Biển Đông

Tân Tổng thống Philippines thề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước sự bành trướng của Trung Quốc

Ngày 30 tháng 6 ông Ferdinand Marcos Jr. sẽ nhậm chức Tổng thống Philippines. Nhưng ngay từ bây giờ đã sôi lên cuộc tranh cãi về chuyện ông sẽ thi hành đường lối nào trong quan hệ với Trung Quốc. Chuyên gia phân tích Piotr Tsvetov của Sputnik có bài viết phản ánh tình hình này.
Sputnik

Như Duterte, nhưng cứng rắn hơn

Ở Philippines, nhiều người cho rằng Ferdinand Marcos Jr. sẽ theo đuổi chính sách quan hệ với Trung Quốc giống như người tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Mà chính sách này được đánh dấu bằng điều gì?
Tổng thống Philippines sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte trở nên nổi tiếng với động thái cải thiện quan hệ với Bắc Kinh. Khi ông tại vị, quan hệ này đã đạt đến cấp độ «hợp tác chiến lược toàn diện». Trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, Duterte đã không dựa vào phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague, tuyên bố tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp. Duterte cư xử như thể chưa hề có bất kỳ phán quyết nào từ Tòa án quốc tế. Dưới thời Tổng thống Duterte đã thực hiện những bước đi quan trọng để thiết lập đối thoại với Bắc Kinh: năm 2017, cơ chế Tham vấn Song phương về Biển Đông bắt đầu hoạt động; năm 2018, trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Manila, hai bên đã ký «Bản ghi nhớ về hợp tác và hiệp lực lẫn nhau trong lĩnh vực phát triển dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc».
Quả thật, trong những tháng cuối nhiệm kỳ Tổng thống của Duterte, Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh trong tương quan chính quyền Trung Quốc cấm đánh bắt cá ở Biển Đông và lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Và gần đây nhất, xuất hiện ba tiền đồn mới của cảnh sát biển Philippines tại các đảo này. Nhưng điều đó chẳng mấy ấn tượng trên nền những biểu lộ tình cảm thân thiện mà các nhà lãnh đạo Philippines và Trung Quốc liên tục phô trương.
Về cơ bản, đông đảo quần chúng Philippines không quá nhiệt tình tán thành những biểu hiện hữu nghị như vậy, trong tâm thế dân tộc Philippines in đậm thái độ không tin tưởng đối với người Trung Quốc, vì vậy tân Tổng thống sẽ phải có lập trường cứng rắn hơn trước, đối lại đà bành trướng của Bắc Kinh.
Biển Đông
Philippines triển khai lực lượng hải quân ở Vịnh Subic trên Biển Đông để chống lại Trung Quốc
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng dưới thời Marcos, Philippines sẽ càng trở nên thân thiết hơn với Trung Quốc, bởi gia đình ông có mối quan hệ đặc biệt với nước láng giềng rộng lớn này. Thân phụ của Ferdinand Marcos Jr. đã thiết lập quan hệ ngoại giao với CHND Trung Hoa từ năm 1976, rồi cha mẹ của ông từng hội kiến với «Chủ tịch Mao Trạch Đông vĩ đại».
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã chúc mừng chiến thắng của Marcos Jr. ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu. Trong lời chúc mừng, Chủ tịch Tập vinh danh tân Tổng thống đắc cử là «nhân vật kiến tạo, ủng hộ và quảng bá tình hữu nghị Trung Quốc-Philippines» và bày tỏ nguyện vọng rằng hai bên sẽ tiếp tục phát triển quan hệ thân thiết.
Tuy nhiên, ngay khi chưa nhậm chức, Tổng thống mới của Philippines đã quyết định thể hiện sự kiên định cứng rắn trong chính sách tương lai của mình. Hôm 26 tháng 5, phát biểu trước các phóng viên truyền hình, Marcos tuyên bố sẽ dựa vào phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế năm 2016 để khẳng định «chủ quyền lãnh thổ của chúng ta chống lại yêu sách tham vọng quy mô của Bắc Kinh ở Biển Đông».
Khi đó, ông nhấn mạnh: «Chủ quyền của chúng ta là thiêng liêng, và chúng tôi sẽ không nhân nhượng dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi sẽ không cho phép ai chà đạp xâm phạm dù chỉ một milimet vuông trong chủ quyền vùng biển của chúng ta».
Đồng thời, ông nói thêm rằng sẽ giải quyết vấn đề này thông qua con đường ngoại giao, «nhất quán và vững chắc».

Bắc Kinh có hướng tới hợp tác?

Không cần nghi ngờ gì, việc lựa chọn đường lối của tân Tổng thống Philippines là rất quan trọng đối với Bắc Kinh. Bởi Manila vẫn luôn là một đồng minh quân sự của Hoa Kỳ, bất kể tất cả những tuyên bố đôi khi cực gay gắt của ông Duterte liên quan đến chính quyền Mỹ. Và quốc đảo có thể đơn giản dễ dàng ngả về phía Hoa Kỳ trong vấn đề tranh cãi chính trị nào đó ở tầm toàn cầu hoặc khu vực. Không ngẫu nhiên mà hiện giờ từ Bắc Kinh đang có những lời nhắn nhủ gửi tới phía Philippines, nhắc nhở về định dạng tương tác trước đây, đề xuất từ bỏ tranh tụng trong khuôn khổ pháp lý về tranh chấp lãnh thổ và chăm lo hợp tác kinh tế. Tại Trung Hoa người ta lại bắt đầu nói nhiều về yêu cầu cần sớm ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử cho các bên ở Biển Đông.
Tại hội nghị trực tuyến gần đây phân tích về quan hệ Trung Quốc-Philippines và hợp tác hàng hải dưới thời Duterte, chuyên gia Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun) Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc gia về biển Hoa Nam của Trung Quốc đã khuyến nghị cả hai bên nên phi chính trị hóa hoặc giảm bớt thảo luận những vấn đề gắn với tranh chấp trên biển, mà dành quan tâm tối đa cho hợp tác song phương, chẳng hạn như cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên ở biển Hoa Nam (Biển Đông).
Biển Đông
Gạc Ma, Hải chiến Trường Sa 1988 hay cuộc xâm lược của Trung Quốc?
Ngô Sĩ Tồn cũng đề xuất cách tiếp cận như sau để xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông: «Có thể chia những vấn đề lớn thành vấn đề nhỏ hơn, có thể thực hiện những bước đi nhỏ nhưng nhanh chóng, bắt đầu từ các vấn đề đơn giản hơn trước khi giải quyết những vấn đề phức tạp, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết Quy tắc Ứng xử của các bên».
Với khả năng cao, có thể chắc rằng Ngô Sĩ Tồn đã tuyên ngôn lối tiếp cận của ban lãnh đạo Bắc Kinh.
Mà trong lối tiếp cận này không có gì mới mẻ. Rõ ràng là hợp tác kinh tế và cùng khai thác nguồn tài nguyên của Biển Đông là phương án tốt để phát triển quan hệ giữa các nước có lối ra Biển Đông. Bộ Quy tắc Ứng xử là văn kiện được chờ đợi từ lâu, nhưng chẳng phải là các nước thành viên ASEAN cũng như CHND Trung Hoa đều phải chịu trách nhiệm về việc mãi không ký kết? Đôi khi có vẻ như những tham vọng dân tộc chủ nghĩa ở một số nước đang cản trở nền hòa bình bền vững lâu dài, sự ổn định và phát triển kinh tế trong khu vực. Hay là ai đó từ bên kia Thái Bình Dương đang ngăn cản quá trình cải thiện quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng?
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.
Thảo luận