Ngày càng được thế giới nể trọng, Việt Nam sẽ nhắm đến các vị trí cao hơn ở LHQ?

Việt Nam ngày càng được nể trọng. Với sự tín nhiệm rất cao, Việt Nam đã được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77, nhiệm kỳ 2022-2023. Đây là thành công khẳng định tiếng nói, vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của Hà Nội trên thế giới.
Sputnik
Việc Việt Nam làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ trong năm tới, theo đại diện Bộ Ngoại giao, cũng sẽ giúp tạo đà để Việt Nam có thể tiếp tục nắm giữ các vị trí quan trọng ở các cơ chế khác của Liên Hợp Quốc.

Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77

Như Sputnik thông tin, ngày 7/6, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã bầu các chức danh Chủ tịch và các Phó Chủ tịch của UNGA khóa 77.
Như đã biết, Đại hội đồng LHQ là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc và là cơ quan duy nhất của tổ chức này có đại diện của tất cả 193 nước thành viên. Đại hội đồng LHQ có thẩm quyền sâu rộng trong các lĩnh vực hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời, có quyền thảo luận và đưa ra kiến nghị về các vấn đề thuộc phạm vi Hiến chương hoặc bất kỳ vấn đề nào thuộc thẩm quyền của các cơ quan của LHQ, nhằm thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu.
Đại sứ Csaba Korosi, đến từ Hungary trở thành tân Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77, nhiệm kỳ 2022- 2023, thay thế ông Abdulla Shahid (Maldives), Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 76.
Điểm đáng chú ý là, tại cuộc họp này cũng đã đồng thuận bầu Việt Nam trở thành một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo thông lệ, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí này trong 1 năm kể từ ngày 13/9 tới đây.
Các nước khác cùng trúng cử dịp này cùng Việt Nam làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77 gồm Benin, Burundi, Kenya, Mauritania, Niger, Zimbabwe (khu vực châu Phi), Malaysia, Nepal, Tajikistan, Turkmenistan (khu vực châu Á-Thái Bình Dương), Chile, El Salvador, Jamaica (Mỹ Latinh), Estonia (Đông Âu) và Israel, Australia (khu vực Tây Âu và các nước khác).
Theo Bộ Ngoại giao, trong 45 năm là thành viên của LHQ, Việt Nam đã gánh vác nhiều trọng trách lớn, có nhiều đóng góp thực chất và hiệu quả cho tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

“Với đường lối đối ngoại đa phương đúng đắn, lấy Liên Hợp Quốc là trọng tâm, Việt Nam - trên cương vị mới, sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho những mục tiêu cao cả của LHQ, đó là giải quyết xung đột, duy trì hòa bình, ổn định cho tất cả người dân trên thế giới”, - Bộ Ngoại giao khẳng định.

Thủ tướng Việt Nam nói về Biển Đông và tình hình Ukraina với lãnh đạo Liên Hợp Quốc

Ngày lịch sử của ngoại giao đa phương Việt Nam

Trao đổi với báo chí về thành công này, ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, chỉ ra ý nghĩa và tiết lộ cụ thể hơn những ưu tiên của Việt Nam khi đảm nhiệm vị trí quan trọng này trong một năm kể từ ngày 13/9/2022.

“Việc trúng cử Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khoá 77 một lần nữa khẳng định uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao”, - ông Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh.

Theo Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, nếu coi việc nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam như xây một bức tường thì việc trúng cử vào vị trí quan trọng này như đặt thêm một viên gạch vững chắc vào bức tường ngày càng kiên cố đó.

“Đảm nhiệm vị trí này, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội thúc đẩy quan hệ song phương với các nước, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho đất nước”, - Ông Việt khẳng định.

