Theo Bộ Ngoại giao, công tác sơ tán công dân khỏi Ukraina cơ bản hoàn tất. Các cơ quan chức năng đã đưa khoảng 5.200 người Việt Nam và gia đình tới nơi an toàn, tổ chức 6 chuyến bay đưa gần 1.700 người về nước.
Việt Nam tiếp tục lên tiếng liên quan tình hình Ukraina
Ngày 15/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam phát đi thông báo cập nhật về quá trình bảo hộ công dân tại Ukraina cũng như tình hình người Việt ở những khu vực còn bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Theo đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình bảo hộ công dân tại Ukraina, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraina “theo dõi sát tình hình”.
Thông báo mới nhất được đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận chiều tối nay (15/7).
“Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraina theo dõi sát tình hình, kịp thời khuyến cáo bà con về những diễn biến ở sở tại, chủ động lên kế hoạch, sẵn sàng triển khai các phương án bảo hộ công dân khi cần thiết”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nêu rõ.
Bộ Ngoại giao: Công tác sơ tán công dân cơ bản hoàn tất
Nêu rõ trong thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình Ukraina diễn biến phức tạp, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan đại diện Việt Nam tại địa bàn Ukraina đã “chủ động, tích cực” phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại, các hội đoàn người Việt hỗ trợ cho công dân Việt Nam và người thân di chuyển.
Theo phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng, công dân Việt Nam được sơ tán khỏi khu vực bị ảnh hưởng ở Ukraina bằng các hành lang an toàn, đồng thời, nhà chức trách cũng cắt cử người bảo vệ tài sản cho bà con, hạn chế tối đa tổn thất.
“Kết quả, tới 30/3, công tác sơ tán công dân khỏi Ukraina đã cơ bản hoàn tất”, đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định.
Cụ thể, theo bà Lê Thị Thu Hằng, các cơ quan chức năng đã đưa khoảng 5.200 người Việt Nam và gia đình tới nơi an toàn, tổ chức 6 chuyến bay đưa gần 1.700 người về nước.
Cơ quan chức năng cũng thu xếp hàng chục công dân khác về nước trên các chuyến bay thương mại, đáp ứng “hầu hết nguyện vọng” sơ tán, hồi hương của người dân trong lúc khó khăn.
Đồng thời, theo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraina, hiện nay có khoảng 350 người Việt còn lại ở đây, trong đó khoảng 30 người tại Kiev, 270 người tại Odessa và khoảng 50 người ở các khu vực khác.
“Đây đa số là những người đã từng sơ tán khỏi Ukraina, nay quay trở lại để giải quyết các vấn đề cá nhân”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao lưu ý.
Việt Nam “khách quan và công bằng”
Trước đó, trong chuyến thăm tốt đẹp của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đến Hà Nội, phát biểu tại cuộc họp báo trưa ngày 6/7, nhà ngoại giao kỳ tại của Nga cũng đánh giá cao lập trường “khách quan và công bằng” của Việt Nam cũng như cách Hà Nội nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, trong cuộc gặp đầy tình hữu nghị “chân thành và cởi mở” với Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Ngoại trưởng Lavrov đánh giá Việt Nam có vai trò cầu nối quan trọng giúp Moskva tăng cường quan hệ mật thiết với các nước trong khu vực.
Đặc biệt, khi lãnh đạo cấp cao Việt Nam gặp gỡ và trao đổi với Ngoại trưởng Lavrov, quan điểm của Hà Nội về tình hình Ukraina được tái khẳng định rõ nét.
Chẳng hạn, theo thông cáo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, khẳng định với Ngoại trưởng Nga Lavrov, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cảm ơn Nga đã hỗ trợ công dân Việt Nam tại Ukraina suốt thời gian qua được an toàn.
Tiếp đến ở cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo Việt Nam cũng nhắc lại về quan điểm của Việt Nam trên các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, phù hợp với đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam, trong đó có việc đối thoại, đàm phán giải quyết hòa bình các khác biệt, tranh chấp quốc tế.
Cụ thể là theo đường lối đối ngoại đó và với chủ trương là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định Việt Nam luôn trân trọng và ghi nhớ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả của Liên Xô, Liên bang Nga trong các cuộc kháng chiến và phát triển đất nước qua các thời kỳ.
Trong khuôn khổ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga và hợp tác giữa hai nước.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết ông rất vui được trở lại thăm Hà Nội và Việt Nam là “một đối tác chủ chốt” của Nga trong khu vực ASEAN, cũng như các tiến trình mới đang phát triển tích cực ở lục địa Á – Âu.