Theo thống kê của báo Lao Động, trong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM vừa qua, nếu không tính điểm ưu tiên và môn chuyên của hơn 92.700 thí sinh dự ít nhất 1 môn, toàn TPHCM có gần 29.250 thí sinh có tổng điểm 3 môn từ 20 điểm trở lên (chiếm khoảng 32%), trong đó có 4.916 thí sinh đạt từ 25 điểm trở lên.
Bên cạnh đó, mức điểm dưới 20 điểm thì có hơn 62.800 thí sinh (chiếm khoảng 68%). Đáng chú ý, có 31.524 thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 15 điểm (chiếm khoảng 34%), trong đó, 6.354 thí sinh có tổng điểm 3 môn từ 10 điểm trở xuống.
Thống kê này cho thấy mức điểm trên trung bình năm nay cao nhất trong vòng 5 năm qua nhưng điểm dưới 5 vẫn chiếm tỉ lệ lớn.
Nhận định về mức điểm thi năm nay, bà Nguyễn Đoan Trang – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TPHCM) đánh giá đề thi có độ phân hoá học sinh tốt. Mặc dù dạng bài, cấu trúc đề thi quen thuộc, đã nằm trong bộ đề mẫu nhưng để đạt được mức điểm giỏi từ 8 điểm trở lên thì học sinh phải học rất chắc, nắm vững kiến thức. Riêng môn Tiếng Anh thì đây là năm đầu tiên học sinh làm bài với đề 90 phút nên độ dài, độ khó cũng sẽ khác với đề thi hằng năm mà các em đã ôn luyện.
Một lãnh đạo trường THCS khác cũng có chia sẻ rất thẳng thắn:
“Đề thi tuyển sinh thì cần sự chọn lọc chứ không chỉ dừng lại ở mức cần đạt. Ở trường tôi, kiểm tra học kỳ I có thể ra đề với mức vận dụng thấp, nhưng học kỳ II phải có độ vận dụng cao để học sinh “va chạm” thực tế giống như khi đi thi. Phụ huynh cũng có cái nhìn tổng quan, trung thực trước khi đăng ký đặt bút nguyện vọng cho con. Nhà trường phải chấp nhận khả năng điểm số, xếp loại không được như ý”.
Trên thực tế, việc học sinh giỏi khi đi thi dưới 15 điểm chỉ là một vài cá biệt chứ không phải đa số. Tuy nhiên, theo thầy Đặng Hoàng Dư - giáo viên luyện thi ở quận Gò Vấp, TPHCM, điều này cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh với các vị phụ huynh không được chủ quan với quả học tập tại lớp.
Đặc biệt đối với kỳ thi lớp 10, kết quả không chỉ phụ thuộc vào hoàn toàn vào điểm số mà còn phải thận trọng khi đăng ký nguyện vọng bởi trên thực tế nhiều học sinh điểm cao vẫn trượt cả 3 nguyện vọng.
Vì sao điểm lại thấp?
Trước đó báo Tuổi Trẻ cũng đã đưa ra những góc nhìn khác nhau đối với vấn đề này qua bài viết của TS Nguyễn Hoàng Chương. Theo đó, ông Chương cho rằng điểm thi phụ thuộc nhiều vào đề thi, nhất là ở các kỳ thi có tính cạnh tranh cao, có thể ví là "khốc liệt", như thi vào lớp 10 tại TP.HCM nói riêng và các địa phương khác trên toàn quốc
Tất nhiên, có mối liên hệ giữa học - kết quả thi học kỳ - điểm trung bình các môn ở lớp 9 với điểm thi vào lớp 10, nhưng nếu đứng ở hệ quy chiếu (kết quả học tập lớp 9) để đánh giá kết quả thi vào lớp 10 thì công cụ đo không phù hợp do sự khác nhau về chất.
Khi làm chủ tịch hội đồng chấm thi vào lớp 10, vị này thấy có trường điểm chuẩn ngất ngưởng cao, nhưng cũng có trường chỉ cần kết quả 3 môn thi không môn nào bị điểm liệt là đỗ.
Đó là chưa nói tới việc trước mỗi bài kiểm tra hay thi học kỳ, học sinh được phụ đạo, kèm cặp, hướng dẫn thêm và sát đề giúp học sinh tự tin làm bài đạt kết quả mong muốn.
Chình vì vậy, không nên vội quy kết "bệnh thành tích" ảnh hưởng đến thầy cô. Khó chung, nên dạy học thế nào, kiểm tra thế ấy. Bước vào kỳ thi vào lớp 10, số đông các em trong diện đó bị "choáng" với đề thi do Sở GD-ĐT thành phố ra, điều "không thể tin nổi" là do đó.
Ngoài ra, do dịch COVID-19, nhiều thầy trò tại TP.HCM phải dạy học trực tuyến trong thời gian dài, có lúc "chạy thi" để kịp xong mà ở nhà tránh dịch.
Trong điều kiện đó, dạy học chất lượng không thuộc về số đông, dẫn đến nhà trường không sâu sát việc học của trò, còn trò thì nông kiến thức và non kỹ năng, ra đề thi vào lớp 10 khá nan giải.
Lẽ ra cần xâu kết hợp lý trên cơ sở tầm nhìn chung và chiến lược hợp lý từ lãnh đạo Sở GD-ĐT đến cơ sở. Từ đó, đề thi tuy bám sát yêu cầu nhưng là đề thi của năm học "có một không hai", với TP.HCM là năm học đi vào lịch sử giáo dục thành phố.
Các trường THPT khi đón học sinh lớp 10 (năm học 2022 - 2023) cần xây dựng kế hoạch giáo dục linh hoạt, giúp các em học được, hiểu bài, biết vận dụng.
Làm được thế sẽ bớt đi "khóc vì điểm thấp" để kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế và nhân văn. Và lớp 10, cũng như những năm sau đó, trò không chán học, buông bỏ vì đến trường là bị la mắng "Cấp II sao học tệ thế!?".
Ông Hoàng cho rằng cũng không loại trừ điểm thấp "không thể tin nổi" là do việc chấm thi "cứng" theo hướng dẫn chấm. Chỉ hơn kém nhau 0,25 điểm nhiều khi ảnh hưởng lớn và dài lâu học tập của các em. Việc phụ huynh xin phúc khảo (khi thấy kết quả chưa phù hợp) là đúng, nhưng về phía Sở GD-ĐT TP.HCM cần chấm thanh tra lại để có điều chỉnh hợp lý.