Kết quả công trình này được công bố trên tạp chí Science Robotics.
Theo các nhà khoa học, một trong những đặc điểm của con người là tự nhận thức về bản thân - nghiên cứu các đặc điểm tinh thần và thể chất của mình. Khái niệm về cơ thể của chính mình giúp con người di chuyển, dự đoán và thực hiện các hành động nhất định. Trong khuôn khổ công trình khoa học, nhóm kỹ sư đã tạo ra mạng lưới thần kinh cho phép các máy móc thông minh tự nghiên cứu để "hiểu" bản thân.
Trong quá trình thử nghiệm, các nhà khoa học đã đặt cánh tay robot bên trong vòng khép kín 5 ngăn. Robot thực hiện một số chuyển động nhất định và tự quan sát - "giống như một đứa trẻ đang nhìn mình trong gương lần đầu tiên."
Theo các chuyên gia, sau khoảng ba giờ, cánh tay robot đã dừng lại:
“Mạng lưới thần kinh sâu bên trong đã hoàn thành việc nghiên cứu mối quan hệ giữa các hành động vận động và khối lượng nó chiếm trong môi trường”.
Tại sao robot cần tự nhận thức về mình?
Tài liệu nói rằng khả năng robot tự nghiên cứu mà không cần sự trợ giúp của các kỹ sư là rất quan trọng vì nhiều lý do.
Cách tiếp cận này sẽ làm cho máy móc thông minh tự chủ hơn: “Ví dụ, robot có thể phát hiện ra nó đang làm sai điều gì đó, sửa lỗi hoặc kêu gọi sự giúp đỡ.”
“Nếu một robot, động vật hoặc con người có một mô hình chính xác của chính nó, nó có thể hoạt động tốt hơn, đưa ra quyết định tốt hơn và có lợi thế về mặt tiến hóa" - các tác giả kết luận.