EU không muốn rút khỏi thị trường bán dẫn Trung Quốc theo lời chỉ dẫn của Mỹ

Hoa Kỳ đang thúc đẩy nhà sản xuất chip Hà Lan ASML mở rộng lệnh cấm xuất khẩu sang Trung Quốc.
Sputnik
Washington đang vận động các đối tác Hà Lan để ngăn cấm ASML bán một số hệ thống in thạch bản cực tím sâu (deep ultraviolet litho - DUV) cho Trung Quốc. Dù những chiếc máy này không bằng thiết bị tiên tiến hiện có, nhưng chúng vẫn là phương pháp phổ biến nhất để tạo ra một số loại chip đang được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau - từ ô tô đến đồ điện tử gia dụng.
Theo Bloomberg, vấn đề này đã được nêu ra trong chuyến thăm của Thứ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Don Graves tới Hà Lan và Bỉ vào cuối tháng 5. Trong chuyến đi đó, ông Graves cũng đến thăm trụ sở ASML tại Veldhoven và gặp Giám đốc điều hành Peter Wennink. Quan chức Mỹ giải thích rằng, danh sách các sản phẩm bị hạn chế giao hàng đến Trung Quốc nên được mở rộng. Chưa rõ phản ứng của người đứng đầu ASML, tuy nhiên, theo tính toán của Bloomberg, trong trường hợp mở rộng các hạn chế, doanh số ASML sẽ giảm từ 5%-10%.

Lý do khiến Washington chú ý đến ASML của Hà Lan là điều dễ hiểu

Công ty ASML thống trị thị trường hệ thống in thạch bản cực tím tiên tiến. Trong làn sóng áp lực trừng phạt đầu tiên đối với Trung Quốc, Mỹ đã có thể thuyết phục Hà Lan cấm cung cấp loại thiết bị này cho các công ty Trung Quốc, vì các hệ thống đó cho phép sản xuất chip công nghệ tiên tiến nhất. Mặc dù bị thiệt hại đáng kể về vật chất (mỗi đơn vị thiết bị như vậy có giá khoảng 160 triệu euro), Hà Lan đã đáp ứng yêu cầu này Mỹ.
Đến nay Mỹ nhận thức được rằng, ngay cả khi không có chip công nghệ cao, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc vẫn hoạt động khá tốt. Xét cho cùng, những con chip công nghệ cao như vậy chủ yếu cần thiết trong điện thoại thông minh, trong đó yếu tố kỹ thuật quan trọng nhất là tỷ lệ giữa hiệu suất và mức tiêu thụ năng lượng. Nhưng, hầu hết các ứng dụng - trong ngành công nghiệp ô tô, sản xuất thiết bị gia dụng và thậm chí trong lĩnh vực quân sự - đều sử dụng chip của các thế hệ trước. Các sản phẩm này đang có nhu cầu lớn nhất, và Trung Quốc không có rào cản đối với việc sản xuất chúng. Bất chấp những hạn chế hiện có, trong hai tháng đầu năm nay, doanh thu của nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC đã tăng 59,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 1,22 tỷ USD.
Tình hình này bắt đầu gây khó chịu cho Washington, và Mỹ quyết định sử dụng rộng rãi hơn các biện pháp hạn chế công nghệ. Trên thế giới có rất ít công ty sản xuất hệ thống in thạch bản cực tím sâu DUV: đó là ASML của Hà Lan, Nikon của Nhật Bản và tập đoàn Applied Materials của Hoa Kỳ. Áp lực mục tiêu đối với ASML là điều dễ hiểu: theo công ty Founder Securities của Trung Quốc, vào năm 2021, 95% thị phần thiết bị DUV ở Trung Quốc do ASML chiếm giữ, và Nikon Nhật Bản chỉ chiếm một vài phần trăm.
Liệu các nhà sản xuất chíp Trung Quốc có e ngại lệnh trừng phạt của Mỹ
Hoa Kỳ đã nhận ra rằng, nếu không phối hợp các hạn chế của chính mình với các đối tác từ Châu Âu thì sẽ không thể đạt được mục tiêu kiềm chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. Nhưng, họ vẫn không thể tạo ra một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc, - chuyên gia Qian Yaxu, nhân viên của Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Đại học Giao thông Tây Nam (Trung Quốc), nói với Sputnik.

Hà Lan chưa sẵn sàng đi theo sự dẫn dắt của Hoa Kỳ

Vào đầu năm nay, CEO Peter Wennink của ASML đã nói rằng, việc hạn chế cung cấp thiết bị thế hệ cũ cho Trung Quốc là vô lý. Trung Quốc chiếm hơn 14% doanh thu của ASML. Đương nhiên, công ty không muốn mất một thị trường như vậy. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng phản đối những hạn chế quá mức đối với việc cung cấp sản phẩm cho Trung Quốc, ông đã kêu gọi EU theo đuổi chính sách độc lập trong quan hệ với Trung Quốc. Đối với Hà Lan, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba sau Đức và Bỉ.
Theo chuyên gia Qian Yaxu, xung đột lợi ích kinh tế và chính trị là vấn đề nan giải nhất không chỉ đối với châu Âu mà còn đối với Nhật Bản khi họ cố gắng định vị mình trong tam giác Mỹ - Trung.
Một thực tế chỉ ra rằng, Hoa Kỳ không đếm xỉa đến lợi ích của các đối tác khi xét đến lợi ích kinh tế của mình. Ví dụ như trường hợp với thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà Trump đã ký với phía Trung Quốc vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của mình. Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp và chế tạo, năng lượng cùng dịch vụ của Mỹ thêm 200 tỷ USD so với mức năm 2017 trong vòng 2 năm. Không ai ở Washington chú ý đến lợi ích của các đồng minh Mỹ như Australia, quốc gia trong nhiều năm liền là nhà cung cấp chính xuất khẩu hàng hóa này sang Trung Quốc. Rõ ràng là Trung Quốc sẽ không mua thêm hàng hóa này với lượng dư thừa. Tức là, sự gia tăng mua hàng từ Hoa Kỳ xảy ra do tỷ lệ mua hàng từ các quốc gia khác giảm.
EU muốn chủ quyền kỹ thuật số để không phụ thuộc vào Mỹ và Trung Quốc
Giờ đây, khi Washington, một mặt, gửi những tín hiệu rõ ràng về việc một số thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc có thể bị hủy bỏ, mặt khác, kêu gọi các đối tác của mình gia tăng các hạn chế đối với Trung Quốc, mọi người có thể thấy rõ “hai mặt” của Hoa Kỳ. Các đồng minh của Mỹ nhận thức được rằng, Washington muốn giải quyết vấn đề với lạm phát tiếp tục tăng cao trong nước, đồng thời muốn đặt gánh nặng rủi ro kinh tế do việc kiềm chế Trung Quốc hơn nữa lên vai những người khác. Về mặt này, mọi nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm tạo ra một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc không nhất thiết dẫn đến thành công. Trong bất kỳ trường hợp nào, cuối cùng, hành động của các đối tác Mỹ sẽ phụ thuộc vào những vấn đề cụ thể trong nền kinh tế của họ và mối quan hệ của họ với Trung Quốc.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.
Thảo luận