Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5-6/7/2022 theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện và tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến mới, càng ngày càng phức tạp.
Tại hội đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, phát triển quan hệ với Liên bang Nga là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.
Sputnik đã có cuộc phỏng vấn nhanh chuyên gia quan hệ quốc tế và chuyên gia về quan hệ Việt – Nga, ông Nguyễn Minh Hoàng về phát biểu của ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn.
Việt Nam khẳng định tính chất ưu tiên, mức độ quan trọng của quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga
Sputnik: Thưa ông Nguyễn Minh Hoàng, được biết, tại cuộc hội đàm giữa hai ngoại trưởng Việt Nam và Liên bang Nga, hai bên đã có những trao đổi khẳng định lập trường duy trì và phát triển sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai bên.
Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh tại hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov: "Tôi muốn đảm bảo với các bạn rằng, Nga sẽ luôn là đối tác quan trọng nhất và là ưu tiên chính trong chính sách của Việt Nam". Ông có bình luận gì về phát biểu này?
Ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia quan hệ quốc tế:
Đây là một phát biểu rất quan trọng, có ý nghĩa lớn, đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi Nga đang gánh nhiều gói bị trừng phạt và bị áp lực mạnh. Một mặt, đây là sự khẳng định tính chất ưu tiên, mức độ quan trọng của quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga. Mặt khác, sự nhấn mạnh này cũng khẳng định mức độ tin cậy chính trị rất cao giữa hai nhà nước, hai dân tộc trong bất kỳ hoàn cảnh nào bởi tính chất thường xuyên, liên tục và không ngừng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu của mối quan hệ truyền thống đặc biệt này như Bộ Trưởng Bùi Thanh Sơn đã nói tiếp ngay sau đó: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, mức độ tin cậy chính trị cao và sự quan tâm lâu dài, quan hệ song phương giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển”.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
© Cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao LB Nga
Trong quan hệ quốc tế, sự tin cậy chính trị chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Đối với vấn đề này, Việt Nam và Liên bang Nga không có các mâu thuẫn tiềm tàng có thể ảnh hưởng không tốt đến mức độ tin cậy chính trị. Đó là các mâu thuẫn về lãnh thổ, biên giới và mâu thuẫn về chế độ chính trị. Mặc dù Liên bang Nga và Việt Nam có các mô hình chế độ chính trị khác nhau nhưng hai mô hình này không những không mâu thuẫn với nhau mà còn có những điểm chung về lý tưởng và mục đích tối cao. Đó là xây dựng một quốc gia có dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Bộ trưởng ngoại giao Sergei Lavrov nhấn mạnh về “lịch sử chung”
Sputnik: Sau khi lưu ý rằng Việt Nam là đối tác quan trọng của Liên bang Nga trong ASEAN và các tiến trình khác trên lục địa Á – Âu, người đứng đầu ngành ngoại giao Liên bang Nga khẳng định: “Như ông đã nói, quan hệ giữa hai nước dựa trên lịch sử chung và đấu tranh cho công lý. Trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, một lần nữa chúng ta cần phải đoàn kết nỗ lực duy trì luật pháp quốc tế, nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các quốc gia, không can thiệp vào các vấn đề nội bộ”. Ông có đánh giá như thế nào về phát biểu này của ngoại trưởng Nga?
Ông Nguyễn Minh Hoàng, chuyên gia quan hệ quốc tế:
Cần nhấn mạnh rằng “lịch sử chung” mà Bộ trưởng ngoại giao Sergei Lavrov nhắc đến ở đây chính là việc cả hai nước đã từng có chung một chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa trong lịch sử và cùng đấu tranh cho công lý. Và đến nay, dù Liên bang Nga không tuyên bố mình là một quốc gia xã hội chủ nghĩa nhưng những yếu tố truyền thống tốt đẹp trong quan hệ giữa hai Nhà nước, hai dân tộc vẫn tiếp tục được phát huy trong điều kiện, hoàn cảnh mới.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Liên bang Nga đã khẳng định luật pháp quốc tế mà quan trọng nhất là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các quốc gia cũng như việc không can thiệp vào công việc nội bộ là nguyên tắc hàng đầu của luật pháp quốc tế. Điều này phù hợp với khái niệm chủ quyền quốc gia mới mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định khi ban hành Hiến pháp Liên bang Nga sửa đổi và bài phát biểu của ông tại Diễn đàn kinh tế thế giới S. Petersburg (SPIEF) vừa qua. Đó là chủ quyền về pháp lý khi trên lãnh thổ nước Nga, pháp luật Nga phải được ưu tiên và và điều thứ hai là chủ quyền về an ninh khi một quốc gia được quyền phản ứng tự vệ để chống lại những nguy cơ đe dọa về an ninh đối với họ.
Còn việc ngoại trưởng Nga nhắc đến vấn đề không can thiệp vào công việc nội bộ thì một mặt, ông gửi thông điệp đến một số quốc gia mà “ai cũng biết đấy là ai” luôn hành xử thô bạo trong quan hệ quốc tế và thường xuyên can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác nhằm chiếm lợi thế chính trị và kinh tế cho mình. Mặt khác, cũng bằng thông điệp này, ông khẳng định rằng Liên bang Nga không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, luôn tôn trọng quyền tự quyết của các đối tác. Điều này hoàn toàn trái ngược với các tuyên bố có tính chất ép buộc đơn phương của đại biện lâm thời Ucraina tại Hà Nội khi Việt Nam bỏ phiếu trắng trong việc lên án Nga tại Liên Hợp Quốc và bỏ phiếu chống đối với Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp quốc đòi loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Chuyến thăm của Sergei Lavrov tới Việt Nam
© Cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao LB Nga
/ Sputnik: Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh rằng: Nga đánh giá cao lập trường của Việt Nam khi từ chối tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga. Điều này thể hiện mong muốn của Việt Nam phát triển hợp tác toàn diện với Liên bang Nga trên phương diện song phương và trên trường quốc tế.
"Chúng tôi lắng nghe chính sách khách quan, cân bằng của Việt Nam, đặc biệt là việc Việt Nam đã từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp và mong muốn phát triển hợp tác toàn diện với Liên bang Nga trên phương diện song phương và trên trường quốc tế", - Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh.
Theo các nhà bình luận chính trị và chuyên gia quan hệ quốc tế Sputnik đã phỏng vấn, Nga thể hiện sự tôn trọng quan điểm lập trường của Việt Nam và vẫn mong muốn Việt Nam là “điểm tựa ổn định” của Nga ở khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á-Thái Bình Dương. Phát biểu của phía Việt Nam thể hiện rằng Việt Nam khẳng định điều này.