Phát biểu trong buổi thảo luận tại hội trường về phát triển kinh tế - xã hội sáng nay, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho biết, vừa qua có một số biểu hiện lệch lạc trong lĩnh vực bất động sản, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua sắm thiết bị y tế… do một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật, không minh bạch thông tin, thao túng thị trường.
“Vấn đề là khi các cá nhân này rơi vào vòng lao lý lại kéo theo rất nhiều cán bộ quản lý chuyên ngành các lĩnh vực đó. Cử tri rất thắc mắc các cá nhân đó bằng cách nào mà vượt qua được các cơ quan quản lý nhà nước một cách dễ dàng như vậy. Trong khi cả xã hội nhìn thấy đó là những giao dịch không bình thường”, đại biểu Tạ Thị Yên nói.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cũng cho rằng, việc phát triển thị trường vốn là nhu cầu tất yếu. Thời gian qua, thị trường này có bước phát triển mạnh, tuy nhiên một số giao dịch và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có nhiều sai phạm; cá biệt có cá nhân, tổ chức thao túng, che giấu thông tin, trục lợi… phần nào ảnh hưởng đến an toàn tín dụng, nền tài chính quốc gia. Đây là vấn đề mới, sức ảnh hưởng rộng nên cần giải quyết triệt để và đại biểu Hạnh kiến nghị các bộ, ngành cần rà soát quy định.
Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội chỉ rõ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro cao, mất cân đối. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến cuối năm 2021 tương đương 15% GDP, tăng trên 17% so với 2020.
Theo đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị, Chính phủ cần đánh giá cụ thể những rủi ro với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, trong đó làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết.
Ngoài ra, Chính phủ cần làm rõ thêm về khả năng trả nợ của các doanh nghiệp. Hiện nay, lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm nay lên tới 145.500 tỉ đồng. Hơn 43% trong số này là đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản; trái phiếu của các tổ chức tín dụng đáo hạn khoảng 20%...