết cách phát âm các từ tiếng Việt.
Mốc phát triển mới là năm 1951, Radio Matxcơva bắt đầu thực hiện chương trình phát thanh cho Việt Nam, mời hai người Việt đọc trước máy, và giao cho họ một sinh viên Nga tài năng từ khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Matxcova là Pyotr Aleshin để học tiếng Việt. Ông Aleshin cũng là người dạy Glebova và Ivanov về cách phát âm tiếng Việt.
Năm 1951, Liên Xô bắt đầu đào tạo các nhà Việt Nam học tại trường Ngoại giao, một nghiên cứu sinh người Việt được mời dạy tiếng. Sang năm 1952, lập chuyên ban Việt Nam học tại khoa Lịch sử của Đại học Tổng hợp Matxcơva, việc dạy tiếng Việt cũng do hai nghiên cứu sinh người Việt đảm trách.
Năm 1954, Viện Phương Đông Matxcơva hợp nhất với trường Ngoại giao MGIMO, tuyển chọn nhóm nghiên cứu Việt Nam do các giảng viên Glebova và Ivanov hướng dẫn. Không có sách giáo khoa mà từ điển cũng không nốt. Tiếng Việt được dạy theo bài mẫu là phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Andrei Vyshinsky tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và theo Hiến chương Liên Hợp Quốc đã được dịch ra tiếng Việt, cũng như thông qua báo chí Việt Nam. Mặc dù điều kiện đơn sơ thiếu thốn như vậy, sinh viên tốt nghiệp nhóm này đã trở thành những cán bộ ngoại giao, dịch giả, chuyên gia khoa học và nhà báo xuất sắc.
Đã có thay đổi rõ rệt trong việc dạy tiếng Việt với sự hỗ trợ của giảng viên bản ngữ từ Việt Nam sang. Với sự giúp đỡ của ông Vũ Đăng Ất, cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt và Từ điển Việt-Nga đầu tiên được xuất bản, sinh viên Liên Xô học diễn thuyết và giao tiếp bằng tiếng Việt. Sau năm 1975, có thêm các tờ báo từ miền Nam Việt Nam và băng ghi âm của đài phát thanh Giải phóng, tạo điều kiện cho sinh viên Liên Xô làm quen với phương ngữ miền Nam. Với kinh nghiệm hơn 30 năm là giảng viên tiếng Việt, bà Ivetta Glebova đã soạn số lượng lớn tài liệu tham khảo phục vụ cho chuyên ngành. Trong nhiều năm liền, tiếng Việt được dạy trong chương trình tại các khoa Quan hệ Quốc tế và Kinh tế Quốc tế. Thời gian gần đây, môn tiếng Việt chỉ dạy tại Khoa Quan hệ Quốc tế, tuyển sinh 4 năm một lần. Phụ trách các lớp này hiện nay là giảng viên Svetlana Glazunova, một chuyên gia tiếng Việt xuất sắc ở Nga.
Một trung tâm lớn đào tạo ngành Việt Nam học là Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva mang tên M.V. Lomonosov, có Viện Ngôn ngữ Phương Đông thành lập năm 1956 (đến 1972 đổi tên thành Viện các nước Á-Phi). Tiếng Việt được dạy ở đây ngay từ ngày đầu. Năm 1958, sinh viên Evgeny Kobelev, sau này là nhà báo và chuyên gia Việt Nam học nổi tiếng, cùng hai thanh niên Nga từ Đại học Leningrad trong đó có giáo sư tương lai Valery Panfilov, được cử sang Đại học Tổng hợp Hà Nội 2 năm, học ngôn ngữ và văn học Việt Nam cùng với các sinh viên Việt Nam. Sau đó, trong nhiều năm, sinh viên các khoá của Viện Các nước Á-Phi đều có kỳ thực tập 10 tháng bổ ích ở Việt Nam. «Giáo khoa bổ trợ về Tiếng Việt» cho năm I và «Sách tham khảo về phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt» cho năm III của Viện các nước Á-Phi vẫn đắc dụng và được lưu hành trong nhiều trường đại học Nga có dạy tiếng Việt.
