Sputnik dành bài tổng quan truyền thống “Việt Nam trên báo chí nước ngoài” cho các nội dung này.
Đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia không còn bom mìn
Trang web của Viện Hòa bình Hoa Kỳ viết về các công việc rà tìm và xử lý bom mìn, vật nổ ở Quảng Trị. Đây là tỉnh có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn, đặc biệt là bom bi, cao nhất cả nước với 82% trên tổng diện tích đất. Nhờ nỗ lực chung của chính quyền tỉnh và các tổ chức quốc tế, số người chết và bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh đã giảm từ hàng nghìn người sau khi Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai kết thúc năm 1975 và khoảng 100 người mỗi năm vào đầu những năm 2000 xuống gần như bằng số 0.
Đến trường tốt hơn học ở nhà
The Lancet - một trong những tạp chí khoa học có thẩm quyền nhất trên thế giới - đề cập đến một chủ đề rất thú vị. Tạc giả bài báo viết về tác động tiêu cực của việc Việt Nam đóng cửa trường học thời đại dịch COVID-19. Kết quả là thời gian trẻ em Việt Nam dành cho giáo dục đã giảm 50%, nhiều trẻ em không thể tham gia các lớp học trực tuyến do các vấn đề kỹ thuật, trẻ em có hoàn cảnh kinh tế xã hội khó khăn lâm vào tình trạng suy giảm dinh dưỡng, các rối loạn tâm lý trong thanh thiếu niên trở nên phổ biến. Tỷ lệ bạo hành gia đình ngày càng gia tăng có liên quan đến mất việc làm, thu nhập thấp hơn, uống nhiều rượu bia và ở nhà lâu hơn, dẫn đến những tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần. Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh những lợi ích về mặt xã hội và phát triển toàn diện khi trẻ em được trở lại trường học là vượt trội so với những rủi ro đến từ dịch bệnh.
Tăng trưởng trong mọi lĩnh vực
Tổng thống Mỹ công bố sáng kiến kinh tế mới - Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF). Đương nhiên, sáng kiến này đã gây ra phản ứng từ các ấn phẩm dành cho các vấn đề châu Á. Vietnam Briefing phân tích chi tiết chiến lược này và lưu ý rằng, việc Việt Nam tham gia IPEF phụ thuộc phần lớn vào kết quả của các cuộc thảo luận và triển vọng thực hiện dự án. IPEF chủ yếu tập trung vào 4 trụ cột chính. Đây là một nền kinh tế công bằng với chính sách thuế hiệu quả và cuộc chiến chống tham nhũng và rửa tiền; nền kinh tế kết nối với các tiêu chuẩn cao của nền kinh tế số, bảo vệ dòng dữ liệu xuyên biên giới, an ninh mạng và an ninh trí tuệ nhân tạo; một nền kinh tế ổn định với các chuỗi cung ứng và các nghĩa vụ hậu cần có khả năng chống chọi với bất kỳ sự gián đoạn và cú sốc nào; một nền kinh tế sạch với các công nghệ xanh để chống lại tác động của biến đổi khí hậu. Ấn phẩm viết rằng, IPEF ở trạng thái hiện tại chưa ổn định, vì nó chưa có những quy định ràng buộc và chưa thiết lập bất kỳ liên kết nào giữa các quốc gia. Tờ The Diplomat phân tích những ưu và nhược điểm của IPEF đối với Việt Nam và nhận xét rằng, sẽ hữu ích cho Hoa Kỳ nếu họ tìm hiểu Việt Nam thực sự muốn gì và nếu họ phát triển hợp tác với nước này, tôn trọng và chấp nhận những khác biệt nhất định, chẳng hạn như các giá trị tư tưởng và chế độ chính trị.
Fibre2Fashion đưa ra dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR): Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới và lớn thứ hai Đông Nam Á (sau Indonesia) vào năm 2036. Nhưng, để có như vậy, nước này cần phải cải thiện mạnh mẽ hiệu quả của việc thực thi chính sách của mình, đặc biệt là trong các lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tự động hóa và biến đổi khí hậu.
Nikkei Asia đưa tin rằng, Việt Nam sẽ bắt đầu quá trình nghiên cứu để chuẩn bị phát hành tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương sớm nhất là trong tháng này. ASEAN Briefing viết về việc Việt Nam sắp có nhà máy sản xuất hydro xanh đầu tiên có thể được sử dụng cả để dự trữ năng lượng và làm nhiên liệu. Tuy nhiên, bất chấp sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo, Việt Nam vẫn tiếp tục dựa vào nhiên liệu hóa thạch và có kế hoạch tăng nhập khẩu than hàng năm lên 123 triệu tấn vào năm 2045. Vietnam Briefing cho biết về một quyết định đã được chờ đợi từ lâu: mức lương tối thiểu sẽ tăng bình quân 6% so với mức lương tối thiểu hiện hành từ ngày 1/7/2022, cũng như về những khó khăn kinh doanh liên quan đến điều này. Tờ Vietnam Briefing cũng cho biết về quá trình phục hồi ngành vận tải hàng không Việt Nam trong bối cảnh ngành vận tải toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn do hậu quả của đại dịch và xung đột Nga-Ukraina. Lexology đưa tin về việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Sở hữu trí tuệ. Tờ The Star cho biết, cơ quan lập pháp cao nhất của Việt Nam thảo luận và cho ý kiến về chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông quan trọng. Channel News Asia cho biết rằng, đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021 phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế. Yahoo Finance viết về thị trường dịch vụ điện toán đám mây (Cloud) tại Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng rất mạnh nhờ áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như hàng không vũ trụ và công nghiệp quốc phòng, chăm sóc sức khỏe, truyền thông và giải trí, cũng như sự hiện diện của nhiều nhà cung cấp công nghệ trên thị trường này và việc mở rộng các trung tâm dữ liệu của “các ông lớn” công nghệ. Prensa Latina ca ngợi litchi fruit - quả vải của Việt Nam không chỉ ngon, ngọt mà còn có giá trị dinh dưỡng rất cao và dự đoán nó sẽ chinh phục cả thế giới.
Kênh tiếng Nga Krasnaya Vesna, cũng như nhiều ấn phẩm khác của Nga, thu hút sự chú ý đến cuộc gặp tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg giữa người đứng đầu Yakutia ông Aisen Nikolaev và Đại sứ Việt Nam tại LB Nga ông Đặng Minh Khôi. Hai bên đã trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực du lịch, cụ thể là việc tổ chức các chuyến charter bay thẳng trong mùa du lịch cao điểm. Yakutia sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam than đá, kim loại, đá quý và bán quý, các sản phẩm thân thiện với môi trường từ thực vật hoang dã. Ấn phẩm Nga Konkurent cho biết về triển vọng to lớn của tuyến vận tải container trực tiếp FESCO VIETNAM DIRECT LINE (FVDL), kết nối các cảng Việt Nam với cảng biển thương mại Vladivostok. Thời gian và chi phí giao hàng giảm đáng kể sẽ giúp hàng hóa đến tay người tiêu dùng dễ dàng hơn.
Đến Hà Nội du lịch
Khép lại chuyên mục điểm báo - tin tức du lịch. Tờ Independent của Anh giới thiệu về du lịch Hà Nội, thành phố này được mô tả là "thủ đô Việt Nam có nhịp sống đô thị hiện đại với bề dày lịch sử 1.000 năm, có rất nhiều món ăn ngon và không gian xanh độc đáo". Và Travel Weekly viết về du thuyền sang trọng mới của Hãng tàu Pandaw sẽ thực hiện các chuyến du lịch đường sông ở Việt Nam vào năm 2023.