Khẳng định sự tin cậy chính trị giữa hai nước
Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện với ba quốc gia là Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Đáng chú ý, Nga là một trong những đối tác hợp tác an ninh và quốc phòng lớn nhất của Việt Nam. Nhiều công ty Nga tham gia vào một số dự án năng lượng lớn ở Việt Nam. Mối quan hệ gắn bó giữa hai quốc gia vốn đã có từ thời Liên Xô, và ngay cả trong bối cảnh diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina.
Bày tỏ với Sputnik, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhấn mạnh:
“Việt Nam có thể nói là đối tác quan trọng bậc nhất của Liên Bang Nga tại Đông Nam Á. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov vừa rồi cho thấy Nga sẽ thông qua Việt Nam để mở rộng định hướng hợp tác cho những lĩnh vực và những đối tác hợp tác với Liên Bang Nga hiện nay. Do vậy, việc mở rộng sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là hướng đi rất quan trọng trong thời điểm hiện nay với Nga”.
Đồng quan điểm với Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu, Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt -Nga Nguyễn Đăng Phát cũng nêu rõ quan điểm:
“Phải nói vị thế của Việt Nam trong các tổ chức nói riêng và trên trường quốc tế nói chung đang rất vững vàng. Tiếng nói và lập trường của Việt Nam đều có tác động tích cực đối với nước Nga. Với chính sách xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam chắc chắn sẽ phát huy được vai trò của mình, dựa trên tin cậy chính trị, truyền thống hữu nghị hợp tác và nhận thức mới, hiểu biết mới về nước Nga”.
Trước việc Nga đánh giá cao lập trường của Việt Nam khi từ chối tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga, ông Nguyễn Đăng Phát, Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt – Nga bình luận:
“Ở đây tôi hiểu Việt Nam ủng hộ Nga, không theo một áp lực chung phải thực thi biện pháp chống Nga. Hai bên đã hiểu rõ nhau, hiểu về lập trường và quan điểm của nhau. Điều này một lần nữa khẳng định sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo hai bên và giữa các cấp, các ngành. Tình hữu nghị truyền thống đến nay vẫn tiếp tục xây dựng và phát huy, không chỉ trong Hội Hữu nghị Việt – Nga của chúng tôi, mà ngay cả trong dư luận nhân dân cũng có thể thấy rõ điều này”.
Hợp tác thương mại, đầu tư song phương vẫn khiêm tốn
Tuy nhiên, xét về quan hệ thương mại, PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, thực tiễn cho thấy, dù hai nước có nhiều tiềm năng và có nhiều truyền thống lâu đời về tình hữu nghị cũng như có sự giúp đỡ của Liên Xô trước kia, thế nhưng hợp tác về kinh tế thương mại đầu tư vẫn còn khiêm tốn so với các đối tác khác của Việt Nam.
Cụ thể, số liệu thống kê chính thức nói thương mại giữa Việt Nam và Nga trong năm ngoái tăng 25%, đạt 7,1 tỷ đô la. Hiện Nga có 151 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 950 triệu USD. Rõ ràng, đây là con số khiêm tốn nếu so sánh với tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với Trung Quốc, một trong ba quốc gia có quan hệ đối tác toàn diện và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Hà Nội, đạt 165,8 tỷ USD trong năm 2021, tăng 24,6%.
Trong khi đó, quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ năm ngoái đạt 13 tỷ USD, tăng 36,5%, cũng cao hơn đáng kể so với Nga. Về vấn đề này, Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt – Nga thẳng thắn bày tỏ:
“Hợp tác kinh tế thương mại đầu tư giữa hai nước phát triển nhiều năm. Song dù hai bên đã có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng và mục tiêu ban đầu. Trong bối cảnh Nga đang bị Mỹ và phương Tây cấm vận, những dự án đầu tư trong lĩnh vực chủ chốt như năng lượng, theo tôi cũng đang vấp phải nhiều khó khăn. Quyết tâm chính trị có rồi, cuộc gặp mặt Tổng bí thư cũng như Thủ tướng của Ngoại trưởng Lavrov cho thấy Nga đang rất nỗ lực đưa hợp tác vào chiều sâu, thiết thực và cụ thể hơn”, ông Phát nói với Sputnik.
Việt Nam và Nga đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào năm 2001 và Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012. Năm 2021, nhân dịp chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hai nước đã thông qua Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga đến năm 2030.
Đối thoại chính trị thường xuyên đang được duy trì, khối lượng thương mại và đầu tư đang được kỳ vọng ngày càng tăng, trao đổi đang được thúc đẩy trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa.