Sputnik dành bài tổng quan truyền thống “Việt Nam trên báo chí nước ngoài” cho các nội dung này.
Việt Nam lập kỷ lục mới
Việt Nam đã đạt được những thành công rực rỡ trong việc phục hồi sau đại dịch COVID-19. Việt Nam đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi COVID-19 được trang Nikkei Asian Review công bố vào tháng 5. Chỉ số này đánh giá các quốc gia và vùng lãnh thổ về khả năng quản lý dịch bệnh, triển khai vaccine và mức độ tự do trong di chuyển. Xin nhắc lại rằng, vào năm 2021, Nikkei đã xếp Việt Nam cuối bảng về chỉ số phục hồi COVID-19. Outbreak News Today đưa tin về các đợt bùng phát bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng ở Thành phố Hồ Chí Minh và đăng tải các lời khuyên của bác sĩ về phòng ngừa các bệnh này. Manila Times viết về thành công mới của các nhà khoa học Việt Nam. Việt Nam đã phát triển thành công vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF) trong sự hợp tác với Mỹ và đặt mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu thương mại toàn cầu đầu tiên. Kể từ năm 2019, khi dịch bệnh ASF bùng phát ở Việt Nam, Mông Cổ, Campuchia, Hồng Kông và Trung Quốc đại lục, hàng triệu con vật đã bị tiêu hủy, giá thịt lợn tăng chóng mặt, phá vỡ chuỗi thực phẩm toàn cầu, và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Đông Nam Á.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng và các hành vi bất hợp pháp
Bloomberg viết về chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn ở Việt Nam. Trong năm nay, Việt Nam đã khởi tố, điều tra hơn 1.200 vụ án, trong đó tòa án các cấp đã xét xử hơn 730 vụ án với hơn 1.500 bị cáo phạm tội tham nhũng. Theo Channel News Asia, tham nhũng có thể đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ bởi vì công chúng trở nên không khoan dung hơn với nạn hối lộ. Ngoài ra, bằng cách xóa bỏ tham nhũng, Việt Nam có thể thu được nhiều lợi ích nhờ việc củng cố hình ảnh của đất nước như một quốc gia thân thiện với doanh nghiệp. The Star đưa tin về một chiến dịch mới nhằm bắt giữ những kẻ mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy. Điều đang lưu ý là một người phụ nữ 70 tuổi đã lập đường dây buôn ma tuý xuyên biên giới. Kênh RTBF của Pháp cho biết về vụ thu giữ 350 lọ mật gấu, đây là số lượng mật gấu lớn nhất từ trước đến nay. Và đây là người bị khởi tố hình sự đầu tiên về hành vi buôn bán trái phép mật gấu kể từ khi Việt Nam cấm khai thác mật gấu vào năm 2005. Geopolitical Monitor đăng tải bài dài về giới trẻ Việt Nam tình nguyện bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động sinh thái, chẳng hạn như “Vì một Việt Nam xanh”, “Hãy làm sạch biển” và phong trào “Chống rác thải nhựa”.
Các nước Đông Nam Á vượt Trung Quốc
The Star cho biết, vào tháng 5/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ở Việt Nam đã tăng đáng kể nhờ vào sự gia tăng của lượng khách du lịch và đăng cai tổ chức SEA Games 31. Kênh tin tức CGTN của Trung Quốc so sánh ngoại thương của Việt Nam và Trung Quốc và lưu ý rằng, tỷ trọng xuất khẩu chiếm từ 30% đến 40% GDP của Trung Quốc, trong khi ở Việt Nam tỷ trọng xuất khẩu chiếm 200%, điều này cho thấy rằng, Việt Nam phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu.
Tờ The Diplomat viết rằng, Thái Lan và Việt Nam đang xem xét khả năng thành lập một hiệp hội để tăng giá gạo và cải thiện thu nhập của nông dân. Nhưng, theo nhiều chuyên gia, đây là một quyết định đáng ngờ vì người mua có thể chuyển sang các nhà cung cấp khác, chẳng hạn như Ấn Độ.
Asia Nikkei đưa tin về một thỏa thuận giữa gã khổng lồ công nghệ Intel với tập đoàn Vingroup để cùng phát triển hệ thống hỗ trợ lái xe, hệ thống thông tin giải trí trong xe hơi và thiết bị IoT cho các nhà máy sản xuất xe điện và pin. Bloomberg viết về các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam đang trên đà phát triển rất sôi động. Đất nước với khoảng 100 triệu dân đang thu hút dòng vốn đầu tư mạo hiểm bởi vì nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng và người tiêu dùng chuyển sang các dịch vụ trực tuyến và dịch vụ di động. Trong vài năm tới, sự chú ý đến thị trường này sẽ được đền đáp nhờ sự hội tụ của tầng lớp tiêu dùng ngày càng tăng, lực lượng lao động trẻ có trình độ học vấn cũng như sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số. Les Echos của Pháp lưu ý rằng, đây là lần đầu tiên Apple mở rộng các cơ sở sản xuất iPad ra bên ngoài Trung Quốc - tại Việt Nam.
Trong nhiều năm liền các chiến lược gia của tập đoàn Apple đã suy nghĩ về việc đa dạng hóa các cơ sở sản xuất của họ, một phần là do căng thẳng địa chính trị và kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh đang gia tăng. Vào năm 2020, một phần dây chuyền lắp ráp iPad đã được chuyển tới Việt Nam. Nhưng mức độ nghiêm trọng của các hạn chế do Bắc Kinh áp đặt như một phần của chiến lược "zero Covid" đã khiến các nhà điều hành Apple đẩy nhanh việc quảng bá các sản phẩm khác có giá trị gia tăng cao.
Apple đang theo sau Samsung, công ty đã đa dạng hóa các địa điểm sản xuất của mình, đặc biệt là hướng tới Việt Nam. Ấn phẩm lưu ý rằng, chỉ số PMI của Việt Nam tăng lên 54,7 điểm trong tháng 5, trong khi ở Trung Quốc chỉ số này vẫn dưới 50 điểm, xuất khẩu của Việt Nam cũng đang phá kỷ lục, trong khi xuất khẩu của Trung Quốc đang trì trệ. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, toàn bộ 6 nền kinh tế lớn của ASEAN là Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao hơn Trung Quốc. NST viết rằng, chính phủ Việt Nam sẽ xem xét tái khởi động các dự án điện hạt nhân bởi vì đất nước đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Các chuyên gia cho rằng, các kế hoạch hồi sinh năng lượng hạt nhân sẽ giúp đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế đang phát triển của đất nước. Các nhà chức trách cho rằng, nên duy trì vị trí được quy hoạch trước đây để xây nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận vì việc lựa chọn địa điểm là một quá trình lâu dài và tốn kém. Nhưng, ở Việt Nam có cả những người phản đối mạnh mẽ kế hoạch năng lượng hạt nhân, họ cho rằng, Việt Nam không có khả năng kiểm soát an toàn hoạt động của các cơ sở phức tạp như vậy cũng như do tiềm tàng nguy cơ về an ninh hạt nhân.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.