Cuộc khủng hoảng phân bốn đã bùng phát không phải ngày hôm qua. Kể từ năm 2020, giá phân lân đã tăng 400%. Những chi tiết - trong tài liệu của Sputnik.
Một nguyên tố thiết yếu cho cuộc sống
Phốt pho là một trong sáu nguyên tố hóa học cấu tạo nên tất cả các loài động thực vật. Bộ khung của DNA và RNA, màng tế bào, xương và răng được xây dựng trên cơ sở phốt pho. Nhưng, không giống như các "nguyên tố khác thiết yếu cho cuộc sống" - oxy, hydro, carbon, nitơ và lưu huỳnh - phốt pho vô cơ không thể được tìm thấy ở dạng đơn chất trong tự nhiên, nó chứa trong các khoáng chất không hòa tan. Do đó, các loài động vật và thực vật chỉ có thể đáp ứng nhu cầu phốt pho thông qua các sinh vật khác, các mô chết hoặc các chất thải của chúng.
Các vùng đất màu mỡ “chernozem” giàu chất hữu cơ chứa rất nhiều phốt pho. Tuy nhiên, ngay cả đất màu mỡ nhất cũng cạn kiệt theo thời gian và cần được bón phân định kỳ để tăng độ phì nhiêu. Mọi người đã hiểu điều này từ lâu. Trong các xã hội nông nghiệp cổ đại, nông dân đã sử dụng phân trộn và phân chuồng. Người bản địa Mỹ và Úc đốt cỏ và trộn tro với đất.
Cho đến giữa thế kỷ 19, ở châu Âu, đặc biệt là trên quần đảo Anh, một loại phân bón rất phổ biến là bột xương. Nó cũng được chế biến từ xương người. Các nhà khoa học nghiên cứu các khu chôn cất trên cánh đồng Waterloo, nơi diễn ra trận chiến lớn nhất trong Chiến tranh Napoléon vào ngày 18 tháng 6 năm 1815, đã phát hiện ra rằng, nhiều ngôi mộ tập thể đã được khai quật vài năm sau trận chiến.
Theo nhiều ước tính, từ 25 đến 30 nghìn người và hàng nghìn con ngựa đã bị chôn vùi trên chiến trường. Nhưng hiện nay các nhà khảo cổ chỉ tìm thấy những bộ hài cốt đơn lẻ. Đồng thời, có tài liệu lưu trữ cho thấy rằng, chỉ riêng trong năm 1822, hơn một triệu giỏ chứa xương nghiền đã được vận chuyển đến cảng Hull của Anh từ Leipzig, Austerlitz và Waterloo và sau đó được gửi đến Yorkshire, nơi các máy hơi nước đã chế biến chúng thành bột xương.
Phân bón hóa học đầu tiên trên thế giới
Vào những năm 1840, gần Cambridge, các nhà địa chất Anh đã phát hiện những viên đá hình tròn màu cà phê giàu phốt pho trong đá trầm tích. Đây là phân hóa thạch còn gọi là Coprolite. Tuy nhiên, sau đó hóa ra rằng, đây là quặng phốt phát còn được gọi là quặng photphorit không liên quan gì đến phân hóa thạch. Nhưng, điều này không làm giảm giá trị của phân hóa thạch như phân bón.
Trong vài thập kỷ, hơn hai triệu tấn đá phốt phát đã được khai thác, biến các cánh đồng và đầm lầy ở phía đông nam nước Anh thành mê cung với những hố và căn hầm. Các viên đá đã được phân loại, rửa sạch và vận chuyển trên xe, trên tàu xe lửa và sà lan đến các nhà máy đặc biệt, nơi chúng được nghiền và xử lý bằng axit để tạo thành Supephotphat - loại phân bón hóa học đầu tiên trên thế giới.
Quặng phốt phát đã làm nên cuộc cách mạng nông nghiệp toàn cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử, người ta có thể sản xuất thực phẩm hầu như trên khắp hành tinh, ở những nơi có nước để tưới tiêu. Kể từ thời điểm đó, dân số Trái đất đã tăng lên nhanh chóng, và loài người hoàn toàn bị phụ thuộc vào phân bón. Phosphorit được thêm vào đất, làm thức ăn cho gia súc và gia cầm. Và hàng trăm nhà địa chất vẫn tiếp tục tìm kiếm những mỏ "đá màu mỡ" trên khắp thế giới.
