Cố gắng co kéo
Đây là tâm lý chung của người dân khi giá hàng hóa liên tục tăng như hiện nay. Chia sẻ với Sputnik, bà Hoàng Thị Thi, 38 Lạc Nghiệp, Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết:
“Rau muống giờ 30 nghìn đồng/mớ. Thịt thì tăng ít nhưng dầu ăn, nước mắm v.v. đều tăng rất nhiều. Ví dụ, can dầu ăn 5 lít trước đây chỉ 210 nghìn đồng rồi lên 240 nghìn đồng, bây giờ sát 300 nghìn đồng. Xăng tăng kéo theo mọi thứ đều tăng hết”.
Với đồng lương 4 triệu đồng/tháng, bà Thi chọn cách thắt chặt chi tiêu. Mỗi lần đi chợ với bà Thi bây giờ như đánh đố. Nếu trước kia bà có thể mua được nửa cân thịt, giờ bà chỉ dám mua 4 lạng.
“Mình làm công ăn lương, nguồn thu có hạn. Lúc đầu chỉ nghĩ sau dịch giá tăng nhẹ, nhưng bây giờ thì chóng cả mặt”, bà Thi bộc bạch.
Còn với anh Lê Hà Thanh, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, giá cả tăng cao cũng khiến gia đình anh phải thay đổi cách chi tiêu. Anh cho biết:
“Mình ở khá xa trung tâm và di chuyển bằng ô tô.Trước đổ 500 nghìn tiền xăng vừa đi làm, vừa đưa con đi học và thi thoảng đi chơi thì đủ. Nhưng bây giờ, tiền xăng phải gấp đôi trong khi cái gì cũng tăng mà lương thì chưa thấy tăng. Bản thân cũng phải cắt bớt các thú vui cá nhân”.
Lạm phát có thể tăng cao
Thực tế trên cho thấy những tác động không nhỏ từ việc giá cả thực phẩm và hàng tiêu dùng “phi mã”. Trao đổi với Sputnik về nguyên nhân khiến giá cả thị trường biến động mạnh trong thời gian gần đây, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết:
“Giá thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng tại Việt Nam hiện chịu tác động của một số yếu tố khác nhau. Một là giá thị trường thế giới mà Việt Nam phải nhập khẩu, cụ thể là dầu thô, giá các sản phẩm khác. Thứ hai, giá cả trong nước có tăng do gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350 nghìn tỷ sẽ làm cho tổng cầu tăng mạnh mẽ. Vì vậy chỉ số lạm phát năm nay có thể cao hơn 4,5%”.
Cũng theo TS. Lê Đăng Doanh, Việt Nam đang hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19. Các biện pháp giãn cách được bãi bỏ, vì vậy nhu cầu du lịch và đi lại tăng lên. Có thể thấy giá của một số sản phẩm và dịch vụ bị đội lên theo mức tăng cầu đột biến đó.
“Bão giá” khiến cuộc sống của người lao động thêm chật vật. Mong mỏi hiện giờ của hàng nghìn người lao động như anh Thanh, bà Thi là làm thế nào thu nhập tăng thêm để trang trải cho cuộc sống.
“Mình rất mong lương cơ bản được tăng và Chính phủ sớm bình ổn giá cả. Có thể mức lương tăng ít nhưng khi giá cả bình ổn thì tâm lý người dân cũng dễ chịu hơn”, anh Thanh chia sẻ.
Lời giải nào cho bài toán bình ổn giá?
Mới đây nhất, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022. Theo đó, đề xuất giảm 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với xăng.
“Hiện nay, giá xăng của Việt Nam sẽ cố gắng giữ ổn định. Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường đối với xăng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức giảm này không thấm tháp gì”, TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ với Sputnik.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, ngay đầu năm 2022, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
“Tôi không tin là lạm phát lên quá 5%. Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam sẽ cố gắng giữ mức tăng tín dụng, kiểm soát việc tăng tín dụng như đối với bất động sản”.
Ngoài ra, NHNN cũng cho hay đã điều hành tỷ giá linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ. Qua đó, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát.