Cựu tử tù Liên Khui Thìn nổi tiếng trong vụ án Epco – Minh Phụng thua kiện

Ông Liên Khui Thìn, doanh nhân nổi tiếng Việt Nam trong vụ án Epco- Minh Phụng, cựu tử tù từng bị tuyên án tử hình với ông Tăng Minh Phụng (doanh nhân người Việt gốc Hoa), lại tiếp tục bị xử thua kiện trong vụ đòi tài sản góp vốn.
Sputnik
Theo đó, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện đòi lại 50% vốn góp tại Công ty TNHH sản xuất thương mại Tây Sơn của ông Liên Khui Thìn.

Ông Liên Khui Thìn kiện đòi vốn góp

Sáng 24/6, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án vụ tranh chấp quyền sở hữu phần vốn góp trong công ty TNHH giữa nguyên đơn là ông Liên Khui Thìn (70 tuổi) và bị đơn là các ông Phạm Minh Đạo, Phạm Nguyễn Minh Đức.
Theo đó, năm 1996, ông Thìn và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cùng đứng ra thành lập Công ty TNHH sản xuất thương mại Tây Sơn, với vốn điều lệ là 3 tỉ đồng, mỗi bên góp 50% vốn.
Công ty Tây Sơn tham gia hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, gồm: sản xuất sơn mài, thủ công gia dụng, mây tre đan, điện tử điện lạnh, xe máy, phân bón, may mặc, thương mại.
Năm 1997, ông Thìn bị bắt trong vụ án EPCO-Minh Phụng của doanh nhân người Việt gốc hoa Tăng Minh Phụng và đến năm 1999 thì bị tuyên án tử hình về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Năm 2003, ông Thìn được Chủ tịch nước ân giảm từ án tử hình xuống tù chung thân.
Trong quá trình chấp hành hình phạt tù, do cải tạo tốt, có đóng góp trong việc xây dựng môi trường trại giam và tích cực thi hành án dân sự, ông Thìn được xét giảm án xuống còn 20 năm. Đến năm 2009, ông được đặc xá trước thời hạn.
Việt Nam: Ông Nguyễn Đức Chung được đề nghị giảm án sau khi ‘xòe’ đủ 25 tỷ đồng
Theo ông Thìn, trong thời gian ông thi hành án phạt tù, bà Mai đã chuyển toàn bộ vốn và tài sản của Công ty Tây Sơn cho ông Phạm Minh Đạo, Phạm Nguyễn Minh Đức (chồng và con bà Mai) và ông Đỗ Thế Minh (em bà Mai) mà không hỏi ý kiến của mình. Dù đã nhiều lần liên hệ bà Mai, ông Đức, ông Đạo để giải quyết nhưng những người này không hợp tác.
Năm 2018, ông Thìn kiện chồng con bà Mai ra TAND TP.HCM, yêu cầu tòa tuyên hủy giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp giữa bà Mai với các ông Đạo, Đức, Minh và phục hồi quyền sở hữu 50% tài sản và vốn góp của mình trong Công ty Tây Sơn...
Bên cạnh đó, ông Thìn còn đề nghị hủy các giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ lần 1 đến lần 8 của Công ty Tây Sơn.
Năm 2020, tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Thìn, tuyên bố các giao dịch chuyển nhượng góp vốn giữa bà Mai với ông Đức, ông Đạo là vô hiệu. Các giấy thay đổi đăng ký kinh doanh của Công ty Tây Sơn từ năm 2000 đến 2016 cũng bị hủy.
Tòa sơ thẩm nhận định, việc bà Mai chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho ông Minh (khi đó chưa là thành viên công ty) trước khi thay đổi đăng ký kinh doanh, giảm vốn điều lệ, thay đổi, xóa tên thành viên mà chưa có ý kiến của ông Thìn, không có quyết định của hội đồng thành viên là vi phạm Luật doanh nghiệp, xâm phạm quyền lợi của ông Thìn.
Bà Phương Hằng sẽ bị tạm giam thêm 2 tháng
Ngay sau bản án trên, phía bị đơn và người liên quan đã kháng cáo toàn bộ bản án lên tòa phúc thẩm.

