Việt Nam “hốt bạc” nhờ dầu thô

Thu ngân sách của Việt Nam tăng mạnh nhờ bán dầu thô và thuế chuyển nhượng bất động sản.
Sputnik
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, số tiền thu ngân sách của Việt Nam từ nguồn dầu thô nửa đầu năm 2022 đã đạt 34.116 tỷ đồng, bằng 121% dự toán, 180% cùng kỳ năm ngoái, chỉ trong tháng 6/2022, dầu thô đóng góp cho ngân sách gần 5.000 tỷ đồng.

Dầu thô và thuế chuyển nhượng bất động sản đóng góp lớn vào thu ngân sách

Tổng cục Thuế cho biết tại hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm và giải pháp 6 tháng cuối năm, kết quả thu ngân sách 6 tháng qua đạt 775.262 tỷ đồng, bằng 117,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, số thu từ dầu thô đạt 34.116 tỷ đồng, bằng 121% so với dự toán, bằng 180% so với cùng kỳ năm 2021, theo ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Theo cơ quan thuế của Việt Nam, thu nội địa ước đạt 741.145 tỷ đồng, bằng 64,6% dự toán, bằng 115,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, số thu cả 3 khu vực doanh nghiệp đều đạt mức khá như doanh nghiệp nhà nước đạt 56,8%.
Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 56,6%. Riêng khu vực công nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 67,7% dự toán.
Đặc biệt, thu thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản trong những tháng đầu năm đạt hơn 16.600 tỷ đồng, tăng đến 73% so với cùng kỳ năm 2021.
Bộ Tài chính Việt Nam đã có động thái dứt khoát đối với giá xăng dầu

Tiền phòng hậu kiểm

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, có được kết quả trên là nhờ cơ quan thuế các cấp thực hiện nghiêm túc các quy định về trình tự, thủ tục xử lý hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính và quy trình làm việc trực tiếp với người nộp thuế theo quy định.
Đáng chú ý là cơ quan thuế đã triển khai đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho người nộp thuế tại bộ phận một cửa liên thông theo nguyên tắc “tiền phòng, hậu kiểm”.
Đánh giá chi tiết về tiến độ các chỉ tiêu, khu vực thu, ông Cao Anh Tuấn cho biết, tháng đầu năm, có 16/19 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 55%).
Tuy nhiên, vẫn còn 3/19 khoản có tiến độ thu chậm, trong đó thuế bảo vệ môi trường ước đạt 48%.
Số thu từ chỉ tiêu này đạt thấp do thực hiện Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa có hiệu lực từ ngày 1/4/2022; thu phí – lệ phí ước đạt 53,6%; thu tiền cho thuê bán nhà thuộc sở hữu nhà nước ước đạt 23,9%.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, có 60/63 địa phương có số thu đạt trên 50% dự toán.
Trong đó, một số địa phương có số thu đạt cao như: Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kon Tum, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh...
Tuy nhiên, vẫn còn 3/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán thấp dưới 50% là: Lai Châu ước đạt 46%; Cao Bằng ước đạt 42%; Sơn La ước đạt 44,2%.
Đánh giá chung, ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh, năm 2022 kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi, nhiều quốc gia đã mạnh dạn mở cửa đồng thời nới lỏng các chính sách tiền tệ.
Mỹ kết luận Việt Nam có thao túng tiền tệ hay không
Trong nước, nền kinh tế được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, theo đó các hoạt động văn hóa, xã hội dần trở lại bình thường đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác thu ngân sách.

“Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, nhưng cơ quan thuế các cấp đã đạt được kết quả thu theo nhiệm vụ được giao”, - Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định.

Thảo luận