Ấn Độ coi Việt Nam như bạn thân, Trung Quốc sẽ không thích điều này?

Coi Việt Nam như “bạn thân”, Ấn Độ mong muốn sẽ giúp Hà Nội tăng sức mạnh phòng thủ thông qua việc chuyển giao công nghệ quốc phòng, thiết bị và vũ khí hiện đại, nâng cao năng lực chiến đấu của Quân đội Việt Nam.
Sputnik
Bàn giao 12 tàu tuần tra cao tốc cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác quân sự - quốc phòng với Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn nữa.
Ấn Độ sẽ “vô cùng vui mừng” nếu “những người bạn thân thiết như Việt Nam” bắt tay hợp tác phát triển ngành công nghiệp quốc phòng vì lợi ích chung và hòa bình khu vực.
Việt Nam đánh giá thành công của dự án đóng và chuyển giao 12 tàu tuần tra theo Gói tín dụng quốc phòng 100 triệu USD của Ấn Độ cũng đồng thời cũng khẳng định‎ năng lực, uy tín, trách nhiệm của các doanh nghiệp đóng tàu quân sự Việt Nam.

Ấn Độ bàn giao 12 tàu tuần tra cho Việt Nam

Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh hôm thứ Năm 9/6 đã dự lễ bàn giao 12 tàu tuần tra cao tốc cho Quân đội Việt Nam trong chuyến thăm Nhà máy đóng tàu Hồng Hà ở Hải Phòng.
Như Sputnik thông tin, Hà Nội đặt mua 12 tàu tuần trao cao tốc cho lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam theo gói tín dụng quốc phòng ưu đãi được Ấn Độ gia hạn hồi tháng 9/2014.
Theo thông báo của phía Việt Nam thì ngày 9/06, tại Công ty Đóng tàu Hồng Hà (Hải Phòng), Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã dự lễ bàn giao tàu tuần tra cao tốc ký‎ hiệu BP-18 của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP).
Lô tàu tuần tra này đã được đóng theo Gói tín dụng Quốc phòng trị giá 100 triệu đô la Ấn Độ dành cho Việt Nam.
“Năm chiếc tàu tuần tra tốc độ cao ban đầu được đóng tại nhà máy đóng tàu Larsen & Toubro ở Ấn Độ và 7 chiếc còn lại ở nhà máy đóng tàu Hồng Hà, Hải Phòng” Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết.
Hôm thứ Tư, như Sputnik thông tin, Bộ trưởng Singh và người đồng cấp Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang, đã đạt đồng thuận sớm hoàn tất Gói tín dụng Quốc phòng 500 triệu USD mở rộng cho Việt Nam.
Đồng thời, Ấn Độ và Việt Nam đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ đến năm 2030 và Bản ghi nhớ về tương hỗ hậu cần giữa Bộ Quốc phòng hai nước nhằm mở rộng hơn nữa "phạm vi và quy mô" hợp tác quan hệ quốc phòng vào năm 2030 và bản ghi nhớ về hỗ trợ hậu cần sẽ cho phép quân đội hai bên sử dụng căn cứ của nhau trong quá trình sửa chữa và bổ sung khí tài.
Từ ông Nguyễn Tấn Dũng đến Modi: Đằng sau việc Ấn Độ đóng 12 tàu tuần tra cho Việt Nam

Việt Nam và Ấn Độ nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng

Phát biểu tại lễ bàn giao ở nhà máy đóng tàu Hồng hà, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ khẳng định, thành công của dự án là bước tiến quan trọng cho quan hệ hợp tác quân sự Việt Nam - Ấn Độ.
Theo lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, sự kiện đánh dấu việc hoàn tất thành công dự án đóng 12 tàu tuần tra cao tốc theo gói tín dụng quốc phòng trị giá 100 triệu USD của Ấn Độ
“Tôi tin tưởng rằng, đây sẽ là tiền đề cho nhiều dự án hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam”, ông Singh nêu rõ.
Khẳng định với những người đồng nghiệp Việt Nam ở lễ bàn giao, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cho biết ông rất vui mừng về việc Ấn Độ được đồng hành với đối tác Việt Nam thông qua dự án hợp tác nâng cao năng lực đóng tàu. Quá trình sản xuất, đóng mới loạt tàu tuần tra cao tốc này diễn ra trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Do đó, theo đại diện chính quyền New Delhi, việc hoàn thành, bàn giao tàu là minh chứng mạnh mẽ về sự hợp tác, phát triển công nghiệp quốc phòng giữa hai nước.
“Tôi rất vui mừng khi được tham gia buổi lễ lịch sử, đánh dấu cột mốc hoàn thành tốt đẹp dự án đóng cho Việt Nam 12 tàu tuần tra cao tốc theo Hiệp định Quốc phòng trị giá 100 triệu USD của Chính phủ Ấn Độ dành cho Hà Nội”, The Hindu dẫn phát biểu của Bộ trưởng nêu.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Ấn Độ còn cho rằng, dự án đóng 12 tàu hộ vệ tốc độ cao này là một điển hình trong tầm nhìn của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về một “Ấn Độ tự lực tự cường” với sứ mệnh “Sản xuất tại Ấn Độ - cung ứng cho thế giới” (Make in India – Make for World).
Đặc biệt, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Singh, Ấn Độ sẽ “vô cùng vui mừng” nếu “những người bạn thân thiết như Việt Nam” trở thành một phần trong quá trình chuyển đổi của đất nước, đặc biệt là đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp quốc phòng.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc Ấn Độ coi Việt Nam như “bạn thân”, đề cao cũng như đặc biệt coi trọng vị thế ngày càng tăng của Hà Nội trong khối ASEAN, khu vực châu Á- Thái Bình Dương và thế giới nói chung, có thể sẽ khiến Trung Quốc không hài lòng.
Thái độ này bắt nguồn từ nhiều lý do lịch sử, chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, nhất là trong bối cảnh, Ấn Độ ở thế cạnh tranh với Trung Quốc trên cả mặt trận kinh tế, địa chính trị, tranh chấp biên giới, còn Việt Nam dù không muốn nhưng vẫn tồn tại một số bất đồng với Bắc Kinh ở Biển Đông như một số quốc gia láng giềng Đông Nam Á khác.

