Australia đang lấp lỗ hổng trong chiến lược khu vực?

Australia đang khẩn trương tìm cách đuổi kịp Trung Quốc trong hợp tác với các nước Nam Thái Bình Dương. Trung Quốc không coi Australia là đối thủ cạnh tranh chiến lược ở Châu Đại Dương.
Sputnik
Sự cạnh tranh chiến lược là một trong những mối đe dọa ngày càng tăng đối với các quốc gia ở Nam Thái Bình Dương, cùng với đại dịch và sự nóng lên toàn cầu. Bộ trưởng Phát triển quốc tế và Thái Bình Dương của Australia Pat Conroy đã đưa ra tuyên bố này hôm thứ Ba, theo FBC News. Bộ trưởng đã phát biểu tại hội thảo trực tuyến của Trung tâm Phát triển chính sách (USP) được tổ chức ở Fiji.
Bộ trưởng không nhắc đến việc Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính của Australia trong khu vực. Trong khi đó, tất cả các bước trong chính sách đối ngoại của chính phủ mới tại Canberra đều chứng tỏ Úc đang cố gắng bắt kịp Trung Quốc trong hợp tác với các quốc gia trong khu vực.
Ví dụ, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã đến Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid để nói về Ukraina, nhưng, ông vẫn nghĩ về Trung Quốc, về cách sớm khắc phục những thất bại trong chính sách đối ngoại liên quan đến sự tụt hậu trong cạnh tranh với Trung Quốc. Việc Trung Quốc và quần đảo Solomon ký kết thoả thuận hợp tác an ninh được coi là thất bại ngoại giao lớn nhất của Australia kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc trả lời phỏng ngay sau khi đến Madrid, Anthony Albanese lại nhắc đến quần đảo Solomon. Thủ tướng Australia cho biết rằng, ông đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare. Theo ông Albanese , đây là một "cuộc thảo luận mang tính xây dựng", và ông Manasseh Sogavare "tái khẳng định lập trường của ông rằng Úc vẫn là một đối tác ưu tiên trong lĩnh vực an ninh".
Trong khi đó, có vẻ như tuyên bố của Thủ tướng Australia chỉ dành cho người dân thường, nó trông giống như chiêu PR chính trị rẻ tiền. Chuyên gia Artem Garin từ Trung tâm Đông Nam Á, Australia và Châu Đại Dương thuộc Viện Phương đông học (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) nói lên ý kiến này trong cuộc phỏng vấn của Sputnik:

"Đây là những tuyên bố khác lạ. Khẩu hiệu chính sách đối ngoại của hầu hết các nước ở Châu Đại Dương là "Ai cũng là bạn, không ai là kẻ thù". Trên thực tế, Mỹ và Australia đang cố gắng thúc đẩy họ chọn phe của mình, và bình luận của Thủ tướng Australia cũng chứng tỏ điều này. Nhưng, trong khi các quốc đảo cần nhiều thứ, kể cả nguồn tài chính, nguồn lực để phát triển đất nước, dĩ nhiên, lựa chọn việc đứng về phía bên nào là không có lợi cho họ. Ngược lại, các bên khác cần phải thống nhất, nỗ lực bằng cách nào đó để cung cấp sự trợ giúp cho các nước Châu Đại Dương trong trường hợp khẩn cấp. Về mặt này, Trung Quốc đang làm như vậy, cho phép các nước Châu Đại Dương đa dạng hóa quan hệ của họ. Không giống như Úc và Mỹ, Trung Quốc không phản đối điều này. Nhờ đó, Trung Quốc nhiều hơn Úc đáp ứng mục tiêu, tầm nhìn chính sách đối ngoại của các nước Châu Đại Dương "Ai cũng là bạn, không ai là kẻ thù". Trung Quốc không buộc họ phải chọn một bên, mà đang cung cấp một giải pháp thay thế".

Tại sao Bộ trưởng Ngoại giao Australia đến Việt Nam và Malaysia

Australia sẽ thành lập trường quốc phòng để đào tạo quân đội của các đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương

Ngày 28/6, Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc tế Australia và Thái Bình Dương Pat Conroy cho biết về điều này khi phát biểu tại hội thảo của Trung tâm Phát triển chính sách (USP). Việc Australia lựa chọn lĩnh vực này để thúc đẩy hợp tác với các đối tác khu vực rõ ràng được truyền cảm hứng từ thỏa thuận gần đây giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon trong lĩnh vực an ninh, chuyên gia Artem Garin lưu ý. Trong khi đó, các đảo quốc Thái Bình Dương cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài trong những lĩnh vực khác:

"Công Đảng Úc đã có nhiều thời gian để xây dựng chiến lược chính sách đối ngoại của mình, nhưng, trên thực tế, cho đến nay họ chủ yếu phản ứng trước các hành động của Trung Quốc. Có thể dự đoán rằng, trong bối cảnh Trung Quốc đang theo đuổi những hành động tích cực nhằm phát triển quan hệ hợp tác với các nước Châu Đại Dương, Công Đảng Úc sẽ cố gắng cung cấp cho các quốc đảo nhiều hỗ trợ phát triển hơn. Đối với người dân địa phương, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp là tấm vé duy nhất vào đời. Trong bối cảnh này, quyết định của Úc thành lập trường quốc phòng có vẻ lạ, bởi vì người dân địa phương quan tâm nhiều hơn đến các chuyên ngành kỹ thuật và kỹ năng công nghệ khác nhau. Họ quan tâm đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần vào sự phát triển kinh tế và xã hội. Trong khi đó, Úc vẫn thiên về tư tưởng quân sự, đề xuất thành lập trường quốc phòng. Tất nhiên, Trung Quốc có lợi thế về mặt này, các dự án của Bắc Kinh dù bị Mỹ và Australia phê bình, đều nhằm vào lĩnh vực xã hội và nhân đạo".

Hội nghị các nhà lãnh đạo khu vực Thái Bình Dương dự kiến sẽ được tổ chức vào giữa tháng 7 tại Fiji. Đây là cơ hội tốt để thúc đẩy hợp tác khu vực, là cơ hội để thảo luận về các sáng kiến của Trung Quốc ​​về hợp tác hàng hải và an ninh. Trong khi đó, truyền thông đưa tin rằng, Úc, với tư cách là thành viên của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) dự định áp đặt cho các đối tác trong cơ chế này một cuộc thảo luận xung quanh thỏa thuận giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon. Canberra lo ngại rằng, thỏa thuận này sẽ mở ra cánh cửa cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực. "Mặc cảm tự ti" của Australia do ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực có thể làm hỏng bầu không khí làm việc tại hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Suva của Fiji. Do đó, thành công của sự kiện này sẽ phụ thuộc phần lớn vào khả năng giảm mức độ căng thẳng địa chính trị xung quanh hội nghị thượng đỉnh trong nửa tháng còn lại. Tuy nhiên, cho đến nay mức độ căng thẳng chỉ ngày càng tăng lên do những nỗ lực của Australia với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ, Anh và Nhật Bản.
Ý kiến chuyên gia Trung Quốc về khả năng Nhật Bản và Australia gia nhập NATO
Thảo luận