Cứu hộ động vật hoang dã tại Việt Nam

Việt Nam làm gì khi 10 triệu cá thể rùa quý hiếm bị buôn bán trái phép mỗi năm?

HÀ NỘI (Sputnik) - Theo Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam chiếm 9% số lượng các loài rùa toàn cầu, bao gồm các loài rùa biển. Tuy nhiên, quần thể các loài rùa của Việt Nam đang bị suy giảm nhanh chóng do sự biến mất các sinh cảnh sống cùng nạn săn bắt và buôn bán trái phép.
Sputnik
Nhiều loài đang phải đối diện với nguy cơ tuyệt chủng như Rùa Trung Bộ, rùa hộp ba vạch, các loài rùa hộp trán vàng miền Trung, loài giải Sin-hoe (rùa Hoàn Kiếm).
Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC) tại Vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam

Nỗ lực phục hồi quần thể rùa nguy cấp tại Việt Nam

Chia sẻ tại Hội thảo tập huấn “Rủi ro lên sức khỏe hệ sinh thái và con người từ các hoạt động xâm hại thế giới hoang dã” cho các phóng viên khu vực miền Bắc do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức từ ngày 7-9/7 vừa qua, TS. Hoàng Văn Hà, Điều phối viên Chương trình bảo tồn Rùa châu Á (ATP), cho biết:

“Hơn 10.000 tấn rùa bị buôn bán/năm tương đương với 10 triệu cá thể rùa. Giá trị sử dụng rùa thường bị đồn thổi để dùng làm thực phẩm, thuốc, thú cưng và đồ trang sức. Việt Nam hiện là nơi trung chuyển trong các hoạt động mua bán trái phép rùa. Hiện nay, các vụ buôn bán rùa số lượng lớn tuy ít hơn nhưng vẫn diễn ra".

Chương trình Bảo tồn rùa châu Á được thành lập cùng với Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC) tại Vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Trong những năm qua, ATP và TCC thực hiện hàng loạt hoạt động bảo tồn, cứu trợ, tái thả rùa về với tự nhiên từ hoạt động buôn bán rùa trái phép.
Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Cán bộ quản lý động vật, Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á (ATP)
Trao đổi với Sputnik, Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Cán bộ quản lý động vật, Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á (ATP), cho biết:
“Trung tâm có các loài rùa nhóm I bao gồm rùa đầu to - loài quý hiếm nhất, rùa hộp trán vàng đã giải cứu và sinh sản nhân giống thành công dù đây là loài rùa trên cạn rất khó nuôi. Sắp tới, Trung tâm sẽ chuyển giao quần thể rùa hộp trán vàng này về miền Trung để tiếp tục nhân giống sinh sản trong đó".
Một cá thể rùa đất lớn tại Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC), VQG Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam
Ngoài việc đón các đoàn thăm quan, tập huấn, ATP cũng thường xuyên liên hệ trực tiếp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc đóng góp vào Dự thảo xây dựng Nghị định mới hoặc Thông tư mới để hướng dẫn cập nhật mức độ bảo vệ các loài.
“Mỗi dự thảo, Chương trình đều gửi tài liệu đề xuất các loài hiếm để bổ sung. Kết quả là hầu hết các loài rùa của Việt Nam đều nằm trong danh sách bảo tồn", bà Thuỷ chia sẻ.
Cứu hộ động vật hoang dã tại Việt Nam
Vảy tê tê là 'thần dược' chữa bách bệnh?