Viện các nước Á-Phi của Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva mang tên M.V. Lomonosov
© Sputnik / Marina Yurchenko
Ở thủ đô phương Bắc của nước Nga, năm 1955 là mốc đánh dấu sự hồi sinh của ngành Việt Nam học. Giảng viên Nga đầu tiên dạy tiếng Việt ở Khoa phương Đông của Đại học Tổng hợp Quốc gia Leningrad là ông Nikolai Andreev. Sau đó nhờ đóng góp của chuyên gia Ngữ học Việt Nam nổi tiếng là giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, việc dạy tiếng Việt ở Nga được nâng lên trình độ mới. Các học trò của thầy Tài Cẩn là Giáo sư Valery Panfilov và Phó Giáo sư Ivan Bystrov đã có đóng góp sáng tạo, phát triển trường phái Việt Nam học Leningrad/Petersburg trong hơn nửa thế kỷ. Ông Vladimir Kolotov, viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, cũng là một học sinh của những giáo viên xuất sắc này. Năm 1975 có cuốn ngữ pháp tiếng Việt đầu tiên do Ivan Bystrov, Nina Stankevich và Nguyễn Tài Cẩn biên soạn, năm 1993 xuất bản cuốn «Cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt» của Valery Panfilov. Cho đến nay, những truyền thống do các bậc thầy này tạo dựng vẫn được các học trò của họ tiếp nối. Năm 2017, bộ sách «Tiếng Việt. Khóa học ngữ âm» trình bày phương pháp hiện đại hóa về cách phát âm tiếng Việt mà giáo sư Nguyễn Tài Cẩn nghiên cứu từ giữa những năm 1950. Ở thành phố bên sông Neva, tiếng Việt cũng được giảng dạy tại phân hiệu Saint-Peterburg của Trường Kinh tế Cao cấp.
Từ đầu những năm 80, trong đà phát triển quan hệ hiệu quả giữa vùng Viễn Đông của Liên Xô và Việt Nam, tại trường Đại học Tổng hợp Viễn Đông cũng dạy tiếng Việt. Nhưng lúc đầu, tiếng Việt chỉ là ngôn ngữ phương Đông thứ hai dành cho các sinh viên ngành Trung Quốc học. Từ năm 1987 trở đi, tiếng Việt là ngôn ngữ cơ bản trong chương trình chuyên ngành Việt Nam học. Các sinh viên Nga từ Viễn Đông được gửi sang thực tập tại Đại học Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Cùng với các cơ sở đã liệt kê trên đây, trong danh sách các trường đại học có lịch sử dạy tiếng Việt lâu năm, còn có thể kể đến Đại học Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Nga, nơi có Khoa Ngoại ngữ đào tạo những phiên dịch viên quân sự am hiểu tiếng Việt trong hơn nửa thế kỷ.
Năm 2007, Phó Giáo sư Tiến sĩ Natalia Kraevskaya và bà Irina Samarina – tác giả nhiều công trình nghiên cứu bảo tồn ngôn ngữ của các dân tộc ít người ở Việt Nam, đã mở khoá tiếng Việt tại Đại học Nhân văn Quốc gia Nga. Đến năm 2019, chương trình này được chuyển sang Trường Kinh tế Cao cấp Matxcơva, nơi có hơn 20 sinh viên theo học tiếng Việt. Năm 2017, một trong những cơ sở dạy ngoại ngữ hàng đầu của nước Nga là Đại học Ngôn ngữ Quốc gia Matxcơva mở khoá đầu tiên đào tạo phiên dịch tiếng Việt. Cùng trong năm này, tiếng Việt được đưa vào chương trình của Đại học Tổng hợp Liên bang Kazan.
Sinh viên Nga học tiếng Việt tại buổi tọa đàm
© Sputnik
Xu thế gia tăng số lượng các cơ sở đào tạo tiếng Việt hiện nay cho thấy mối quan tâm ngày càng cao ở Nga dành cho Việt Nam, đất nước đang phát triển nhanh chóng mà Liên bang Nga có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.