Theo ý kiến ông, với quyết định này, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng như Hoa Kỳ, quốc gia trước đó đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với nguồn cung vàng đen từ Nga, muốn làm suy yếu đất nước và tước đi hàng tỷ đô la từ việc bán nguồn năng lượng.
“Họ hy vọng hành động của họ sẽ buộc các công ty dầu khí của Nga phải đóng các giếng khai thác, vì không có nhiều cơ sở lưu trữ dầu ở nước này có thể tích trữ nhiên liệu trong khi tìm kiếm người mua mới. Tuy nhiên, nỗ lực này rất nguy hiểm và có thể thất bại. Nếu như giá dầu tăng đáng kể, thì doanh thu chung của Nga từ việc bán dầu sẽ chỉ giảm nhẹ", - Krauss cho biết.
Nhà phân tích nhấn mạnh gia tăng giá dầu vốn đã cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến châu Âu và Hoa Kỳ.
“Các công ty châu Âu sẽ phải lùng sục khắp thế giới để tìm kiếm loại dầu mà các nhà máy lọc dầu của họ có thể chế biến dễ dàng như ở Nga. Thậm chí có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt một số loại nhiên liệu, chẳng hạn như dầu diesel, vốn cần cho xe tải và thiết bị nông nghiệp”, - NYT giải thích.
Krauss dự đoán bất chấp lệnh cấm vận dầu mỏ, châu Âu sẽ tiếp tục phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga, một tình trạng có thể "kéo dài trong nhiều năm".
Một ngày trước đó, Liên minh châu Âu đã công bố trên tạp chí chính thức gói trừng phạt thứ sáu chống lại Nga, dần dần áp dụng lệnh cấm vận nhập khẩu vàng đen từ Nga. Lệnh cấm sẽ chỉ ảnh hưởng đến việc giao hàng bằng đường biển, và dầu đi qua đường ống Druzhba không bị hạn chế.
Hậu quả của các lệnh trừng phạt chống lại Nga
Sau khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt của quân đội Nga nhằm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraina, phương Tây đã tăng cường áp lực trừng phạt đối với Moskva. Nhiều quốc gia tuyên bố đóng băng tài sản của Nga và kêu gọi từ bỏ năng lượng Nga. Tất cả những điều này đã trở thành vấn đề đối với Mỹ và châu Âu, khiến giá nhiên liệu và lương thực tăng mạnh.