Cơn sốt guano
Năm 1855, ở khu vực trung tâm của Thái Bình Dương đã phát hiện một số hòn đảo nhỏ không có người ở được bao phủ bởi phân chim giàu phốt pho. Nguyên liệu thô này có giá trị cao đến mức vào ngày 18 tháng 8 năm 1856, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Đảo Phân chim (Guano Islands Act) cho phép công dân Hoa Kỳ chiếm hữu các đảo có tích trữ phân chim. Các đảo có thể là ở bất cứ nơi nào miễn sao chúng không bị chiếm cứ và không nằm trong quyền pháp lý của các chính phủ khác. Ngoài ra, Tổng thống Hoa Kỳ cũng được trao quyền sử dụng vũ lực để bảo vệ lợi ích của những công dân đó.
Sau đó Mỹ tuyên bố chủ quyền với hơn 50 hòn đảo. Vài trong số đó còn nằm trong vòng kiểm soát của Hoa Kỳ là Đảo Baker, Đảo Jarvis, Đảo Howland, Đá Kingman, Đảo Johnston, Đảo san hô Palmyra và Đảo san hô Midway. Mặc dù các đảo này cực kỳ khó tiếp cận, nhưng, Mỹ vẫn có tranh chấp lãnh thổ với Tây Ban Nha, Honduras và một số quốc gia khác.
Sau khi giá phân chim nhập khẩu tăng chóng mặt, các công ty phân bón đổ xô lùng sục các hang dơi để lấy nguyên liệu thô. Họ đã xử lý xương của hàng triệu con bò rừng Bizon Bắc Mỹ sinh sống tại khu vực Great Plains (Đại bình nguyên) bị giết chết bởi những kẻ đi săn để bắn thương mại và giết mổ.
Thăm dò khoáng sản mỏ quặng photphorit
Người ta cũng đã nhớ rằng, "những viên đá bốc mùi" thường xuyên được tìm thấy ở Nam Carolina - những cục đá phốt phát có thể được chế biến thành phân bón. Vào những năm 1870, các mỏ đá phốt phát đầu tiên bắt đầu được khai thác trên Bờ Đông Hoa Kỳ gần Charleston. Mười năm sau, các nhà địa chất phát hiện ra các mỏ lớn ở Florida. Cho đến nay, hầu hết phốt pho trên các cánh đồng của Mỹ đều xuất phát từ đó.
Các mỏ photphorit khổng lồ đã được tìm thấy ở Tây Mỹ, Trung Quốc, Trung Đông, ở Châu Âu, Châu Phi và Châu Úc, cũng như dưới đáy Đại Tây Dương và Biển Baltic. Điều này trở nên vô cùng quan trọng vào thế kỷ 20, trong thời gian Cách mạng Xanh, khi các loại cây trồng đem lại năng suất cao được lai tạo ra đã trở nên phổ biến rộng rãi.
Nhưng, thời kỳ hoàng kim thực sự của phân bón phốt pho đã đến sau khi các mỏ quặng apatit được tìm thấy trên bán đảo Kola vào những năm 1920.
Apatit của Nga
Vào đầu thế kỷ 20, ở Nga chỉ có một số mỏ photphorit nhỏ và các nhà máy superphotphat bán thủ công, nguyên liệu chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Nhiều vùng thường xuyên phải ứng phó thiếu hụt nguồn cung phân bón. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất mùa, đói kém trong mấy năm liền.
Để giải quyết vấn đề này, vào năm 1919, Nga đã thành lập Viện Nghiên cứu Phân bón Trung ương và bắt đầu thăm dò địa chất, khảo sát lập bản đồ trữ lượng photphorit và xây dựng các nhà máy. Tuy nhiên, nguyên liệu thô vẫn khan hiếm.
Năm 1921, trong quá trình thăm dò địa chất ở dãy núi Khibiny, các nhân viên của Bảo tàng khoáng vật học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học dưới sự lãnh đạo của Viện sĩ A.E. Fersman đã phát hiện ra các khối apatit. Trước đó, những khối lớn như vậy của khoáng sản này không được tìm thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới, vì vậy nhiều nhà khoa học và các nhà lãnh đạo ngành rất nghi ngờ về triển vọng chế biến quặng apatit.