Mặt khác, việc Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại một trong sáu cơ quan chính của LHQ trong năm nay càng thêm ý nghĩa vì đây là thời điểm kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ, ghi một dấu mốc mới trong quan hệ giữa hai bên.
Theo ông Việt, ngày 7/6 dường như đặc biệt “có duyên” đối với ngoại giao đa phương Việt Nam. Theo đó, đúng ngày này cách đây 3 năm, Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng Bảo an LHQ với số phiếu cao kỷ lục (192/193).
Và ngày 7/6 năm nay, Việt Nam đã được Đại hội đồng LHQ đồng thuận thông qua là một trong các Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ. Trợ lý Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhắc lại, Đại hội đồng là cơ quan hoạch định chính sách quan trọng hàng đầu, và có tính đại diện cao nhất của LHQ, với sự tham gia của tất cả 193 quốc gia thành viên. Do đó, đây là cơ quan phản ánh đầy đủ và rõ nét nhất tiếng nói, quan tâm, ưu tiên chung của cộng đồng quốc tế.
Ngoài ra, phiên thảo luận chung cấp cao hàng năm của Đại hội đồng LHQ là sự kiện quốc tế quan trọng hàng đầu và thu hút sự quan tâm, tham dự của nhiều Lãnh đạo cấp cao các nước thành viên để thảo luận và cùng thúc đẩy các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, đưa ra các đề xuất hành động đa phương, nhất là trong xử lý các thách thức toàn cầu.
Bên cạnh đó, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Đại hội đồng có vai trò quan trọng, quyết định trong việc tổ chức và điều hành các sự kiện lớn cấp cao của Đại hội đồng LHQ, dẫn dắt xây dựng các văn kiện, tiến trình lớn của LHQ như triển khai Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, bảo vệ biển và đại dương, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm quyền con người, di cư toàn cầu, giải trừ quân bị...
Đặc biệt, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Đại hội đồng còn đóng vai trò trung gian, xử lý những phức tạp, mâu thuẫn, khác biệt phát sinh giữa các nước thành viên LHQ trong quá trình thảo luận, trao đổi, qua đó thúc đẩy và duy trì sự đoàn kết, đồng thuận, kết nối tại LHQ.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang về vai trò sắp tới của Việt Nam tại Liên hợp quốc

Thế mạnh của Hà Nội

Theo ông Đỗ Hùng Việt, Việt Nam chính thức thông báo ứng cử vào vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ từ cách đây hai năm (tháng 6/2020) nhưng việc chuẩn bị là cả một quá trình dài, về cả chủ trương lẫn vận động.
Chuyên gia đánh giá, nền tảng đầu tiên và quan trọng nhất để Việt Nam được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ chính là uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam được gây dựng trong thời gian qua thông qua việc tham gia đóng góp rất tích cực, trách nhiệm và đa dạng tại nhiều cơ quan, diễn đàn LHQ.

“Đặc biệt là việc chúng ta vừa đảm nhiệm rất thành công nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ 2020-2021 với nhiều dấu ấn quan trọng”, - Trợ lý Bộ trưởng nêu.

Việt Nam cũng đang đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế khác như thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế, Hội đồng thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Hội đồng chấp hành Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá LHQ (UNESCO), Hội đồng khai thác Liên minh bưu chính thế giới (UPU).
Theo ông Việt, chính quá trình tham gia đóng góp tích cực đó của Việt Nam đã giúp tạo dựng niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với năng lực, kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm, khả năng đóng góp của Hà Nội vào nỗ lực xử lý các thách thức chung thế giới đang phải đối mặt.

“Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng chính là công tác vận động mà Bộ Ngoại giao đã triển khai rất tích cực trong thời gian qua”, - ông Đỗ Hùng Việt hé mở.

Trên cơ sở những thành quả đã đạt được trong các cơ chế đa phương, Bộ Ngoại giao đã triển khai vận động rộng khắp với các đối tác quốc tế ở Hà Nội, New York (Mỹ), và thủ đô các nước thông qua các Cơ quan đại diện để có được sự ủng hộ rộng rãi như vậy.

“Nhờ đó, Việt Nam nhận được sự đồng thuận ủng hộ của Nhóm nước châu Á-Thái Bình Dương từ sớm”, - ông Đỗ Hùng Việt nhắc lại, và sau đó là sự đồng thuận tại Đại hội đồng LHQ.

Việt Nam có thể nhắm đến các vị trí cao hơn ở Liên Hợp Quốc?

