Việt Nam: Chính thức lương tăng tối thiểu 6% từ 1/7, người lao động “bớt khó khăn”

Ngày hôm nay 12/6, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Sputnik
Nghị định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2022.

Chính thức tăng lương tối thiểu

Theo đó, mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, gồm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật lao động là những doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc theo thỏa thuận.
Theo nội dung Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, tiền lương tối thiểu vùng tăng thêm 6%, tương ứng tăng từ 180.000 - 260.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện hành.
Trong đó mức lương tối thiểu tháng được quy định theo 4 vùng, bao gồm:
1.
Vùng 1 tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng.
2.
Vùng 2 tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng.
3.
Vùng 3 tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng.
4.
Vùng 4 tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng được quy định như sau:
1.
Vùng 1 là 22.500 đồng/giờ.
2.
Vùng 2 là 20.000 đồng/giờ
3.
Vùng 3 là 17.500 đồng/giờ
4.
Vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Theo nghị định mới ban hành, mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất, đóng vai trò cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động dưới hình thức trả lương theo tháng.
Mức lương này được chi trả bảo đảm theo công việc hoặc chức danh khi người lao động làm việc đủ thời gian hoặc hoàn thành định mức lao động, công việc đã thỏa thuận.
Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất, là cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động với hình thức trả lương theo giờ.
Mức lương được chi trả phải bảo đảm theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ khi hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận.
Việt Nam thực sự có thể trở thành “con hổ mới” của châu Á?
Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần, theo ngày, theo sản phẩm hoặc lương khoán, mức lương được trả nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ đã quy định.
Các đối tượng được hưởng lương theo nội dung Nghị định số 38/2022/NĐ-CP bao gồm:
Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động gồm: Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.

Tờ trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có tờ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động kể từ ngày 1/7/2022
Thông thường, mức lương tối thiểu vùng được xem xét, điều chỉnh sau 1 năm thực hiện. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động.
Do đó, Chính phủ đã duy trì mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 90 cho đến nay (trên 2 năm) theo khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận thấy, mức lương tối thiểu vùng hiện tại đã không còn bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình. Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu tháng do Chính phủ quy định chủ yếu áp dụng cho người lao động làm những công việc có tính chất ổn định trong khu vực chính thức.
Với người lao động làm công việc có tính chất linh hoạt cho các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, việc sử dụng mức lương tối thiểu tháng làm căn cứ thỏa thuận còn cứng nhắc. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
1-1,6 tỷ đồng cho nhà ở xã hội: Người lao động mua nhà làm sao?
Theo Bộ, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đã và đang ngày một phát triển. Các ngành sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp từng bước phục hồi.
Tuy nhiên, đời sống của nhiều lao động vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh. Một bộ phận người dân phải ngừng việc, mất việc, nghỉ việc không hưởng lương kéo dài, hoàn cảnh rất khó khăn.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận thấy, thu nhập của người lao động có dấu hiệu giảm sút trong khi giá cả hàng hóa dịch vụ ngày càng tăng cao. Đa số người lao động đều có mong muốn điều chỉnh tăng tiền lương, phụ cấp lương và cải thiện các chế độ đãi ngộ khác phù hợp với bối cảnh phục hồi kinh tế.
Từ các lý do trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng việc ban hành Nghị định điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng và quy định mức lương tối thiểu giờ có thể góp phần cải thiện đời sống của người lao động, hỗ trợ phục hồi thị trường lao động. Qua đó, các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để sớm phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Thảo luận