Trước đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Liên bang Nga Dmitry Peskov cho biết, việc cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho một số quốc gia châu Âu liên quan đến việc các tuabin Siemens không quay trở lại sau sửa chữa, những thiết bị này đã được sử dụng để cung cấp khí đốt đến "Dòng chảy Bắc", không có chủ ý gì từ phía Nga.
Theo lời ông, đây là những hậu quả của các lệnh trừng phạt chống Nga và các vấn đề "không liên quan đến chúng tôi". Ông Peskov đã nhiều lần nói rằng Nga chưa bao giờ sử dụng nguồn cung cấp khí đốt để trừng phạt bất kỳ ai, mà chỉ bán nhiên liệu vì lợi ích của đất nước, nhằm tăng cường phúc lợi cho người dân Nga và trên cơ sở thương mại.
Hiện tại, các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức đang chứa 58%, chính phủ muốn các cơ sở này sẽ đầy 90% vào ngày 1 tháng 11. Tuy nhiên, do các vấn đề với "Dòng chảy Bắc ", các nhà nhập khẩu khí đốt buộc phải mua khối lượng còn thiếu trên thị trường giao ngay với giá cao hơn.
Đại diện Bộ Kinh tế Đức cho biết, chính phủ đang "liên hệ chặt chẽ với các nhà kinh doanh khí đốt đang chuẩn bị cho ngày này", nghĩa là ngày 11 tháng 7 - thời điểm bắt đầu công việc sửa chữa.
Các biện pháp trừng phạt chống Nga
Phương Tây tăng cường sức ép trừng phạt đối với Moskva sau khi Nga bắt đầu chiến dịch đặc biệt nhằm phi quân sự hóa và phi phát-xít hóa Ukraina. Các nước thuộc Liên minh Châu Âu xem xét phương án từ bỏ dầu mỏ và khí đốt của Nga. Trong khi đó gói trừng phạt thứ sáu đã bị chặn lại một thời gian dài do sự phản đối của mấy nước trong Liên minh, cụ thể là Hungary.
Tổng thống Vladimir Putin chỉ ra rằng chính sách ngăn chặn và làm suy yếu Nga là chiến lược lâu dài của các nước không thân thiện, còn lệnh trừng phạt đã giáng đòn mạnh vào toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Theo lời ông, mục tiêu chính của Hoa Kỳ và châu Âu là làm cho cuộc sống của hàng triệu người trở nên tồi tệ. Ông Putin nói thêm rằng những sự kiện hiện nay đang vạch ra ranh giới ảnh hưởng từ sự thống trị của phương Tây cả về chính trị và kinh tế.