Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm người dân không đến gần các chân đập, hạ lưu để quay phim, chụp ảnh vì những khu vực này có thể xảy ra tai nạn nguy hiểm trong khi thủy điện xả lũ.
Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang xả lũ
Sáng nay 13/6, đồng chí Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã ký công điện gửi lãnh đạo các nhà máy thủy điện lớn ở miền Bắc như Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La yêu cầu tiếp tục mở thêm cửa xả lũ.
Ghi nhận vào 7h sáng nay 13/6, hồ Sơn La đang mở 1 cửa xả đáy với lưu lượng 1.684m3/s; hồ Hòa Bình đang mở 2 cửa xả đáy với lưu lượng 3.324m3/s; hồ Tuyên Quang mở 2 cửa xả đáy với lưu lượng 992m3/s.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 13 đến 15/6, ở Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 120mm.
Căn cứ Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng được Thủ tướng ban hành, để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du cần đưa dần mực nước hồ Sơn La về cao trình 200m, mực nước hồ Hòa Bình về cao trình 105m, mực nước hồ Tuyên Quang về cao trình 105,2m trước ngày 15/6.
Do đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai lệnh Công ty thủy điện Sơn La mở tiếp cửa xả đáy thứ 2 vào lúc 14h ngày 13/6; Công ty thủy điện Hòa Bình mở tiếp cửa xả đáy thứ 3 vào lúc 14h và mở cửa xả đáy thứ 4 vào lúc 20h ngày 13/6; Công ty thủy điện Tuyên Quang đóng một cửa xả đáy vào lúc 16h ngày 13/6.
Giám đốc các hồ thủy điện tiếp tục thông báo cho chính quyền địa phương, các cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải đường thủy… khu vực hạ du các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình và Tuyên Quang biết để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản.
“Nghiêm cấm người dân không tiến hành các hoạt động quay phim, chụp ảnh và các hoạt động tại khu vực nguy hiểm ở chân đập và hạ lưu đập”, - công điện lệnh lưu ý.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố khu vực hạ du tiếp tục thực hiện thông báo, cảnh báo đến người dân, đặc biệt là hạ du hồ Hòa Bình mực nước sẽ tăng nhanh.
Nhiều tỉnh miền Bắc có nguy cơ ngập lụt
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng xả của hồ thủy điện Hòa Bình, mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội sẽ tiếp tục lên nhanh, cảnh báo nguy cơ ngập lụt các vùng ven sông, bãi bồi ở khu vực hạ lưu sông Hồng, đặc biệt hạ lưu sông chảy qua thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.
Đáng chú ý, trong đợt lũ này, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng lên mức 7,5m vào đêm ngày 15/6, dưới mức báo động một 2m, sau biến đổi chậm.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt cục bộ tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn.
Các thành phố, đô thị như Lào Cai, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên được cảnh báo ngập úng.
Ngoài ra, Trung tâm khí tượng cũng cảnh báo nguy cơ cao ngập lụt các vùng ven sông, bãi bồi ở khu vực hạ lưu sông Hồng, đặc biệt hạ lưu sông chảy qua TP Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.
Theo ông Nguyễn Đình Thủy, chuyên viên phòng Thủy văn, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình thông tin, mực nước trên hồ Hòa Bình lúc 10h ngày 13/6 là 109,82m, lưu lượng nước về hồ là 5.654m3/giây, lưu lượng nước xả qua tổ máy về hạ lưu là 2.310m3/s, xả qua cửa xả là 3.324m3/s và mực nước khu vực hạ lưu lên đến 15,37m.
Vì sao phải xả lũ sớm?
Ông Phạm Văn Vương, Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình cho TTXVN biết, việc xả lũ đến ngày 15/6 để đưa mực nước hồ Hòa Bình về 105m theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa.
“Theo dự báo, tình hình mưa lũ năm 2022 trên lưu vực sông Đà lượng nước về hồ sẽ cao hơn so với mức trung bình nhiều năm và có thể xuất hiện những đợt lũ trong thời gian tới. Để đảm bảo an toàn cho hồ đập và vùng hạ du, công ty đã thực hiện việc xả lũ sớm”, - ông Vương thông tin.
Cũng theo ông Phạm Văn Vương, để đảm bảo an toàn khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở 4 cửa xả lũ, Công ty Thuỷ điện Hoà Bình đã phối hợp với các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương tăng cường lực lượng kiểm tra quanh khu vực hai bên bờ sông Đà ngăn cấm, cưỡng chế không cho người dân tắm sông, vớt củi và vào khu vực nguy hiểm để quay phim, chụp ảnh.
Đồng thời, Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình tiếp tục triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn hạ du; chuẩn bị các điều kiện nhân lực và thiết bị cảnh báo người dân để ứng phó khi đập thủy điện tiếp tục xả lũ; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai để tránh thiệt hại cho các phương tiện công trình xây dựng trên sông, lồng bè nuôi trồng thủy sản, người dân sống ven sông để sẵn sàng triển khai ứng phó.
“Các đơn vị chức năng liên quan thường xuyên nắm bắt tình hình, rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả khi có yêu cầu”, - ông Vương nhấn mạnh.