Trong tờ trình của Bộ KH-ĐT vừa gửi Thủ tướng về việc phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển, có đề ra mục tiêu là tạo dựng cụm liên kết ngành kinh tế biển ở những khu vực vùng biển và ven biển có lợi thế, phấn đấu hình thành khoảng 7 cụm liên kết ngành kinh tế biển đến năm 2030.
Đề án nhấn mạnh việc phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trước hết ở những khu vực trọng điểm gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, trong đó phát triển 3 - 4 trung tâm kinh tế biển mạnh hàng đầu Đông Nam Á.
Bộ KH-ĐT cho rằng bản chất của liên kết ngành kinh tế biển là sự tập trung (tại một khu vực) các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan với nhau thuộc các ngành kinh tế biển, liên quan đến kinh tế biển, có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trong hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh và được sự hỗ trợ của thể chế.
Cụm liên kết ngành kinh tế biển được khởi đầu phát triển từ khu vực lõi hay khu vực trọng điểm, trung tâm liên kết ngành là một vùng tập trung đô thị, TP lớn ven biển có cảng biển quốc tế, sau đó mở rộng lan tỏa phát triển ra vùng xung quanh trong phạm vi một số tỉnh ven biển.
Điều kiện để xác định khu vực là khu lõi, trọng điểm phát triển là: có cảng biển lớn, đầu mối giao thương quốc tế của vùng, quốc gia; có TP ven biển hay vùng tập trung đô thị ven biển; có sẵn hoặc đang phát triển mạnh khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp tập trung ven biển; có lợi thế về điều kiện tài nguyên cho khai thác, phát triển mạnh ngành kinh tế biển như công nghiệp khai thác dầu khí, nghề cá, du lịch, dịch vụ biển; có điều kiện phát triển khoa học công nghệ; điều kiện kết nối giao thông thuận lợi (có cảng hàng không quốc tế).
Nhận xét về đề án, phần lớn các chuyên gia cho rằng đề án không đánh giá hết các tiềm năng thế mạnh về kinh tế biển của VN như đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển; không lượng hóa được các giá trị kinh tế biển, nhất là các thế mạnh về kinh tế biển xanh từ đó có những quy hoạch, kế hoạch phân bổ không gian biển, nguồn lực.
Do đó, theo GS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (ĐH Kinh tế quốc dân), cần những đánh giá, tổng kết về chủ trương xây dựng các khu kinh tế biển trong quá khứ để nâng cao chất lượng đề án.
“Phải đánh giá lại thật rõ nguồn lực đất đai. Vì thực tế như các khu cảng biển, các đảo đều bị “phân lô bán nền” cả. Không có tổ đủ lớn thì khó mà thu hút các đại bàng, điều này có thể dễ thấy khi nhìn thẳng vào các khu vực đầy tiềm năng như Phú Quốc, cảng Hải Phòng”, GS Đào dẫn chứng.