Phía Mỹ tuyên bố, hoạt động tự do hàng hải của họ nhằm khẳng định quyền đi lại trên Biển Đông, và tuân theo luật pháp quốc tế.
Trung Quốc sau đó thông báo đã điều tàu ra xua đuổi USS Benfold, đồng thời cáo buộc Washington đã gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định tại Biển Đông.
Khu trục hạm của Mỹ đến gần Trường Sa
Ngày 16/7, Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đã có thông cáo cho biết, tàu khu trục USS Benfold của Hải quân nước này đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông, tại khu vực gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Vào ngày 16/7 (giờ địa phương), USS Benfold khẳng định quyền đi lại và tự do gần quần đảo Trường Sa, theo luật pháp quốc tế”, - thông cáo nêu rõ.
Hải quân Mỹ cũng cho biết tàu sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông.
Trong thông cáo, Mỹ cho rằng, những yêu sách phi pháp về hàng hải ở Biển Đông đã và đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến tự do đường biển, bao gồm tự do cho tàu thuyền, máy bay, tự do thương mại và tự do về cơ hội kinh tế cho các nước trong khu vực.
Thông cáo cũng nhấn mạnh, Công ước về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) đã cung cấp các quyền và tự do cùng việc sử dụng hợp pháp vùng biển cho tất cả các nước.
“Cộng đồng quốc tế có vai trò lâu dài trong việc duy trì tự do ở các vùng biển, vốn trọng yếu đối với an ninh, ổn định và thịnh vượng toàn cầu”, - Hải quân Mỹ tuyên bố.
Trung Quốc xua đuổi tàu Mỹ USS Benfold
Trước đó, Hoa Kỳ đã có thông báo cho biết, tàu khu trục USS Benfold đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Washington bày tỏ quan ngại về việc Bắc Kinh xây dựng các hòn đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông, bao gồm cả những công trình như sân bay được cho là để phục vụ mục đích quân sự.
Cách đây gần 6 năm, Tòa trọng tài quốc tế đã tuyên bố bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa bao giờ chấp nhận phán quyết này.
Theo Reuters, trong cùng ngày, Bộ Chỉ huy Chiến khu Nam bộ của Trung Quốc thông báo đã huy động các đơn vị theo dõi và xua đuổi USS Benfold. Bắc Kinh cũng chỉ trích hành động của Washington đã gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định tại Biển Đông.
Mỹ nhiều lần thách thức Trung Quốc ở Biển Đông
Những động thái trên của Hoa Kỳ thách thức tuyên bố của Trung Quốc về đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa, khẳng định tuyên bố này không phù hợp với luật quốc tế.
Hồi đầu năm 2022, Hải quân Mỹ đã điều 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tới biển Đông để tham gia diễn tập quân sự. Hai nhóm này do 2 siêu tàu sân bay là USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln dẫn đầu. Các hoạt động diễn tập ở biển Đông bắt đầu từ ngày 23/1/2022.
Các bài tập bao gồm chiến đấu chống ngầm, không chiến, hoạt động liên kết hàng hải để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, cuộc diễn tập được thực hiện theo luật pháp quốc tế và trong vùng biển quốc tế.
"Những hoạt động như vậy cho phép chúng tôi cải thiện khả năng chiến đấu đáng tin cậy, trấn an đồng minh và đối tác của mình, chứng minh quyết tâm của chúng tôi với tư cách là một lực lượng hải quân nhằm đảm bảo sự ổn định của khu vực và chống lại ảnh hưởng xấu", - Chuẩn Đô đốc J.T. Anderson, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln, cho biết.
Trước đó, cả 2 nhóm tác chiến tàu sân bay nói trên đã tập trận chung với lực lượng Nhật Bản ở biển Philippines, khu vực bao gồm vùng biển phía Đông Đài Loan (Trung Quốc).
Liên quan đến những hoạt động trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp khác trên các vùng biển của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển đó đều vô giá trị và không được công nhận.