Nhấn mạnh rằng, thế mạnh lớn nhất của Việt Nam là uy tín mà Hà Nội đã tạo dựng được trong thời gian qua, vị thế của Việt Nam đã được khẳng định rõ nét trong cộng đồng quốc tế nói chung và trong công việc của Liên Hợp Quốc nói riêng, theo Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, Việt Nam có được sự tín nhiệm của các nước.
Thế mạnh thứ hai Việt Nam, theo ông Đỗ Hùng Việt, đảm nhận vị trí quan trọng là lực lượng cán bộ được đào tạo, trải qua nhiều cơ chế, diễn đàn, đặc biệt là nhiệm kỳ vừa qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Do đó, Đại sứ, Trưởng phái đoàn và các cán bộ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc rất dày dạn kinh nghiệm.
Trợ lý Bộ trưởng nhấn mạnh, cán bộ Ngoại giao Việt Nam còn có sự hậu thuẫn rất lớn từ trong nước, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác để có thể tự tin tham gia điều hành, dẫn dắt các hoạt động của Đại hội đồng trong thời gian tới.

“Việc Việt Nam làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng trong năm tới cũng sẽ giúp tạo đà để Việt Nam có thể tiếp tục nắm giữ các vị trí quan trọng ở các cơ chế khác của Liên Hợp Quốc”, - ông Việt lưu ý.

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc dành thêm 26,5 triệu USD giúp Việt Nam

Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm

Theo chia sẻ của Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, mục tiêu, ưu tiên của Việt Nam trên cương vị Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khoá 77 cũng là những mục tiêu, ưu tiên chung của Việt Nam khi tham gia Đại hội đồng LHQ.
Với tư cách là một trong những Phó Chủ tịch của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ cùng Chủ tịch và các Phó Chủ tịch khác tham gia điều hành các hoạt động của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Theo đó, Việt Nam sẽ tham gia thúc đẩy, tổ chức các sự kiện cấp cao và các sự kiện khác của Đại hội đồng; tham gia dẫn dắt và điều hành việc xây dựng các văn kiện, sáng kiến của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

“Việt Nam cũng có thể phát huy vai trò của mình trong xử lý những khác biệt giữa các quốc gia, tạo dựng đồng thuận trong các quyết định của Đại hội đồng”, - chuyên gia nêu.

Trên cương vị Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khoá 77, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp có chủ động, tích cực, trách nhiệm và xây dựng trong xử lý các công việc chung, tham gia toàn diện và cân bằng trong mọi lĩnh vực duy trì hoà bình, an ninh quốc tế, giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, ngăn ngừa xung đột, giải quyết hoà bình tranh chấp quốc tế... trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Việt Nam cũng ưu tiên thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển, như các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu...; thúc đẩy các tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số...; bảo đảm lợi ích, quan tâm của các nước đang phát triển, nhất là về nguồn lực, chuyển giao công nghệ.

“Đặc biệt, với tư cách là một nước đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương; là tiếng nói của các nước đang phát triển, Việt Nam sẽ đề cao nhu cầu hợp tác quốc tế, nhu cầu về nguồn lực công nghệ, hỗ trợ cho tiến trình này ở các nước đang phát triển”, - Vụ trưởng Việt cho hay.

Theo đại diện Bộ Ngoại giao, dự kiến Việt Nam sẽ tham gia tích cực trong tổ chức và điều hành một số sự kiện cấp cao quan trọng của Đại hội đồng trong thời gian tới, trong đó có Phiên thảo luận chung cấp cao vào tháng 9/2022; Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục cũng trong tháng 9/2022 và Hội nghị thượng đỉnh về tương lai được Liên Hợp Quốc dự kiến tổ chức trong năm 2023.
Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ tham gia chuẩn bị tổ chức các sự kiện quan trọng của LHQ trong thời gian tới như Phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng LHQ, Hội nghị thượng đỉnh về Chuyển đổi giáo dục (tháng 9/2022), Hội nghị Thượng đỉnh về Tương lai (2023)...; dẫn dắt và điều hành việc xây dựng các văn kiện, sáng kiến của Đại hội đồng LHQ.
Ông Việt nhấn mạnh, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chủ trì, điều hành hoạt động của các cơ quan, tổ chức LHQ, gần đây nhất là cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ tháng 1/2020 và tháng 4/2021.
Belarus ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

“Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin về việc sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khoá 77”, - ông Đỗ Hùng Việt tin tưởng.

Thảo luận