Tuy nhiên, mười năm sau, mọi người đã thấy rõ rằng, apatit về mọi mặt đều tốt hơn photphorit truyền thống. Với chi phí thấp, từ quặng apatit có thể thu được những loại phân bón tốt hơn, hơn nữa, ngoài phốt pho quặng apatit còn chứa một loạt kim loại đất hiếm và kim loại quý hiếm.
Năm 1930, mỏ apatit đầu tiên bắt đầu được khai thác ở Khibiny, và vào cuối năm đó, sản lượng của nhà máy tuyển quặng này đã vượt quá tổng sản lượng phốtphorit ở tất cả các mỏ trong nước. Năm 1931, các nhà máy sản xuất supe phốt phát đã chuyển sang sử dụng nguyên liệu thô mới. Và apatit cô đặc bắt đầu được cung cấp cho nước ngoài. Đến giữa những năm 1930, Liên Xô đã trở thành nước xuất khẩu đá photphat lớn nhất thế giới.
Ngày nay, ngoài Nga, còn có Brazil, Nam Phi, Phần Lan, Uganda, Na Uy, Zimbabwe, Canada, Tây Ban Nha và Ấn Độ có trữ lượng lớn quặng apatit. Các loại photphorit thích hợp cho sản xuất công nghiệp cũng có ở phần châu Âu của Nga, tại Trung Quốc, Maroc, Mỹ, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Tunisia và Algeria.
Khủng hoảng phốt phát toàn cầu
Chừng nào các nhà địa chất tiếp tục phát hiện những mỏ mới và công suất của các nhà máy phân bón tiếp tục tăng thì không có lý do gì phải lo lắng. Vào những năm 1990 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khi đá phốt phát cạn kiệt trên hòn đảo Nauru nhỏ bé ở Thái Bình Dương, nơi cung cấp phân bón cho Australia và New Zealand. Đồng thời, việc sản xuất phốt phát ở Mỹ bắt đầu giảm. Hoa Kỳ - nhà xuất khẩu nguyên liệu thô này lớn nhất thế giới - đã trở thành nhà nhập khẩu vào cuối thế kỷ 20.
Một "thảm họa phốt pho" thực sự đã nổ ra vào năm 2008, khi trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những tin đồn về việc nguồn nguyên liệu thô cạn kiệt, giá phốt phát đã tăng 800%.
Từ trước đến nay, phân bón phốt phát luôn rẻ hơn so với phân kali hoặc phân đạm vốn cần khí tự nhiên để sản xuất. Kết quả là các nước có thu nhập thấp và trung bình càng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu phân bón phốt phát. Bây giờ phốt phát đã trở nên đắt tiền. Nhiều quốc gia ở Châu Phi và Đông Nam Á lại phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng trong thế kỷ 21.
Kể từ năm 2020, thị trường lên cơn sốt trở lại. Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn trong mấy tháng gần đây. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng, lệnh cấm xuất khẩu và các lệnh trừng phạt chống Nga đã khiến giá phốt phát toàn cầu tăng gấp bốn lần.
Mới đây, các nhà khoa học hàng đầu từ 18 quốc gia đã công bố một báo cáo mang tên "Tương lai phốt pho của chúng ta". Để nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của vấn đề, trang cuối cùng của bản báo cáo được in trên giấy màu đen.
Các nhà nghiên cứu kêu gọi xem xét lại thái độ đối với phân lân như là loại phân bón rẻ nhất và dễ nhất để tăng năng suất cây trồng. Theo quan điểm của họ, việc sử dụng tài nguyên không được kiểm soát đang đe dọa không chỉ an ninh lương thực mà còn cả hệ sinh thái toàn cầu. Các hợp chất phốt pho bị rửa trôi theo chiều dọc xuống tầng nước ngầm gây ô nhiễm sông, hồ và biển, kích thích sự nở hoa của tảo, thải ra các chất độc có hại cho động vật và con người.
Tuy nhiên, các tác giả không chỉ rõ cách thay thế các loại phân bón mà tất cả nông dân trên thế giới yêu cầu.