Bộ trưởng Diên nói ‘sự thật’ về PVN và ngành dầu khí Việt Nam
Hai năm liền PVN không ký được hợp đồng nào, chuyện gì đang xảy ra với ngành dầu khí Việt Nam?
SputnikTheo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, 2 năm liền, Việt Nam không ký được hợp đồng dầu khí nào, các mỏ
đang khai thác sắp cạn kiệt, mỏ mới phát hiện có trữ lượng nhỏ.
Các đại biểu Quốc hội băn khoăn về vai trò và cơ chế đặc thù dành cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Việt Nam đang thiếu nguồn dầu khí trầm trọng?
Chiều 3/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Dầu khí (sửa đổi), đặc biệt là vai trò pháp lý của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng như việc lựa chọn nhà thầu ký hợp đồng
khai thác dầu mỏ.
Các báo cáo cho thấy, đến nay, ngành dầu khí Việt Nam đã khai thác được trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ mét khối khí. Trong giai đoạn 2006 - 2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đóng góp trung bình 20 - 25% tổng thu ngân sách nhà nước, chiếm 18 - 25% GDP cả nước. Từ năm 2015 đến nay, PVN đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước (trong đó từ dầu thô là 5 - 6%, 10 - 13% GDP cả nước). Nhìn vào những số liệu này có thể thấy vai trò quan trọng của ngành dầu khí trong nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, ngành dầu khí còn đóng góp quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần đảm
an ninh quốc phòng trên biển và đối ngoại nhất là trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng như hiện nay.
Ý kiến tổng hợp từ nhiều chuyên gia trong ngành cho thấy, trong giai đoạn hiện nay, điều kiện khai thác dầu khí ngày càng khó khăn, nhất là dầu thô; sản lượng khai thác dầu thô trong nước giảm dần qua các năm giai đoạn 2016 - 2020, hệ số bù trữ lượng dầu khí (là tỷ lệ giữa gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác) suy giảm ở mức báo động; trữ lượng các mỏ hiện hữu đã vào giai đoạn giảm sâu; các mỏ mới
được phát hiện có tiềm năng dầu khí hạn chế, trữ lượng nhỏ, nằm tại vùng nước sâu, xa bờ hoặc có cấu trúc địa chất phức tạp; môi trường đầu tư dầu khí ngày càng khó khăn. Đặc biệt nhất là kể từ năm 2019 đến nay không có hợp đồng dầu khí mới được ký kết; giá dầu thế giới tuy đã phục hồi khả quan hơn nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khai thác khí đốt trong nước còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được phát huy tương xứng.
Bên cạnh những khó khăn về điều kiện kỹ thuật, địa chất, tình hình triển khai thực địa, khó khăn trong cơ chế chính sách pháp luật về dầu khí cũng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động thăm dò khai thác. Hoạt động dầu khí là hoạt động có tính đặc thù nhưng không phải tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động dầu khí đã được quy định trong Luật Dầu khí hiện hành. Trong quá trình triển khai các dự án dầu khí, trường hợp Luật Dầu khí chưa có quy định hoặc quy định nhưng chưa bao trùm được một số vấn đề thực tế mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí, các chủ thể liên quan được
yêu cầu thực hiện trên cơ sở tham chiếu các quy định tại các Luật khác. Tuy nhiên, các quy định tham chiếu đó thường không phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí nên rất khó trong quá trình vận dụng hoặc thực hiện.
Mặt khác, quy định của các văn bản pháp luật mới được ban hành trong một số trường hợp chưa phù hợp với quy định của các hợp đồng dầu khí đã được ký kết trước đó hoặc không thống nhất, đặc biệt là các quy định có ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của nhà đầu tư nên rất khó khăn trong việc hướng dẫn nhà thầu thực hiện nghĩa vụ tại thời điểm phát sinh, tiềm ẩn các rủi ro pháp lý.
Trong quá trình triển khai hoạt động dầu khí theo quy định của các Hợp đồng Dầu khí, các nhà thầu Việt Nam là
doanh nghiệp nhà nước (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) hoặc doanh nghiệp 100% vốn của doanh nghiệp nhà nước (Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí PVEP) bên cạnh việc phải tuân theo các quy định của Luật Dầu khí và Hợp đồng dầu khí như các nhà thầu nước ngoài khác, còn phải tuân thủ các quy định của pháp luật khác của Việt Nam như Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp. Do có sự khác biệt này nên quá trình triển khai các dự án dầu khí của PVN và PVEP trong thời gian vừa qua đã gặp một số vướng mắc, đặc biệt liên quan đến các thủ tục đầu tư đối với dự án dầu khí.