Thắp sáng hy vọng hồi sinh rùa Hoàn Kiếm

Loài rùa Hoàn Kiếm (tên khoa học Rafetus swinhoei) từng có một vùng phân bố rộng lớn kéo dài từ phía Nam sông Dương Tử (Trung Quốc) đến miền Trung Việt Nam.
Tuy nhiên, quá trình săn bắt và môi trường sống bị ảnh hưởng đã khiến loài rùa này suy giảm nhanh chóng. Năm 2012, các nhà khoa học đưa rùa Hoàn Kiếm vào danh sách 100 loài động vật quý hiếm nhất thế giới và là loài rùa độc đáo, chỉ có ở châu Á.
Không chỉ đa dạng về mặt sinh học, rùa Hoàn Kiếm còn rất quan trọng với lịch sử văn hoá Việt Nam. Sau khi cá thể rùa Hoàn Kiếm chết vào năm 2016, thế giới chính thức ghi nhận 3 cá thể gồm một cá thể rùa đực tại Trung Quốc, hai cá thể tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Cán bộ quản lý động vật, Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á (ATP)
Thành công nổi bật ATP là đã đưa loài rùa Hoàn Kiếm lên mức bảo vệ cao nhất và thành lập các khu bảo tồn để bảo vệ loài rùa này. Bà Nguyễn Thu Thuỷ chia sẻ với Sputnik:
“Đây là loài phân bố ở các vùng sông hồ rộng lớn, Việt Nam hiện đã xác định được 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm trong tự nhiên. ATP có dự án và nhân viên trực bảo vệ tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh mà 2 cá thể này sinh sống. Đồng thời bảo vệ cả sinh thái vùng hồ này mà không cần phải đem về Trung tâm cứu hộ".
Năm 2020, chương trình phối hợp với các đơn vị như Sở NN&PTNT TP Hà Nội, tổ chức WCS tìm kiếm các cá thể còn sống trong hồ Đồng Mô. Kết quả thu được khá bất ngờ.
“Tháng 10/2020, chúng tôi may mắn đã đưa được một cá thể rùa cái nặng 86kg và siêu âm kiểm tra đã thấy trong ổ bụng có trứng. Đây là cá thể rùa cái trẻ, khoẻ mạnh, không bị thương và đang trong độ tuổi sinh sản", bà Thuỷ cho biết.
Cũng theo bà Thuỷ, ATP cùng các chuyên gia Hoa Kỳ và các cơ quan chức năng tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các thể rùa mới tại khu vực hồ Đồng Mô rộng hơn 1200ha. Tuy nhiên vẫn chưa phát hiện được thêm cá thể rùa Hoàn Kiếm nào mới.
Một cá thể rùa nguy cấp tại Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC), VQG Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam

Bảo tồn là không chỉ cần nỗ lực

Theo khảo sát đưa ra tại Hội thảo tập huấn, số lượng rùa được rao bán trên mạng xã hội có xu hướng tăng vọt trong dịch COVID-19. Bà Nguyễn Thị Thuý Hằng, Trưởng phòng truyền thông - dữ liệu tổ chức PanNature, cho biết:
“Các loại rùa buôn bán trên mạng rất đa dạng từ rùa ngoại nhập cho đến rùa nội địa. Các hội kín có rất nhiều mánh khóe để tránh sự kiểm duyệt của Facebook".
Tại Việt Nam, hành vi quảng cáo bán động vật hoang dã trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính 70-100 triệu đồng đối với các loài động vật hoang dã là hàng cấm, hoặc 1-1,5 triệu đồng đối với các loài động vật hoang dã khác theo quy định tại Điều 50 Nghị định 158/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung).
Hoạt động trong khóa tập huấn về "Rủi ro lên sức khỏe hệ sinh thái và con người từ các hoạt động xâm hại thế giới hoang dã”
Tuy nhiên, các nỗ lực ngăn chặn hoạt động buôn bán trái phép và bảo tồn ĐVHD không chỉ cần nỗ lực và chế tài. Bà Nguyễn Thu Thuỷ, cán bộ ATP, chia sẻ với Sputnik:

“Làm bảo tồn thành công tốn rất nhiều công sức, nỗ lực và cần phải may mắn nữa. Không phải một ngày, hai ngày là làm được. Để hệ sinh thái có thể phát triển bền vững trong tự nhiên mất hàng nghìn, hàng triệu năm và chúng ta làm có một vài năm vẫn chưa thấm gì”.

1 / 6
Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC) tại Vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam
2 / 6
Khu sinh sống của loài rùa đất lớn thuộc Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC) tại VQG Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam
3 / 6
Một cá thể rùa nguy cấp tại Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC), VQG Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam
4 / 6
Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC) tại Vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam
5 / 6
Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC) tại Vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam
6 / 6
Trung tâm Bảo tồn Rùa (TCC) tại Vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam
Được biết, rùa là loài động vật sinh trưởng chậm. Vì vậy, công tác phục hồi sức khoẻ cho loài động vật này cũng cần nhiều thời gian hơn các loài khác. Hiện rùa sa nhân, rùa đầu to và rùa hộp trán vàng là các loại rùa được gắn chip điện tử theo dõi khi tái thả về tự nhiên.

“Một số cá thể sẽ được chọn lọc vì chi phí gắn thiết bị theo dõi rất lớn mà hiện tại Chính phủ chưa có nguồn kinh phí dành cho dự án lâu như thế này. Vì vậy, tất cả các nguồn đầu tư đều được chúng tôi xin từ nước ngoài. Những nguồn tài trợ có thể duy trì được từ 1-2 năm, khi hết phải xin tiếp hoặc nếu không có thì phải dừng", bà Thuỷ tâm sự.

Để nâng cao hiệu quả bảo tồn loài rùa nguy cấp tại Việt Nam, cần tăng cường cơ chế phối hợp nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, thiết lập cơ chế tài chính hỗ trợ công tác bảo tồn tại Việt Nam.
Thảo luận