Bác toàn bộ yêu cầu của ông Liên Khui Thìn

Theo tòa phúc thẩm, sau khi ông Thìn bị TAND TP.HCM xét xử hình sự sơ thẩm, đến ngày 22/8/2000, TAND TP.HCM đã có công văn số 023 trả lời Công ty Tây Sơn.
Theo đó, Công ty Tây Sơn đã hỏi tòa về cách xử lý với phần hùn của ông Liên Khui Thìn là 1,5 tỉ đồng trong vốn điều lệ của Công ty Tây Sơn. Trong Công văn 123 ngày 22/8/2000, tòa giải thích:

"Ông Liên Khui Thìn tuy có góp vốn điều lệ trong Công ty TNHH Tây Sơn là 1,5 tỷ đồng, nhưng sau đó lại lấy tài sản của Công ty để thế chấp nơi khác thì coi như không còn vốn điều lệ trong công ty nữa. Các thành viên còn lại có thể đăng ký theo Luật Doanh nghiệp để ổn định hoạt động".

Ngày 5/9/2000, Công ty Tây Sơn đã đăng ký thay đổi giấy chứng nhận giảm số vốn điều lệ từ 3 tỷ xuống 1,5 tỷ đồng bằng số vốn góp của bà Mai, thay đổi thành viên của công ty, xóa tên ông Thìn. Hiện Công ty Tây Sơn nằm dưới sự điều hành của ông Phạm Nguyễn Minh Đức.
Tòa phúc thẩm cho rằng, theo Công văn 123 của TAND TP.HCM, phần xử lý vốn góp của ông Thìn trong vốn điều lệ của công ty Tây Sơn đã không còn. Việc tòa sơ thẩm cho rằng "khi bà Mai chuyển phần vốn góp của mình cho thành viên khác phải có ý kiến của ông Thìn" là không có cơ sở, bởi khi đó ông Thìn đang chấp hành án phạt tù.
Việt Nam bắt giam Tổng giám đốc HSBC lừa đảo
Từ đó, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã bác yêu cầu khởi kiện của ông Liên Khui Thìn, chấp nhận kháng cáo của bị đơn Phạm Minh Đạo, Phạm Nguyễn Minh Đức - không đồng ý trả 50% tài sản góp vốn của nguyên đơn tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tây Sơn.

Sẽ tiếp tục kháng cáo giám đốc thẩm

Sau phiên tòa, luật sư Đặng Đình Thịnh (đại diện và bảo vệ quyền lợi cho ông Liên Khui Thìn) cho biết, ông đã thông tin kết quả vụ án cho thân chủ. Ông Thìn sẽ tiếp tục kháng cáo theo thủ tục giám đốc thẩm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Trước đó, trong phiên xử ngày 17/6, bà Nguyễn Thị tuyết Mai cho biết, trước khi ông Thìn bị bắt trong vụ án Epco-Minh Phụng, bà Mai đã có thỏa thuận cấn trừ mảnh đất tại Dĩ An, Bình Dương cho ông Thìn để đổi lại vốn góp của ông tại Công ty Tây Sơn. Giá trị đất tương đương phần vốn góp của ông Thìn là trị giá 1,5 tỉ đồng.
Công an TP.HCM phá kho vũ khí nóng chuyên dùng “để thanh toán lẫn nhau”
Theo bà Mai, khi đó ông Thìn đã đồng ý thỏa thuận này và đã dùng phần đất trên để thế chấp ngân hàng. Thời điểm đó, bà Mai không làm thủ tục thay đổi danh sách thành viên công ty Tây Sơn để xóa tên ông Thìn, cũng không có chứng cứ chứng minh việc cấn trừ vốn góp.
Tuy nhiên, ông Thìn phủ nhận thỏa thuận này giữa ông và bà Mai.
Theo luật sư, bản án hình sự sơ thẩm số 1509 tuyên tịch thu toàn bộ tài sản của ông Liên Khui Thìn nhưng không tuyên thu hồi vốn góp của ông tại Công ty Tây Sơn. Do đó, ông Thìn vẫn là thành viên công ty này.
Trong khi đó, đại diện VKS nhận định các bị đơn kháng cáo nhưng không có chứng cứ chứng minh. Vì vậy, VKS đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, đề nghị tòa tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Thảo luận