Do đó, theo các chuyên gia cũng như lãnh đạo Bộ Công Thương, nếu không sớm sửa đổi, tháo gỡ những nút thắt trong cơ chế, chính sách, rất khó có thể hiện thực hóa giá trị tài nguyên dầu khí thành nguồn lực để
phát triển kinh tế.
Vì sao 2 năm liền Việt Nam không ký được hợp đồng dầu khí nào?
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, đại diện cho cơ quan chủ trì soạn thảo, đã trực tiếp giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận.
Nói về nhu cầu cấp bách phải sửa đổi Luật Dầu khí, ông Diên nhận định, Việt Nam đang đứng trước một thực tế là
số lượng hợp đồng dầu khí ký mới giảm mạnh qua các năm.
“Cụ thể, giai đoạn 2009 - 2014 có khoảng 35 hợp đồng được ký, nhưng từ giai đoạn 2015 - 2019 mỗi năm chỉ ký được 1 hợp đồng và hai năm gần nhất là 2020, 2021 thì không có hợp đồng nào”, - đích thân Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.
Theo người đứng đầu ngành Công Thương, nguyên nhân khách quan là các mỏ dầu khí phát hiện mới
ở Việt Nam thời gian qua phần lớn có trữ lượng nhỏ, trong khi các diện tích mỏ còn lại được đánh giá có tiềm năng ở mức hạn chế, chủ yếu là khí, tập trung ở khu vực thuộc đối tượng của chính sách khuyến khích đầu tư theo quy định của Luật Dầu khí.
Các mỏ đang khai thác đều ở trong giai đoạn cuối đời mỏ, sản lượng khai thác giảm dần, một số mỏ doanh thu không bù đắp được chi phí và các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. Do đó, theo Bộ trưởng Diên, việc bổ sung các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với bối cảnh hiện nay, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực hoạt động dầu khí của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực là hết sức cần thiết.
Luật Dầu khí mới sẽ bỏ cơ chế ưu đãi cho hoạt động điều tra cơ bản?
Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật gồm điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động khai thác thượng nguồn dầu khí, không điều chỉnh hoạt động trung và hạ nguồn.
Nêu lý do, Bộ trưởng phân trần rằng, do hoạt động khai thác thượng nguồn có nhiều đặc thù, cần phải sửa đổi, bổ sung quy định trong dự thảo Luật. Cụ thể, ông Diên phân tích, quá trình điều tra cơ bản cũng giống như “tìm kim ở đáy bể”, bỏ tiền bỏ của ra để tìm kiếm, thăm dò ngoài biển mà chưa biết
có kết quả hay không.
“Nếu không có những quy định đặc thù về hoạt động này thì không ai dám bỏ tiền của ra để làm”, - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Lấy ví dụ ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Bộ trưởng Diên nói rằng mấy năm trước PVN cũng có hoạt động đầu tư ở nước ngoài, bỏ chi phí rất lớn để điều tra cơ bản nhưng cuối cùng “không dễ lấy được các dữ liệu”. Thực tế này cho thấy điều gì? Nó chỉ ra rằng quy định về tính đặc thù của hoạt động thượng nguồn, trong Luật Dầu khí hiện hành “là có” nhưng quy định không đủ rõ, không bảo đảm hệ số an toàn cho
hoạt động thượng nguồn. Bộ trưởng nêu rõ, hiện tại, hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí do Nhà nước thống nhất quản lý, làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí. Điều tra cơ bản về dầu khí được thực hiện theo cơ chế “giao nhiệm vụ” (tương tự cơ chế giao nhiệm vụ đề tài nghiên cứu khoa học) trên cơ sở danh mục đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Trước đây, PVN được hình thành và sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí và tìm kiếm thăm dò. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không cho phép lập Quỹ này”, - ông Diên cho hay.
Do vậy, người đứng đầu ngành Công thương khuyến nghị, việc bố trí kinh phí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí từ
nguồn lực của nhà nước (bao gồm ngân sách, nguồn lợi sau thuế theo dõi tại PVN) và nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân là cần thiết.