Khẳng định uy tín năng lực doanh nghiệp đóng tàu quân sự Việt Nam

Thời gian tới, Chính phủ Ấn Độ tiếp tục cung‎ cấp gói tín dụng 500 triệu USD cho Việt Nam triển khai các dự án quốc phòng.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết: “Việc thực hiện các dự án hợp tác sẽ bổ sung và nâng cao năng lực quốc phòng cho Việt Nam”.
Về phía Việt Nam, Bộ Quốc phòng đánh giá cao dự án đóng mới loạt tàu tuần tra cao tốc BP-18 sử dụng vốn vay ưu đãi‎ của Chính phủ Ấn Độ.
Nhà chức trách cho rằng, đây là dự án quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với Bộ‎ Quốc phòng và Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Việt Nam nhằm nâng cao năng lực quản lý, tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, an ninh‎ biên giới trên biển.
Công ty Đóng tàu Hồng Hà được giao nhiệm vụ tiếp nhận chuyển giao công nghệ‎ và thi công đóng mới các tàu tại Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ thăm Việt Nam bàn kế hoạch bán tên lửa Brahmos?
Đặc biệt, kết quả nghiệm thu cho thấy, thông số của các tàu tuần tra đều đạt yêu cầu‎ thiết kế, phù hợp với tính năng kỹ thuật, chiến thuật được Bộ Quốc phòng Việt Nam phê‎ duyệt.
Việc triển khai thành công dự án đóng mới tàu tuần tra cao tốc BP-18 góp‎ phần quan trọng trong việc hiện đại hóa quân đội và nâng cao tiềm lực quốc phòng của‎ Việt Nam.
Dự án đóng tàu tuần tra này cũng trở thành biểu tượng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai‎ nước và là nền móng thúc đẩy phát triển hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ.
Cơ quan Quốc phòng cũng đánh giá, thành công của dự án đồng thời cũng khẳng định‎ năng lực, uy tín, trách nhiệm của các doanh nghiệp đóng tàu quân sự Việt Nam nói‎ chung, Công ty Đóng tàu Hồng Hà nói riêng, tạo tiền đề để tiếp tục triển khai các‎ dự án tiếp theo trong thời gian tới.

Nâng cao khả năng ngoại ngữ và IT cho sĩ quan Việt Nam

Cũng theo báo chí Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh ngày 10/6 đã trao quà tặng thiết bị huấn luyện trị giá một triệu USD cho Trường Sĩ quan Không quân ở Nha Trang để thành lập phòng thực nghiệm ngôn ngữ và công nghệ thông tin phục vụ công tác đào tạo.
Bộ trưởng Rajnath Singh và phái đoàn cấp cao Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã đến Trường Sĩ quan Không quân Việt Nam tại Nha Trang hôm nay ngày 10/6, thăm nơi có chương trình đào tạo tiếng Anh và huấn luyện trước khi bay cho các phi công quân sự Việt Nam, báo chí Ấn nêu rõ.

“Hôm nay tôi rất vui được đến thăm Trường Sĩ quan Không quân. Tôi vô cùng ấn tượng với những thành tích mà nhà trường đạt được và sự đóng góp quý báu trong việc đào tạo phi công cho Quân chủng Phòng không-Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam”, Bộ trưởng Singh bày tỏ.

Như đã biết, Trường Sĩ quan Không quân là đại học quân sự trực thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân – Bộ Quốc phòng Việt Nam. Đây là trường đại học chuyên đào tạo phi công quân sự, sĩ quan kỹ thuật hàng không trình độ đại học quân sự và cao đẳng kỹ thuật cho Quân đội nhân dân Việt Nam.
“Tôi tin tưởng rằng phòng thực nghiệm sẽ góp phần đáng kể vào việc nâng cao trình độ kỹ năng ngôn ngữ và năng lực làm chủ công nghệ thông tin (CNTT) cho quân nhân, cán bộ của Trường Sĩ quan Không quân Việt Nam”, Bộ trưởng Rajnath Singh nói.
Thảo luận