Ngoài ra, đối với quy định về hợp đồng dầu khí, Bộ trưởng Công Thương cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và ý kiến góp ý của các bộ, ngành, cơ quan liên quan, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện
dự thảo Luật và sẽ sửa theo hướng cụ thể.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt nội dung cơ bản của hợp đồng dầu khí, giao PVN phê duyệt và chịu trách nhiệm về nội dung chi tiết của hợp đồng dầu khí; Nghiên cứu, bổ sung các quy định về hợp đồng chia sản phẩm dầu khí, hợp đồng tận thu dầu khí.
PVN không thể tự đi giám sát mình
Phát biểu về Luật Dầu khí sửa đổi, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và
Môi trường của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Bà Anh cho hay, PVN vừa tổ chức điều hành, vừa điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí, vừa giám sát hợp đồng dầu khí, cũng như phê duyệt chương trình công tác ngân sách, kiểm toán chi phí.
“Gần như chương trình khép kín, mang tính nội bộ, thế thì vai trò của cơ quan quản lý ở đâu? Bên cạnh đó cần cân nhắc cụm từ giám sát, bởi giám sát chỉ có Quốc hội và nhân dân được phép giám sát. PVN đi giám sát các hoạt động của mình thì cần phải xem lại”, - bà Anh nói.
Liên quan đến quản lý nhà nước về dầu khí, Bộ trưởng Công Thương cho hay, nội dung chương này đã quy định đầy đủ trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong quản lý Nhà nước về hoạt động dầu khí.
Bộ trưởng nhắc lại, trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, cơ quan soạn thảo sẽ rà soát quy định về thẩm quyền của
Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương liên quan đến hợp đồng dầu khí theo hướng phân cấp cho PVN chịu trách nhiệm về nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết hợp đồng.
“PVN được giao thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ và tuân thủ cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm bảo đảm hoạt động khai thác dầu khí chặt chẽ, khả thi”, - Bộ trưởng khẳng định.
Đồng thời, sẽ rà soát quy định đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn nhà nước tại PVN, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Uỷ ban này quản lý.
Tán thành với việc sửa đổi Luật Dầu khí, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý một số vấn đề lớn đối với quá trình sửa đổi Luật Dầu khí. Đơn cử, trường hợp dự án dầu khí là dự án quan trọng quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư công. Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo, làm rõ nội dung này và chỉnh sửa theo hướng những nội dung liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí, không phân biệt
dự án theo tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư công, bảo đảm thống nhất, phù hợp với thực tế và tính đặc thù của điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; đồng thời, bổ sung quy định rõ ràng, cụ thể tại Điều 4 dự thảo Luật về trường hợp này.
Về ưu đãi trong hoạt động dầu khí, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung thuyết minh cụ thể về mức đóng góp trở lại đối với ngân sách Nhà nước và hiệu quả của các mức ưu đãi để thu hút nhà đầu tư. Bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư; thời hạn xác định nhà thầu, nhà đầu tư quan tâm, thời hạn thực hiện lựa chọn nhà thầu,
nhà đầu tư là điều kiện để áp dụng ưu đãi đặc biệt. Rà soát các tiêu chí xác định đối tượng ưu đãi bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, bổ sung các tiêu chí định lượng.
Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung quy định về ưu đãi có thời hạn và trên cơ sở kết quả thực hiện dự án; bổ sung quy định về không áp dụng đối với các dự án đã được ký kết hợp đồng, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước thời điểm Luật này có hiệu lực.
Tiếp tục nghiên cứu, quy định về các hình thức, cơ chế ưu đãi đầu tư khác ngoài ưu đãi về thuế và mức thu hồi chi phí.
Về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Ủy ban Kinh tế đề nghị thiết kế theo hướng PVN là nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng dầu khí, thực hiện quyền và nghĩa vụ như các nhà thầu khác theo quy định tại Chương VIII dự thảo Luật và các quy định khác của pháp luật có liên quan áp dụng với
doanh nghiệp Nhà nước; PVN thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ, được hưởng quyền hạn và cơ chế xử lý chi phí đặc thù, đồng thời, phải thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định tại Chương IX dự thảo Luật.
Ủy ban đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của PVN đối với nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng dầu khí, xử lý phát sinh trong quá trình triển khai hợp đồng dầu khí khi thực hiện vai trò theo ủy quyền của Chính phủ, bảo đảm minh bạch trong quá trình thực hiện.
“Rà soát các quy định tại dự thảo Luật để tránh trùng lặp, bảo đảm rõ ràng về phạm vi quyền và giới hạn nghĩa vụ, trách nhiệm khi PVN thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ”, - Ủy ban lưu ý.